“Trạng nguyên” cuộc thi thơ tâm tình NCT 2021
Văn hóa - Thể thao 02/01/2022 10:06
Ông Đinh Văn Hởi, sinh năm 1945 ở Đồng Đò, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Tốt nghiệp lớp 10 phổ thông, năm 1964, ông vào Đơn vị C872, rồi C873, Đội Thanh niên xung phong (TNXP) số 87, ra chiến trường lăn lộn phá bom làm đường, bảo đảm giao thông thông suốt cho bộ đội hành quân đánh giặc. Với vốn văn hóa tốt nghiệp phổ thông, vào loại hiếm trong lực lượng TNXP lúc bấy giờ, ông được giao nhiệm vụ dạy văn hóa cho các bạn cùng đơn vị.
Ngày ấy, TNXP không có nhiều giáo viên tốt nghiệp đại học hoặc trung cấp sư phạm, anh chị em dạy chữ cho nhau theo dạng “đội viên dạy đội viên”. Năm 1967, ông được cử về học Đại học Hàng hải, đến năm 1972, nhận công tác tại Công ty Vận tải Sông biển Hà Nam Ninh, định cư ở TP Nam Định. Năm 2006, ông về hưu khi là Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Nam Định thuộc Cục Hàng hải Việt Nam. Từ đó ông có nhiều thời gian và điều kiện đến với thơ. Ông là thành viên các CLB thơ TP Nam Định, CLB Thơ Non Côi - Sông Vị, CLB Thơ Hội Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Nam Định và đang là Chủ nhiệm CLB Thơ Thiên Trường (CLB thơ ca của cán bộ trung, cao cấp trong tỉnh), nên có điều kiện tiếp xúc, giao lưu với nhiều bạn thơ, dự nhiều hội thảo về thơ.
Tổng Biên tập Lê Quang trao giải Nhất cho tác giả Đinh Văn Hởi |
Ở Việt Nam có rất nhiều CLB thơ, hội viên chủ yếu là NCT, là nơi để họ giao lưu, chia sẻ tâm tư, tình cảm, nơi họ tự khẳng định mình qua những vần thơ câu ca, và trong cái nền phong trào ấy, ắt sẽ nổi lên những gương mặt thơ sáng giá. Ông Hởi có cuốn “Lục bát lòng tôi”, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành vào năm 2016, gồm 58 bài lục bát, là thể thơ dân gian đặc sắc riêng có của người Việt. Ông thừa nhận khi sáng tác thơ lục bát, ông như thấy có Nguyễn Bính, nhà thơ của làng quê Việt phảng phất đâu đây bên mình. Thơ Nguyễn Bính dân dã, dung dị, mộc mạc từ góc nhìn, cách cảm đến ngôn từ, thi pháp.
Thơ lục bát của Đinh Văn Hởi đạt đến độ tinh khéo của thể loại, cả về nội dung và hình thức nghệ thuật. Đây là tâm trạng người lính già khi Xuân về:
“Vỡ òa vui giữa đường đời/ Xanh màu áo lính đất trời vào Xuân/ Khúc quân hành lúc hành quân/ Âm vang theo mãi dấu chân lính già/ Xuân đời mấy cuộc phong ba/ Dấn thân khắp nẻo vẫn là quê hương/ Da mồi chưa nhạt gió sương/ Mắt xanh nhuốm bụi dặm trường chiến chinh/ Còn say giọt nắng quê mình/ Sắc Xuân xanh mãi - trung trinh - lính già”.
Nhiều năm sống trên đất Nam Định, mà ông coi như quê hương thứ hai, nét trào lộng, sự thâm thúy trong thơ Tú Xương ít nhiều ảnh hưởng đến thơ Đinh Văn Hởi. Nhà ông gần Công viên Trung tâm, nơi đặt mộ Nhà thơ Tú Xương, cái hồn vía Tú Xương như cũng đã tìm thấy ở ông những tần số cộng hưởng, để Đinh Văn Hởi làm thơ thể Đường thi khá thành công.
