Giàu nghèo tuổi già
Cùng suy ngẫm 24/04/2024 15:14
Thế nhưng khi tuổi xế chiều, người giàu cũng như người nghèo trở nên giống nhau đến kì lạ, tóc cũng bạc trắng, răng rụng, mắt mờ, tay chân run rẩy chậm chạp; ngày cũng chỉ hai bữa cơm, tối ngủ trên một cái giường, muốn hưởng thụ nhiều hơn cũng không đủ sức. Khi sang thế giới bên kia không ai mang theo được một thứ gì.
Thế nên, khi bước vào tuổi già, giàu nghèo không còn quan trọng nữa. Chính vì thế dù ở hoàn cảnh nào hãy sống thanh thản, vui vẻ, an nhiên. Tôi còn nhớ câu ca dao: “Nghèo nhân nghèo nghĩa thì lo/ Nghèo tiền, nghèo bạc, chẳng cho là nghèo”, quả thật vậy.
Từ xưa đến nay giàu, nghèo, thường được gắn với của cải vật chất, còn chuyện giàu nghèo về nhân cách, phẩm giá, uy tín và danh dự của mỗi con người có vẻ như đã bị lãng quên. Đồng tiền không dạy ta cách làm người nhưng nó giúp ta hiểu rõ bản chất của con người. Chuyện giàu, nghèo, không chỉ phản ánh riêng về chuyện tiền bạc mà còn là chuyện giàu nghèo về nhân cách, phẩm giá, uy tín và danh dự của mỗi con người. Xã hội thời nào cũng vậy, giàu thường được gắn với sang, còn cái nghèo đi đôi với hèn.
Giàu có năm loại giàu, giàu về sức khỏe, giàu về trí tuệ, giàu về con cái, giàu về tình cảm và nhân cách, giàu về tiền của vật chất. Người nào sở hữu được nhiều trong năm thứ đó thì được gọi là giàu, tất nhiên thiếu thứ gì thì nghèo thứ đó. Vì thế, xét trên phương diện tiền bạc, vật chất, không nhất thiết cứ giàu là sang, cứ nghèo là hèn.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, có những người giàu tiền của, vật chất, nhưng chưa chắc đã là sang. Ngược lại có những người nghèo tiền của, vật chất, nhưng chưa hẳn là đã hèn, vì họ có tinh thần tương thân, tương ái, có trách nhiệm với xã hội, đất nước, có những nghĩa cử cao đẹp trong cộng đồng. Vậy nên, đánh giá về giàu, nghèo, không đơn thuần chỉ là tiền bạc.
Tôi còn nhớ một câu nói của một nhà tỉ phú khi chết đã khắc lên bia mộ của mình hàng chữ: “Những gì tôi có và tôi tiêu xài thì bây giờ không còn nữa. Những gì tôi chưa có và chưa kịp tiêu xài, bây giờ nó đang ở trong tay kẻ khác. Những gì tôi có và tôi đã chia sẻ cho người nghèo khổ thì đó mới chính là của tôi”. Thế đấy, sống ở trên đời làm gì cũng được, miễn là đừng làm việc gì hổ thẹn với lương tâm.
Quan trọng nhất là sống ở trên đời sao cho ra sống, để giàu sang không đánh mất lương tâm, nghèo hèn không thay đổi khí tiết, uy quyền, bạo lực không làm nhụt chí.