Quyền của trẻ em... từ chuyện bé Hạo Nam?
Cùng suy ngẫm 06/01/2023 08:32
Trong 6 ngày qua, rất đông người dân tỉnh Đồng Tháp nói riêng và nhân dân cả nước nói chung nín thở theo dõi vụ việc giải cứu bé trai Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) chẳng may rơi xuống trụ bê tông sâu 35m tại công trường đồng thời âm thầm cầu nguyện bé Nam sẽ về nhà bình an. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực của các cấp chính quyền, phép màu đã không xảy ra.
Nhận tin dữ, người thân của Hạo Nam vô cùng đau xót, riêng mẹ cháu bé gương mặt thất thần ngồi bó gối cầu mong thi thể con trai sẽ sớm được đưa về nhà để cha mẹ gặp con lần cuối.
Trước đó, vào trưa 31/12/2022, bé Nam cùng các bạn chui vào công trường thi công xây dựng cầu Rọc Sen nằm trên đường tỉnh 857 đoạn qua quốc lộ 30 ở xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Khi đang lúi cúi tìm nhặt sắt vụn thì cháu bất ngờ ngã xuống cọc bê tông rỗng có đường kính 25 cm và cắm sâu xuống lòng đất khoảng 35 m.
Nhớ về nguyên nhân khiến con gặp nạn chỉ vì con còn thiếu 39.000 đồng để đóng tiền học võ, hẳn đây sẽ nỗi day dứt lớn trong thâm tâm cha mẹ Hạo Nam mãi đến về sau. Bởi lẽ, chỉ có ai đã từng làm cha mẹ thì mới thấu hiểu được nỗi đau khi nhìn thấy con mình chẳng được đủ đầy.
Công trường xây dựng cầu Rọc Sen - nơi cháu Hạo Nam gặp tai nạn. Nguồn ảnh: Internet |
Không chỉ riêng “rốn nghèo” Đồng Tháp là nơi mới xảy ra câu chuyện thương tâm như cháu Hạo Nam mà còn nhiều vùng miền trên cả nước cũng có thể xuất hiện tình trạng tương tự. Khi cái đói, cái nghèo còn đeo đẳng, bám riết đời sống của người dân. Việc cha mẹ sinh con rồi để con ở lại quê hương, xa nhà mưu sinh tại các thành phố lớn không còn là chuyện hiếm gặp. Cháu nào may mắn còn có ông bà ở quê chăm chút song đáng thương hơn là những đứa trẻ thiếu thốn cả về vật chất lẫn tình thương, cứ thế như ngọn cỏ, lay lắt mà lớn lên...
Với nhận thức của một đứa trẻ 10 tuổi, bé Nam muốn đi học võ, có lẽ điều đầu tiên là muốn bảo vệ bản thân mình. Ngay cả khi mắc kẹt trong lòng trụ bê tông, bản năng vẫn thôi thúc Nam bám víu sự sống, lên tiếng kêu cứu. Nhưng số phận đã không cho em cơ hội, Nam cứ thế chìm xuống, theo con đường đi học sâu hun hút chẳng nhìn thấy điểm dừng... Nghĩ đến cảnh đứa trẻ 10 tuổi không lương thực, nước uống và dưỡng khí trong nhiều ngày liền, thậm chí chẳng thể giơ tay lên gọi “Cha mẹ ơi, cứu con với”, tim tôi đau thắt lại.
Chắc chắn, sau vụ việc của cháu Nam, cơ quan chức năng sẽ phải xem xét kỹ càng về nguyên nhân dẫn đến tai nạn cũng như truy cứu trách nhiệm của các bên liên quan. Song có lẽ, làm sao để trẻ em không lui tới các công trình tương tự để vui chơi, thậm chí là để nhặt nhạnh tìm chút mưu sinh chính là điều cấp bách mà nhà chức trách cần làm ngay.
Để giải quyết vấn đề này, không đơn thuần là việc đặt biển cảnh báo, nghiêm túc thanh kiểm tra tình trạng an ninh, an toàn lao động tại các công trường xây dựng hay tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mọi người về mức độ nguy hiểm như vụ tai nạn hy hữu của cháu Nam. Sâu xa hơn, đó còn là định hướng phát triển kinh tế, tăng cường chính sách an sinh xã hội, phát huy thế mạnh của mỗi địa phương nhằm tạo việc làm cho người dân, tạo điều kiện cho trẻ đến trường để trẻ em được tận hưởng môi trường sống an toàn, lành mạnh và không phải băn khoăn tự nghĩ cách kiếm tiền khi tuổi đời còn quá nhỏ. Đây là trách nhiệm nặng nề mà người dân đã đặt niềm tin vào từng lá phiếu bầu cử mỗi khi đến dịp bầu chọn “vị quan phụ mẫu” ở địa phương mình.
Ước rằng Hạo Nam chẳng cần bận bịu kiếm tiền thì có lẽ giờ này em vẫn đang vui vẻ chơi đùa cùng các bạn đồng trang lứa! Nguồn ảnh: Internet |
Chẳng nói đâu xa, nhìn từ quê hương tôi – một trong những vùng đất hiếu học nổi danh xứ Đoài một thời qua câu ví “Kẻ Ngái ông nghè như lá tre”. Nhưng nay thời thế thay đổi, bên cạnh những người con vẫn từng ngày nỗ lực trên giảng đường gìn giữ truyền thống quê hương thì đã có một bộ phận không nhỏ thanh niên chọn con đường xuất khẩu lao động – sang xứ người kiếm cách mưu sinh. Nhìn từng tấc đất tấc vàng màu mỡ bị hoang hóa bởi không có người trồng trọt, người dân muốn ở lại làng nhưng không có nghề phụ, những đứa trẻ phải xa cha mẹ hàng chục năm trời ngay từ tấm bé,... tôi đau đáu mong rằng lãnh đạo địa phương mở rộng tầm nhìn, phát huy thế mạnh của quê nhà, thay đổi chiến lược phát triển kinh tế của địa phương để những người con quê hương có thể yên tâm ở lại “giữ đất giữ làng”.
Trở lại với câu chuyện của cháu Hạo Nam, ước rằng cháu chẳng cần bận bịu tự kiếm 39.000 đồng còn thiếu để đi học võ thì có lẽ cháu đã chẳng sẩy chân, giờ này cháu đang vui vẻ chơi đùa cùng các bạn đồng trang lứa. Nhìn rộng ra, cốt lõi vấn đề là việc phát triển kinh tế của từng địa phương, đảm bảo phương kế sinh nhai của người dân trong vùng, là việc đảm bảo quyền lợi hợp pháp của trẻ em chứ không chỉ là chuyện “nước đến chân mới nhảy”, gặp nạn rồi mới cứu hộ lại...bất thành!