Khơi thông dòng “nguyên khí”
Trong mắt người già 23/11/2020 10:00
Theo quan điểm của Bác, nhân tài là những người thực sựyêu nước, thương nòi, đem hết tài năng, sức lực cống hiến cho Tổ quốc. Bởi thế, Chính phủ đầu tiên do Bác đứng đầu bao gồm những nhân tài không phân biệt đảng phái chính trị, nguồn gốc xuất thân.
Nhất quán với tư tưởng của Bác, Đảng và Nhà nước ta có quan điểm về thu hút và trọng dụng nhân tài rất rõ ràng. Tuy nhiên, do chưa xây dựng thành chiến lược quốc gia, cũng như chưa được thể chế hoá bằng đạo luật nên việc thu hút và trọng dụng nhân tài mỗi nơi làm một khác, đạt hiệu quả chưa cao.
Trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XIII, vấn đề thu hút nhân tài càng được dư luận xã hội quan tâm hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ; cuộc cách mạng 4.0 và chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030 đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ rất quan trọng, cấp thiết, đòi hỏi Đảng, Nhà nước ta cần một nguồn nhân lực chất lượng cao trên mọi lĩnh vực của đời sống.
Bất cứ lĩnh vực nào ở nước ta cũng “khát” nhân tài, đặc biệt ở lĩnh vực chính trị và quản lí, điều hành nhà nước. Tiếp đó là khoa học - công nghệ cao, công nghệ số, tự động hoá, điều khiển học; y tế; giáo dục đào tạo; văn hóa nghệ thuật… Vì vậy, Nhà nước cần sớm ban hành chính sách, pháp luật với các đặc trưng cơ bản trong việc nhận diện nhân tài; cơ chế phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài. Theo đó, nhân tài được hưởng cơ chế tuyển chọn và đãi ngộ đặc biệt. Chính phủ nên có chính sách khen thưởng những cá nhân, tổ chức tiến cử, phát hiện đúng nhân tài; xử lí nghiêm khắc những hành vi lạm dụng quyền lực để cản trở, trù dập nhân tài, thậm chí bức hại nhân tài.
Cùng với việc tạo điều kiện để nhân tài thể hiện được tố chất, cần phải đặt họ trong một cơ chế hoạt động tương thích, phù hợp để “cái tôi” của mỗi người thăng hoa, cống hiến được nhiều nhất cho dân, cho nước. Đồng thời, sớm xóa bỏ sự ích kỉ, hẹp hòi đối với nhân tài.
Nếu không có cơ chế, chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc tại các trường đại học trong và ngoài nước, cán bộ khoa học trẻ, những người có năng lực không chỉ làm trong các cơ quan nhà nước mà có thể làm ở doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài… thì nhân tài chắc chắn bị bỏ sót, gây lãng phí. Cũng giống sân cỏ, nếu không có những cầu thủ tài năng thì không thể có “bữa tiệc” bóng đá đúng nghĩa. Và nếu chậm phát hiện, bồi dưỡng, thu hút nhân tài thì vô hình trung, đất nước sẽ tụt hậu rất xa so với khu vực và thế giới.
Vì thế, cần cả hệ thống chính trị vào cuộc phát triển nhân tài; đưa nhân tài đến nhanh với thực tiễn, với doanh nghiệp, viện nghiên cứu... Chỉ như vậy đất nước mới nhanh chóng cập bến bờ hạnh phúc.