Tháng Ba nhớ Tây Nguyên
Nhịp sống văn hóa 19/03/2020 09:54
Cũng năm 2005, ở Tây Nguyên có một câu chuyện "cổ tích" về công tác dân vận ở đội công tác tăng cường cơ sở của Quân đoàn 3. Câu chuyện không chỉ nói lên tình đoàn kết quân dân cá nước mà còn thể hiện đạo lí “Thương người như thể thương thân” của cả cộng đồng với đồng bào nơi đây…
Căn bệnh lạ của cháu Siu H’Wôn
Chuyện là, ở làng Breng 2 - xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai có cháu gái Siu H'Wôn 13 tuổi, con anh chị Rơ Mah Chier và Siu H'Wen, mắc căn bệnh lạ. Các ngón tay, ngón chân cháu sưng tấy hoại tử, đi chữa ở nhiều bệnh viện mà không khỏi. Thượng tá Hà Quân, Đội trưởng Đội công tác số 14 của Quân đoàn 3 đưa tin lên Báo Tiền phong mong có sự giúp đỡ. Rất may, ông Hoàng Văn Chung - một lương y trú tại số nhà 27, khu phố Hoàng Văn Thụ, phường Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn đọc được. Ông chẩn đoán đó là bệnh viêm tắc tĩnh mạch và viết thư gửi Đội trưởng Hà Quân đề nghị người nhà đưa cháu ra Lạng Sơn, ông sẽ chữa miễn phí. Lập tức Quân đoàn 3 và địa phương vận động ủng hộ kinh phí rồi cử cán bộ Đội công tác số 14 cùng gia đình đưa cháu đi chữa bệnh.
Đội trưởng Đội công tác số 14 Hà Quân và gia đình cháu Siu H’Wôn sau khi cháu khỏi bệnh Ảnh Báo Tiền Phong |
Khi Siu H’Wôn được Đại úy Hoàng Văn Quang Đội phó Đội công tác số 14 và gia đình đưa đến, tình trạng cháu rất nguy kịch, không ăn uống được gì, suốt ngày chỉ kêu khóc. Lương y Hoàng Văn Chung đã kiên trì chữa bệnh cho cháu và động viên gia đình tin tưởng vào thầy thuốc. Nhờ sự chăm sóc tận tình và gặp được đúng thuốc nên bệnh của Siu H’Wôn thuyên giảm chỉ sau 12 ngày. Cháu ăn được cơm, ngủ yên giấc, khuôn mặt đã bớt dần vẻ xanh xao.
Trong thời kì này, nhờ thông tin trên Báo Tiền Phong, nhiều cơ quan và người hảo tâm tìm đến giúp đỡ và động viên gia đình cháu. Đại diện Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lạng Sơn, Tổng Công ty Viễn thông Quân đội đến thăm và tặng quà. Riêng bà con khu phố Hoàng Văn Thụ - nơi Siu H’Wôn chữa bệnh - khi biết hoàn cảnh của cháu đã đến rất đông để động viên và giúp đỡ.
Đại tá Hà Quân và mẹ con Siu H’Wôn năm 2015 Ảnh Hà Quân |
Sau 4 tháng chữa trị, bệnh của Siu H’Wôn đã gần như khỏi hẳn. Lương y Hoàng Văn Chung tiếc là khi cháu đến thì các đốt đầu ngón tay và ngón chân đều đã hoại tử nên không giữ được. Điều đáng mừng là mỗi ngón tay Siu H’Wôn tuy chỉ còn hai đốt nhưng cháu vẫn cầm bút viết được.
Hạnh phúc đong đầy
Bây giờ, Hà Quân đã nghỉ hưu với quân hàm đại tá. Người lính già quê Thanh Hóa cả đời gắn bó với Tây Nguyên đã chọn nơi đây là quê hương thứ hai của mình. Vợ chồng ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, hằng năm tham dự các giải thi đấu bóng bàn ở TP Plei Ku, tỉnh Gia Lai và đoạt nhiều giải cao.
Anh em tôi thỉnh thoảng vẫn gặp nhau trên Facebook, hỏi Hà Quân về cháu Siu H'Wôn giờ đây thế nào. Ông kể, cháu nay đã là một phụ nữ xinh đẹp, có chồng và 1 con trai, gia đình rất hạnh phúc. Ông vẫn thỉnh thoảng đến thăm và được gia đình cháu coi như một người cha. Ông nhắc lại lời của bà Tòng Thị Phóng, lúc đó là Trưởng ban Dân vận Trung ương đánh giá về việc làm này trong Hội nghị công tác dân vận của quân đội tại Tây Nguyên: “Dân vận là chỗ này đây các đồng chí ạ! Cho đồng bào bao nhiêu vật chất, làm bao nhiêu ki lô mét đường… cũng rất tốt, nhưng đồng bào sẽ nhớ rất lâu, sẽ biết ơn và tin Đảng, tin Bộ đội Cụ Hồ vì đã cứu cháu Siu H’Wôn thoát khỏi tử thần”.
Tôi bảo ông: “Cả cuộc đời bộ đội gắn bó với công tác dân vận, làm được một việc như vậy là hạnh phúc lắm rồi”. Hà Quân khiêm tốn trả lời: “Cũng may là cháu được sự giúp đỡ của rất nhiều người, từ cơ quan báo chí đến đơn vị, địa phương; từ dân làng quê hương cháu đến vị lương y cùng các cơ quan, đoàn thể, bà con cô bác ở TP Lạng Sơn… Tất cả cùng chung tay viết nên câu chuyện cổ tích này”.
Năm tháng qua đi, nhưng kỉ niệm về vùng đất Tây Nguyên trong tôi thì còn mãi. Có lúc tôi nghĩ vui vui, bài hát “Tháng Ba Tây Nguyên” có câu "Tháng Ba mùa con ong đi lấy mật..." thật đúng. Nếu tôi không có những chuyến đi vào miền đất ấy để "lấy mật" thì Tây Nguyên với tôi cũng chỉ là những gì đọc trong sách vở. Và bây giờ cứ tháng Ba về tôi lại nhớ Tây Nguyên.