Những bài học cuộc đời
Cùng suy ngẫm 08/02/2024 09:00
Ngay cả những ai sinh ra, sống ở Thủ đô trên 3-4 đời, vẫn ít nhiều có "căn tính nông dân" trong nền nếp sống. Trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực nghệ thuật, các động từ - tính từ nhà nông được dùng phổ biến: Gieo hạt, thu hoạch, cày ải, gặt hái, một nắng hai sương, mất mùa, được mùa, bội thu, tháng ba ngày tám, giáp hạt, mùa màng...
Quê, không chỉ là nơi xuất thân, nguyên quán cụ thể của ai. Quê là khái niệm chỉ chung một vùng không gian an toàn, thoáng đãng, giá trị bản sắc, bảo tàng kí ức, nơi nghỉ ngơi, lánh nạn, ở ẩn, vui chơi. Văn hoá dân gian, bản sắc đặc trưng của văn hoá nông nghiệp là văn hoá làng. Dù trù phú hay nghèo nàn, làng quê luôn cho con người cảm giác được che chở. Đại dịch Covid-19 vừa qua, Thủ đô Hà Nội cho đóng cửa các trường học gần 1 năm, học sinh các cấp được cha mẹ cho về quê, quê gần, quê xa vẫn khiến những ai có nơi chốn thân nhân để gửi con, thấy được yên bình hơn. Về quê, đâu chỉ là quê mình, mà là đi về sống ở các vùng có không gian rộng hơn chốn phồn hoa chật chội. Nhiều cánh đồng biến thành khu công nghiệp; không hiếm dự án để đất hoang lâu năm; làng còn chủ yếu người già, có tuổi, thanh niên ít làm nông. Cơ giới hoá, rồi thuê cấy gặt bởi lớp trẻ được tuyển dụng vào khu công nghiệp, công ty, nhà máy tại địa phương; lên Thủ đô, thành phố lớn. Thủ đô hội tụ tinh hoa, nước chảy chỗ trũng, hỗn dung thập loại. Các tệ nạn, loại hình tội phạm tập trung về nơi đô hội, cảng thị. Nhưng làng mạc thôn quê mất dần các luỹ tre, màu xanh cây vườn thành nhà cao tường kín. Cổng làng - mốc giới để nhắc người ta về không gian địa lí và không gian tâm thức, được nhiều làng đầu tư xây quy mô, đầu tư lớn, nhưng giá trị bản sắc sau những cổng "trấn biên" ấy còn được bao nhiêu? Nhiều người bị vòng quay mưu sinh áp lực muốn buông xuôi: "Thôi thì cuốn theo chiều gió. Thời internet vào tận giường ngủ thì chống sao mọi lố lăng, rác rến, đến đâu hay đến đó, rồi sẽ lọc sàng, cái gì hay còn lại".
Các thủ đoạn lừa lọc, tệ nạn cũng không tha cho các thôn quê; thậm chí người cùng làng bản còn lừa nhau đi bán hoặc đưa đi lao động trái phép; những trò lừa bán hàng, du lịch 0 đồng, hụi, vay lãi suất cao, chuyển tiền chứng minh vô tội... vẫn hoành hành các tỉnh lẻ. Ở thời đại mà tưởng như ranh giới nông thôn - đô thị rút gần, thì vẫn có cách biệt về thông tin và nhận thức xã hội giữa dân tỉnh và dân đô thị (citizen). Tình làng nghĩa xóm, hàng xóm láng giềng, tình cố kết cộng đồng ở nông thôn vững chắc hơn thành phố lớn. Và vì người quê thật thà hơn nên "dễ bị lừa" hơn chăng? Ngày này, thủ phủ (tỉnh lị) các tỉnh 100% là thành phố, khái niệm "quê" dát mỏng hơn nhiều.