Ông Đinh Văn Hởi và tác giả bài viết |
Khi lên nhận giải thưởng, ông tặng mọi người một bài thơ:
“Nắng ấm bừng lên lộc biếc dầy/ Nhành lan chớm nở ngát hương bay/ Men tình tri kỉ say cùng bạn/ Sóng sánh trời Xuân sóng sánh mây”.
Người ta bảo, đằng sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng người đàn bà, trường hợp ông Hởi chắc cũng thế. Bà vợ ông cũng là một cựu TNXP có nhiều năm lăn lộn ngoài chiến trường, bây giờ hai ông bà sống với nhau, ắt có nhiều nét đồng cảm, dễ sẻ chia, động viên nhau trong cuộc sống, trong thơ ca. Mặc dù sức khỏe bà không được tốt, nhưng bao giờ bà cũng là người vợ hiền thục, tảo tần, thân thương gắn bó với ông, đem lại cho ông sự thanh thản, bình yên trong tâm hồn để khi đến lúc, hồn thơ ông lại thăng hoa. Hai vợ chồng già sống bình yên trong ngôi nhà của tình yêu thương gần hồ Laket với vợ chồng cô con gái út là Đại úy Công an và đứa cháu ngoại. Cậu con trai lớn nối nghiệp cha, bây giờ là Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế. Nghĩa là ông có một gia đình rất ổn để ủ men thơ.
Nói thế không có nghĩa là những nhà thơ sống trong hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo thì thi hứng tắt lịm. Ông Đinh Văn Hởi có một cuộc đời với những trải nghiệm phong phú từ chiến tranh ác liệt đến xây dựng hòa bình và phát triển nền kinh tế đất nước, với một vốn kiến thức văn hóa cơ bản được mài giũa, trui rèn trong thực tiễn và một tâm hồn nhạy cảm luôn hướng đến thơ, coi thơ là phương tiện giải tỏa, giãi bày tâm sự, khối tâm sự của người từng trải. Ông đặc biệt quan tâm đến những bài thơ, những tác phẩm thấm đậm sắc thái tình người, tình yêu đất nước, con người, những con người có đóng góp tích cực cho sự phát triển của quê hương.
Bài thơ “Người hút điếu cày” giành Giải Nhất cuộc thi thơ “Tâm tình NCT năm 2021, là ông viết tặng cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú Kim Ngọc, người đã “liều lĩnh” đưa ra và thực hiện chủ trương khoán hộ, cởi trói cho người nông dân, cởi trói cho lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Những vần thơ ca ngợi người đã phá rào, mở cho nông dân con đường no ấm: “Òa vui sân lúa đầy sân/ Bông vàng óng mượt níu chân người trồng/ Ơn ai khoán gió khoán giông/ Sẻ san mưa nắng xanh đồng lúa non…”.
Hình ảnh “khoán gió khoán giông” thật đắt, bởi vì ông Kim Ngọc, người đưa ra chủ trương khoán ấy đã gặp không ít giông bão đùng đùng đến với cuộc đời và sự nghiệp của mình. Khi được hỏi ông quê Thái Bình, sống ở Nam Định mà sao lại viết về Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú, ông Hởi cho hay, cảm hứng viết bài thơ ấy nảy sinh khi ông xem bộ phim truyền hình “Bí thư Tỉnh ủy” phát trên VTV1. Chắc chắn rằng, sự năng động của người lãnh đạo cao nhất tỉnh Vĩnh Phú ngày ấy, đã tìm được, gọi lên được sự đồng cảm trong nhà thơ, vốn cũng là cán bộ lãnh đạo phụ trách một lĩnh vực của một tỉnh. Cái sự “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” giữa nguyên mẫu và nhà thơ đã kết tinh lại thành tác phẩm thơ được Ban Chung khảo đồng thanh trao Giải Nhất cuộc thi thơ “Tâm tình người cao tuổi” năm 2021.
“Trạng nguyên” cuộc thi thơ Tâm tình NCT năm 2021 cho hay, giải thưởng 10 triệu đồng, ông sẽ cho 3 đứa cháu nội, ngoại mỗi cháu một ít để mua sắm đồ dùng học tập, còn đâu là để vui với bạn bè tri kỉ.