Hiếu kính với cha mẹ...
Cùng suy ngẫm 20/06/2024 09:07
Năm Canh Tý, đời Thành Thái 12 (1900), Trường thi Nghệ An lấy 30 người đỗ cử nhân, trong đó có một thí sinh 82 tuổi tên Đoàn Tử Quang, người làng Phụng Công, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Khi triều đình ban yến cho các quan tân khoa, theo thông lệ, mỗi người đều được thêm phần chia. Một vị quan trường, thấy một cụ râu, tóc bạc cũng đến nhận phần chia, mới đùa hỏi: "Hẳn cụ đem về chia cho các cháu?". Cụ đáp: "Bẩm! Tôi còn mẹ già, kém 2 tuổi đầy 100. Lộc vua ban, xin mang về dâng người".
Nghe qua, ai cũng xúc động. Có người hỏi: “Vì cớ gì, mà cụ vẫn theo đuổi việc thi cử?”. Cụ trả lời: “Tôi phải thi đỗ để mẹ tôi vui lòng. Mẹ tôi thường nói: Từ khi mẹ về làm dâu nhà này, chưa từng thấy một ngày, cha con bỏ đọc sách. Con cố lo học hành đỗ đạt. Già cũng phải học để làm gương cho con cháu nối chí cha".
Năm Giáp Tý, Khải Định 9 (1924), nhân lễ "Tứ tuần đại khánh", các quan ở Nghệ An thảo sớ tâu lên triều đình, ca ngợi việc tu thân, lập đức của cụ. Nhà vua xuống chiếu ban cho Đoàn Tử Quang hàm "Hàn lâm viện thị độc", năm ấy cụ 107 tuổi. Cụ mất năm 1925, thọ 108 tuổi.
Như thế, việc giữ đức, hiếu với cha mẹ, học hành vươn lên thì ở thời kì nào cũng đều quan trọng và cần thiết. Cổ nhân nói: "Ngọc bất trác, bất thành khí/ Nhân bất học bất chi lí" (nghĩa là: Ngọc không giũa không mài, không thành ngọc/ Người không học thì không biết lí lẽ). Học là phương pháp tu thân. Cho nên cần phải học, học để làm người. Đem cái thiện và lòng nhân ái phục vụ con người và xã hội. Ngày nay, rất nhiều người không làm được như thế. Do bỏ học sớm, hoặc học hành sa sút, lười học; bị cám dỗ, không làm chủ được bản thân lao vào các loại tệ nạn xã hội, làm cho xã hội càng trở nên bất an. Đó là nạn cờ bạc, trộm cắp, lừa lọc, nghiện ngập ma túy đã và đang tiếp tục gây ra những thảm án nghiêm trọng khác...
Thật đáng buồn hơn, có những nơi vì bệnh thành tích lại "cấm đoán", không cho học sinh thi vào THPT. Trong khi các cháu vẫn muốn tiếp tục được đi học, cho đến đầu đến đũa. Lí do thì nhiều, nhưng cái quan trọng là thiếu trường, thiếu lớp…
Hãy lo cho các cháu ở độ tuổi đến trường, có đủ trường lớp để học cho đến nơi, đến chốn, chứ đừng làm các việc vô bổ, lãng phí không cần thiết…