Nhiều vụ việc giải quyết với tốc độ... rùa, do đâu?
Trong mắt người già 26/11/2019 10:59
Mặc dù người đàn ông khai được những người trên thuê chở đi tham quan, nhưng với những chứng cứ thu thập được, Cảnh sát Bỉ cho rằng, ông ta chở người vượt biên trái phép. Chỉ vài ngày sau, Tòa án nước này đã phạt tù người lái xe trên. Nghe thông tin trên, nhiều người thắc mắc, tại sao một số vụ án có tính thời sự, ít phức tạp, tại sao các cơ quan bảo vệ pháp luật của ta không xử lí kịp thời như họ?
Theo dõi các phiên thảo luận xây dựng các dự án luật của Quốc hội, hay tại các hội thảo xây dựng các văn bản pháp luật do các bộ, ngành tổ chức, có rất nhiều đại biểu, diễn giả so sánh luật ta với luật các nước trên thế giới và nhiều người không ngần ngại đề xuất nên học tập cái hay, cái tốt của họ trong xây dựng luật.
Kiến nghị trên không có gì mới, bởi không phải thời hiện đại, mà từ xa xưa cha ông ta cũng biết tiếp thu tinh hoa của nhân loại để phục vụ cho đời sống xã hội nước nhà, với mục đích làm cho đất nước ngày càng phát triển, càng tốt đẹp.
Trở lại với vụ án bên đất Âu, tại sao họ giải quyết, xử lí nhanh chóng, gọn gàng như vậy? Trong khi ở ta nhiều vụ việc rõ mười mươi, chỉ vài tuần, thậm chí chỉ vài ngày đã điều tra xong và có kết luận, nhưng các cơ quan chức năng vẫn ì ạch, kéo dài thời gian xử lí ra hàng quý, thậm chí hàng năm. Càng cho thấy hệ thống pháp luật vô cùng quan trọng, nhưng cái quan trọng hơn vẫn là những người thực thi công vụ phải trong sáng, chí công vô tư và thượng tôn pháp luật.
Vẫn biết, luật quy định thời gian điều tra, truy tố và xét xử, đặc biệt là phải xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt kẻ phạm tội, không xử oan người vô tội, bảo vệ các quyền lợi chính đáng cho công dân. Thận trọng, tỉ mỉ, chính xác là cần thiết, tuy nhiên nhiều vụ việc không được giải quyết, xét xử kịp thời, làm suy giảm sự uy nghiêm của pháp luật, mất tính giáo dục, phòng ngừa tội phạm, thậm chí làm cho tội phạm “nhờn luật”.
Nhiều quan chức luôn than vãn, bận việc đến tối mày, tối mũi (!). Không rõ họ bận thật hay bận ảo, nhưng khi nghe cấp trên nhắn lên gặp là vội vàng cum cúp đến chờ hàng tiếng đồng hồ để được diện kiến. Thật trớ trêu và trơ trẽn (!?).
Do còn lắm quan chức nhầm chỗ, người thi hành công vụ “không trong sáng”, nên nhiều vụ việc bị bóp méo sự thật, trở nên rối rắm, tạo ra tình trạng “đục nước béo cò”, trắng đen lẫn lộn, người ngay lại sợ kẻ gian.
Điều kiện, tiêu chuẩn cán bộ, công chức được các luật và văn bản pháp quy quy định rất rõ ràng, thậm chí là rất trúng, rất hay. Thế nhưng khi tuyển chọn, bổ nhiệm, do “trái tim nhầm lẫn để trên đầu”, nên nhiều “quan anh” quên (hay cố tình quên) các điều kiện, tiêu chuẩn để nhiều người “lọt lưới” được làm “quan em”. Thời gian gần đây, qua thanh tra, hầu như địa phương nào cũng vi phạm trong tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ, công chức. Kết luận mới nhất của Thanh tra Bộ Nội vụ cho thấy, từ 1/1/2016 đến 31/12/2018, ở TP Hồ Chí Minh bổ nhiệm 156 cán bộ lãnh đạo, quản lí thiếu điều kiện, tiêu chuẩn (!?).
Việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, thậm chí không có năng lực, kém đạo đức, cùng với hệ thống pháp luật của ta còn nhiều bất cập, có lẽ là nguyên nhân của nhiều vụ việc được giải quyết với tốc độ của … rùa (!?).