Cho nên sự quá nhạy cảm khi cô thôn nữ lên tỉnh một ngày đã bỏ yếm lụa sồi, dây lưng đũi nhuộm hồi sang Xuân, khăn mỏ quạ, quần nái đen mà choàng khăn nhung, áo cài khuy bấm, quần lĩnh rộn ràng khi về làng với niềm hân hoan đổi mới đã làm chàng trai quê 18 tuổi mỏi đợi ở con đê đầu làng thấy bị "em làm khổ tôi". Bài thơ Chân quê (1936) của Nguyễn Bính (1918 - 1966) đặt trong bối cảnh nông thôn gần 90 năm sau, thì có thêm "n" Nguyễn Bính cũng không khổ hết, kinh ngạc hết.
Văn hoá làng làm nên bản sắc nền của văn hiến Việt Nam. Bởi văn hoá làng mà còn đất nước. Hơn 1.000 năm Bắc thuộc và gần trăm năm thuộc địa nối hai cuộc trường kì kháng chiến thế kỉ XX, Việt Nam mất nước chứ không mất làng. Làng cất giữ, trao truyền những tinh hoa gia phong dòng tộc khế ước. Làng là album thời gian qua dọc ngang dày sâu lịch sử trong lịch sử. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cùng các bạn thân: Đạo diễn - Thi sĩ Lương Tử Đức, nghệ sĩ múa rối Chu Lượng sống ở Hà Đông và các bạn mình nhiều năm nay bỏ tâm sức, tiền bạc sưu tầm, mua lại các sắc phong (Vua ban) lưu lạc rồi đến tận nơi trao tặng các làng. Các ông ao ước những giá trị đẹp từ xa xưa sẽ được bảo lưu, phục hưng, mang sức sống mới.
Các mô thức văn hoá và ý thức hệ ứng xử với văn hoá trên nền tảng: Nội sinh - Tiếp biến - Dung hợp. Ý thức hệ văn hoá Việt Nam là nông thôn chia làm 3 giai đoạn lớn: 1. Cổ đại đến thế kỉ XVII; 2. Thế kỉ XVII - XIX, văn minh nông thôn tiếp cận văn minh công nghiệp; 3. Thế kỉ XX - nay: Văn minh công nghệ, điện tử cảm ứng, số hoá. Thời đại này là ứng xử của con người trong ý thức hệ nào đối với mô thức văn hoá để giữ được những giá trị quý báu đang bị xâm thực bởi bát nháo, nhiễu loạn. Văn hoá, sự tồn vong, phát triển của nó, do Vũ trụ quan, Nhân sinh quan, Thế giới quan.
Chính văn hoá là cội rễ nuôi nhân loại. Văn hoá mỗi vùng miền làm nên sự đa dạng của các dân cư tại đó như chỉ dấu để nói về đặc trưng người - đất. Thời công dân toàn cầu, người ta càng cần có cội rễ tinh thần và nới để hồi tưởng, hướng đến, trở về. Thời mà nông nghiệp xanh, kinh tế xanh là xu hướng toàn cầu ai không theo sẽ bị lạc/ loại, nông dân cũng thạo dùng điện thoại thông minh để điều khiển nước tưới cây, live stream bán hàng và hiểu đòi hỏi truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, thì quê cội, nguyên quán là bản lề của những cánh cửa mỗi chặng đời. Rất dễ kết nối hội đồng hương khắp nơi mà khó tạo Hội Đồng hương Hà Nội.
“Vua truyện ngắn” Việt Nam thời đổi mới, Nguyễn Huy Thiệp (1950 - 2021) viết về nông thôn đặc sắc, truyện thường có thơ, là thơ của nhà văn; trong đó Những bài học nông thôn (1988) là tác phẩm được chú ý. Thầy giáo Hiếu, trí thức trẻ của làng cứ hay nói câu cửa miệng: "Mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ra ở nông thôn".
Quê gắn với không gian, món ăn, phong vị thì tuyệt vời; trừ thời trang và kiến trúc chắp vá lai căng thì dở.
Quê cho con người khắp nơi được thở trong lành hơn, được thăng bằng lắng lọc lại mình, được chở che và bay bổng.
Ai tàn phá, phản bội, từ chối quê hương, đấy là kẻ lạc loài vong bản.
Quê thanh bình như ca khúc chủ đề phim Chuyện nhà Mộc (đạo diễn Trần Lực) mà nhạc sĩ Ngọc Châu (1967 - 2022) viết khi 22 tuổi - Cô Tấm ngày nay, là một bức tranh trong trẻo, rộn ràng sức sống.
