Thương binh Tạ Bá Khiêm từ kí ức đến hiện tại
Nhịp sống văn hóa 25/07/2020 08:08
“Ôm” thương tật 2/4 từ chiến trường trở về, ông Khiêm tiếp tục tham gia công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng cho đến khi nghỉ hưu năm 1999. Hơn hai chục năm về với đời thường, bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ và dòng máu cách mạng luôn ấm nồng trong huyết quản. Là trụ cột gia đình, ông càng trở lên mạnh mẽ, vững vàng và tìm mọi cách vượt khó, không chịu ngồi yên an phận. Phải vươn lên xóa cái đói thoát cái nghèo, làm giàu cho gia đình và quê hương.
Ông Tạ Bá Khiêm và các thành viên CLB LLVT nghỉ hưu xã Dị Nậu trồng cây xanh bảo vệ môi trường |
Nghĩ là làm, ông gom góp kinh nghiệm, trí tuệ và tâm huyết, xin vào làm việc tại một số doanh nghiệp xây dựng chuyên xây dựng cầu đường, nhà ở và các công trình dân sinh trên địa bàn. Được cộng sự và đối tác tin tưởng, càng phải lan tỏa và nhân rộng uy tín, ông luôn coi trọng chất lượng công trình, đồng thời cân đối bảo đảm giá cả phù hợp để thu hút khách hàng. Năng động, tích cực và có uy tín, ông được bầu làm Bí thư Chi bộ doanh nghiệp nhiều năm liền và được trao Huy hiệu Đảng.
Ăn nên làm ra, có chút của ăn của để, tích lũy đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, ông Khiêm không bao giờ quên những năm tháng cơ hàn. Không cuộc vận động từ thiện nào của địa phương ông bỏ qua, từ đóng góp, ủng hộ các chương trình từ thiện nhân đạo ở địa phương, tặng quà gia đình chính sách, người có công, đến ủng hộ người nghèo, đồng bào bị ảnh hưởng do thiên tai lũ lụt. Địa bàn nơi ông hoạt động nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, dân trí thấp, đời sống khó khăn. Đã thế, nhiều tệ nạn xã hội và tội phạm hoành hành, kéo theo đó là nhiều hoàn cảnh éo le, trong đó nhiều người từng lầm lỡ trở về sau cai nghiện, tù tội. Do định kiến xã hội, những người này thường khó kiếm việc làm. Nhận “con nghiện” với “phạm nhân” để mang gánh nặng vào thân à! Nhiều người đã cay nghiệt thốt lên như vậy.
Ông Tạ Bá Khiêm tại buổi sinh hoạt CLB |
Nhưng với ông Khiêm thì không. Đi lên từ gian khó, cùng người bạn đời của mình (bà Đỗ Thị Thảo) chia ngọt sẻ bùi suốt mấy mươi năm, ông luôn đau đáu về những “người dưng” ấy. Họ từ lầm lỗi trở về, mất uy tín, mất niềm tin với gia đình, xã hội, không có chỗ bấu víu, không có điểm tựa tinh thần. Ông Khiêm thương lắm! Vừa làm cho doanh nghiệp, ông vừa tìm hiểu và nhận thi công các công trình vừa sức và khả năng tài chính. Có được công trình, ông lại tìm hiểu, thu nạp những đối tượng mới cai nghiện hoặc đi tù về, tạo cho họ cơ hội kiếm tiền ổn định cuộc sống. Bằng cách tiếp nhận họ vào làm việc, ông đã chìa bàn tay nhân ái nắm lấy, dắt họ đi lên, hoàn lương và hòa nhập cộng đồng. Ông coi họ như con cháu, yêu thương, tôn trọng họ, bình đẳng với những lao động khác, trả lương đúng, đủ theo công sức đóng góp của họ. Hằng ngày, ông gần gũi, nhắc nhở, động viên họ an tâm, vững tin vươn lên trong cuộc sống.
... và tại buổi làm việc với lãnh đạo xã |
Thế rồi cũng có lúc, ông nghĩ đến việc phải trở về quê hương. Tuổi già về vui thú điền viên, gần gũi bà con thân thích, có nhắm mắt cũng yên lòng. Nhưng ông lại xao lòng trước những ánh mắt cầu khẩn, những lời gan ruột của nhiều thanh niên trẻ từng sa chân lỡ bước: “Ông đã sinh ra con lần thứ hai”. “Ông đừng đi. Ông đi rồi con biết ở với ai?”. Đứng trước sự lựa chọn khó khăn, rồi ông cũng đi đến một quyết định “tham lam” là vừa tiếp tục ở Cao Bằng, vừa trở về xây dựng quê hương Dị Nậu. Đưa vợ con về quê, ông xây dựng nhà cửa khang trang có nhà thờ ông bà tổ tiên, vườn cây ao cá đủ thỏa mãn thú điền viên thư giãn cho cặp vợ chồng già. Còn ông thì vẫn như con thoi đi lại, khi ở công ty lúc về quê vui thú ao vườn. Hiện ông còn đảm nhiệm cương vị Phó Chủ nhiệm CLB LLVT nghỉ hưu xã Dị Nậu, tập hợp những sĩ quan quân đội, công an hưu trí tham gia sinh hoạt. Ông cùng Ban Chủ nhiệm không chỉ điều hành hoạt động CLB, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, mà còn động viên hội viên đóng góp công sức, tiền của, chung tay xây dựng quê hương ngày thêm đổi mới. Với tinh thần đoàn kết, gắn bó, yêu thương, các thành viên CLB đã giúp nhau cùng làm kinh tế gia đình khá giả, đóng góp xây dựng nông thôn mới, trồng cây xanh bảo vệ môi trường và tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa nhằm lưu giữ truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ.