Thăm “nhà sàn Bác Hồ” ở Đồng Tháp
Văn hóa - Thể thao 18/05/2022 09:03
Nằm trong khuôn viên Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, tọa lạc tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp - thân sinh của Người - khu Nhà sàn Bác Hồ là công trình có ý nghĩa đặc biệt. Bởi ngoài ý nghĩa kết nối tình cảm “phụ - tử tình thâm” giữa Người và thân sinh, công trình còn bao hàm cho đạo lí “Uống nước, nhớ nguồn” của người dân Đồng Tháp nói riêng, miền Nam nói chung dành cho Bác cũng như tình cảm Bác luôn dành cho miền Nam ruột thịt: “Miền Nam luôn trong trái tim tôi”.
Sinh thời, Bác Hồ luôn đau đáu hướng về miền Nam ruột thịt, cũng như Nhân dân miền Nam luôn hết lòng kính yêu và mong đợi một ngày Bác sẽ vô thăm. Tuy nhiên, Bác đã ra đi trước ngày non sông thống nhất. Để giúp Nhân dân miền Nam có thể bước vào ngôi nhà sàn Bác ở, những người dân của đồng ruộng, miệt vườn... có dịp “chạm” vào chiếc ghế, tấm rèm sinh thời Bác sử dụng… nhân Kỉ niệm 100 năm Ngày sinh của Người (1890-1990), tỉnh Đồng Tháp khánh thành Ngôi nhà sàn Bác Hồ nằm cạnh khu mộ Cụ Phó bảng.
Nhà sàn Bác Hồ ở Đồng Tháp. |
Từ cổng Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, vào khu vực Ngôi nhà sàn, phải băng qua chiếc cầu vắt mình trên hồ nước 4 mùa ngập tràn sắc sen. Đã trưa muộn, nhưng trên lối nhỏ cặp hàng rào dâm bụt dẫn vào nhà, có cả rừng áo dài thướt tha của nhóm nữ giáo viên mầm non huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, bên kia sông Tiền, tranh thủ sau giờ dạy vào chụp ảnh lưu niệm.
Phía trước ngôi nhà là 2 cây dừa cổ thụ xòe cành lá trước ngõ, trông thật an yên và đậm chất Nam Bộ. Ngôi nhà sàn nằm giữa màu xanh của cây cỏ với không gian tĩnh lặng. Vì vậy đến đây, du khách không chỉ được thưởng thức nhạc đồng quê với tiếng lá non gọi gió, của tiếng chim đập cánh bay lượn và văng vẳng hót... mà còn như ngất ngây theo mùi của hoa thơm, trái ngọt ướp hương vào gió...
Tất cả được phục dựng đúng nguyên mẫu Ngôi nhà sàn ở Hà Nội, ngoại trừ 3 chi tiết. Nếu như ở Hà Nội, chiếc đồng hồ trên bàn làm việc của Bác vẫn luôn chạy đều, như khát vọng của cả dân tộc “Bác còn sống mãi với non sông, đất nước”, thì ở Ngôi nhà sàn của Người trên Đất Sen hồng, đã quyết định cho chiếc đồng hồ dừng lại vào lúc 9 giờ 47 phút - thời khắc Bác đi xa - như lời nhắc nhớ về hoài bão của Người: Vào thăm đồng bào miền Nam, thăm ngôi mộ người cha thân yêu của mình. Ao cá phía trước cũng được cách điệu theo hình bản đồ hành chính tỉnh Đồng Tháp, như bày tỏ tấm lòng Nhân dân Đồng Tháp nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung luôn bên cạnh cụ Phó bảng, bên Bác Hồ... Xung quanh ao, bố trí trồng nhiều cây trái đặc sắc của miền Tây, như: Bưởi, dừa, cây đủng đỉnh... đặc biệt là hoa phượng. Và tỉnh Đồng Tháp khi thiết kế phía sau ngôi nhà sàn sắc xanh của màu cây lịch sử gắn liền với dấu son trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, gồm: Khóm trúc được chiết từ rừng Pác Bó (Cao Bằng) gắn liền với địa danh cách mạng: Suối Lê-nin, núi Các Mác. Ngoài ra, còn có thêm cây đa được chiết từ cây đa Tân Trào (Tuyên Quang) - nơi dưới sự chỉ huy của Bác đã xây dựng “Thủ đô Kháng chiến” gắn với nhiều sự kiện trọng đại của cách mạng Việt Nam: Quốc dân đại hội quyết định Tổng khởi nghĩa và 10 quy định lớn, trong đó có quy định về quốc kì, quốc ca...
Vì vậy, tháng 5 về thăm Nhà sàn Bác Hồ trên Đất Sen hồng, du khách không chỉ có dịp thỏa mắt thưởng ngoạn thế giới sắc màu của hoa thơm, trái ngọt đang vào mùa rực rỡ, mà còn có thời gian chiêm nghiệm các tầng ý nghĩa sâu sắc từ những khối óc sáng tạo của người dân Đất phương Nam dành cho Người.