"Quê hương chốn thanh bình/ Có bầu trời xanh thắm xanh/ Đồng lúa thẳng cánh cò bay, lấp lánh cánh diều mơ ước tuổi thơ/ Em ra chốn đô thành/ Xa rời vòng tay mẹ yêu/ Từ nay giữa chốn phồn hoa/ Xa rồi cánh diều mơ ước hôm nào/ Xa cánh diều mơ ước tuổi thơ/ Nhớ thương những lời mẹ ru/ Ánh trăng đêm rằm sáng trong/ Mơ ước thành Cô Tấm ngày xưa/ Sớm hôm không ngại gian khó/ Tiếng chim oanh vàng thiết tha/ Em ra chốn đô thành/ Mong thành Cô Tấm ngày nay/ Từ nay giữa chốn phồn hoa/ Lấp lánh cánh diều mơ ước hôm nào".
Đừng để mất các không gian làng quê để thêm chất vô cơ cho tâm hồn xơ cỗi. Bài học đắt giá của sự đánh mất văn hoá nền tảng ở mọi nơi, đều là những bài học cuộc đời.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hoà XHCN Việt Nam tại Cộng hoà Liên bang Brazil (kiêm nhiệm Đại sứ tại Cộng hoà Peru, Bolivia, Guyana, Suriname) Bùi Văn Nghị chỉ uống trà, không cho mình nghỉ lâu, không đi chơi cuối tuần. Uống trà để thư giãn nhanh và cũng là chuyến khứ hồi cấp tốc mà ông cho mình về Quê Việt ngày đêm hằng nhớ. Brazil sau Việt Nam 10 tiếng, tuần hoàn "đuổi nhau" Nam bán cầu bình minh thì Việt Nam hoàng hôn. Quen dùng trà Thái Nguyên truyền thống, song gần đây Đại sứ ưa trà sen. Cũng không có điều kiện cầu kì để có trà ướp sen tươi Tây hồ, Đại sứ pha trà túi lọc 2 túi/ lần. Người đàn ông Kinh Bắc dành cả tuổi trẻ để học qua hàng chục trường tại Việt Nam và Hoa Kỳ, nói tiếng Anh như người Mỹ, lại yêu quê hương kĩ và sâu đến thế. Tôi bất ngờ khi đọc loạt tác phẩm thơ ông viết cuối năm 2023. Thơ Bùi Văn Nghị chân thành, giàu hình ảnh, đậm sâu tình tự dân tộc. Thì ra ông uống trà sen là để "khứ hồi" về Hán Quảng xã nhà, làng Quảng Lãm, có đầm sen bên sông Đuống. Còn một đầm sen ở cuối đồng sâu. Đầm sen ven đê sông Đuống không trồng sen nữa mà thả cá.
Ông đã nhắc lái xe chở Đại sứ vòng quanh ngoại ô Brasilia để... tìm cánh đồng có cua. Một lãng mạn thao thức về thơ ấu. Nhưng toàn đồng cỏ bỏ không. Ông đứng một mình ở cánh đồng, hướng lên Bắc bán cầu, nhớ về những cánh đồng quê mẹ và đọc bài đồng dao: "Đỗi Đanh, Đỗi Đó/ Bờ Mọ, Đống Thày/ Cửa Lầy, Ao Ra/ Đường Và, Đống Tháp/ Đỗi Đanh, Đỗi Phan / Đỗi Ngang Mới, Đỗi Ve/ Am Giang, Ao Gia/ Bà Ong, Cát Già".
Khi Đại sứ đọc, tôi thấy đôi mắt nâu của ông sáng lên rồi ậng nước. Sáng lên, bởi hồi quang thời mơ mộng trong trẻo nhất. Quê nhà Quế Võ, Bắc Ninh cất giữ quãng đời đẹp đẽ của ông, để khi xa Việt Nam, ông càng ý thức sâu thẳm: Đất nước chính là từ ngôi làng mình; tình yêu bắt đầu từ đấy.