Tháng Ba nhớ Tây Nguyên
Văn hóa - Thể thao 18/03/2020 09:40
Vào các năm 2001, 2004, 2008, ở một số tỉnh Tây Nguyên xảy ra các vụ bạo loạn chính trị do bọn phản động kích động bà con các dân tộc theo Fulro, Tin lành Đề ga, vượt biên trái phép… Vì thế, suốt 10 năm từ 2002 - 2012, quân đội cử hàng trăm đội công tác tăng cường cơ sở (gọi tắt là đội 123) về ăn ở tại địa bàn làm công tác dân vận. Những năm ấy, do yêu cầu nhiệm vụ, tôi có nhiều dịp đến Tây Nguyên công tác và có những kỉ niệm khó quên…
Giọt nước mắt người già
Cách đây hơn 15 năm, chúng tôi đến Rờ Kơi, xã biến giới đặc biệt khó khăn của huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Xã có khoảng 1.000 hộ dân, trong đó 90% là người dân tộc Xê Đăng và có đến 60% thuộc diện hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người khoảng 9,5 triệu đồng/năm. Tình hình an ninh chính trị, tôn giáo diễn biến phức tạp. Các thế lực phản động luôn tìm cách chống phá, xúi giục vượt biên trái phép, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc…
Lễ hội bắc máng nước của người dân tộc Xê Đăng |
Sau buổi sáng làm việc với Đội công tác và cán bộ địa phương, tranh thủ buổi trưa, tôi “trốn” Trưởng đoàn, nhờ đồng chí Đội phó Đội công tác đưa đi gặp một cụ già người dân tộc Xê Đăng, nhóm H’Lăng. Già sống một mình trong nếp nhà mái gianh, liếp nứa tuềnh toàng nhưng các góc nhà xếp đầy nhạc cụ dân tộc bằng tre nứa. Già giới thiệu cho tôi biết từng loại nhạc cụ, cái này thì chơi ở nhà, cái kia thì chơi ở ngoài rừng, có cái chỉ dùng ở nhà rông, không được lẫn lộn, luật tục quy định thế. Già xếp các ống nứa ngắn dài lên nền nhà, tạo thành cây đàn K'lông pút rồi vỗ tay trước miệng ống. Những thanh âm pum… pụp… pum… vang lên. Già bảo, đó là bài dân ca “Con gà rừng” của dân tộc Xê Đăng. Tôi cũng xin già vỗ thử nhưng tiếng được, tiếng mất. Già kể, năm nào Hội diễn văn nghệ ở huyện, tỉnh, già cũng được Huy chương vàng, đi thì vui lắm nhưng về đến buôn làng lại thấy buồn. Buồn vì đám thanh niên bây giờ không thích chơi đàn sáo dân tộc, không thích điệu múa chiêu đặc sắc của người H'Lăng, mà thích đi hát, đi nhảy ở quán cà phê hơn. Mình già sắp về với ông bà rồi, cái hồn đàn, hồn sáo rồi cũng theo mình thôi...
Tôi nắm đôi tay khô gầy, chai sạn và nhìn vào cặp mắt nhăn nheo ngấn lệ của già mà chợt thấy mình bất lực trước sự mất dần những nét độc đáo của bản sắc văn hóa dân tộc ngay tại cộng đồng.
Giữ hồn của buôn làng còn mãi
Từ ngày tôi nghỉ hưu, không có điều kiện trở lại Tây Nguyên. Gần đây gặp một người bạn ở Sa Thầy ra chơi, qua câu chuyện bạn kể, tôi được biết Rờ Kơi đã đổi thay nhiều lắm.
Năm 2011, khi triển khai xây dựng nông thôn mới, từ chưa đạt tiêu chí nào trong 19 tiêu chí, đến nay xã đã đạt 10/19 tiêu chí. Diện tích cây cao su, cà phê đạt 1.950ha, bà con biết áp dụng khoa học kĩ thuật vào trồng, chăm sóc cây mì, cây ăn quả, nuôi bò, dê… Nghề dệt thổ cẩm, làm trống da bò, ghế mây truyền thống được phục hồi. Thu nhập bình quân đầu người tăng 2,47 lần, từ 9,5triệu đồng/người lên 23,5 triệu đồng/người. Năm 2016, tỉ lệ hộ nghèo của xã là 52,6% đến cuối năm 2018 giảm xuống còn 27,25%, bình quân giảm 8,5%/năm.
Riêng về văn hóa, xã Rờ Kơi có 6 người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú như già A Hia, A Binh, A Won, A Deng, A Điêng… Đến Rờ Kơi vào dịp lễ hội, người ta sẽ được chìm đắm trong tiếng cồng chiêng, với những bước xoang, điệu múa chiêu đặc sắc. Các nghệ nhân hay già làng tham gia các lớp truyền dạy cho lớp trẻ đánh cồng chiêng, chơi đàn Klong pút, đinh năm, múa xoang, múa chiêu… hoặc ngồi bên bếp lửa nhà rông kể chuyện về sự tích buôn làng, rừng núi hay truyền thuyết tình yêu nam nữ… để giữ lại truyền thống văn hóa.
Bạn cho biết, huyện Sa Thầy đang thực hiện kế hoạch “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, giai đoạn 2017 - 2020", mở lớp truyền dạy kĩ năng diễn tấu cồng chiêng, dân vũ, dân ca. Riêng tại xã Rờ Kơi, huyện chú trọng phục hồi điệu múa chiêu H’Lăng nhằm bảo tồn và phát huy truyền thống các dân tộc Tây Nguyên.
Thấy tôi háo hức nghe chuyện, bạn rủ: “Giờ nghỉ hưu rồi. Vào Rờ Kơi đi. Có nhiều chuyện vui mà”. Tôi hứa với bạn mà cũng là tự hứa với mình: “Vào chứ! Tôi vẫn muốn gặp lại cụ già ngày ấy, để được thấy niềm vui của cụ bây giờ”.