Cựu chiến binh chăm lo bảo tồn văn hóa làng xã
Nhịp sống văn hóa 09/01/2020 22:08
Gần 40 năm phục vụ trong quân ngũ, ông nghỉ hưu, về quê chung tay xây dựng nông thôn mới, bảo tồn và phát huy văn hóa làng, xã, khôi phục di tích lịch sử văn hóa, lập bảo tàng truyền thống Hoa Cương.
Cùng những Huân, Huy chương là nhiều vết thương còn hằn trên thân thể in dấu một thời chinh chiến, năm 2009, ông buông súng về sống với gia đình nơi làng quê yên bình. Cũng như bao cựu quân nhân khác, sau hồi hương việc đầu tiên của ông là chăm lo cho con cái. Cả ba con của ông lần lượt vào đại học, rồi lập thân, tạo nghiệp, theo nếp thiện lương, yêu nước.
Đại tá Nguyễn Quang Kỷ giới thiệu các vật dụng tại bảo tàng Hoa Cương. |
Ngày ông cầm sổ hưu cũng là lúc quê hương khởi động chương trình xây dựng nông thôn mới. Mặc dù nhiều lần được mời tham gia công tác Hội Cựu chiến binh, nhưng ông xin được trực tiếp đóng góp phần nhỏ cho nơi chôn nhau cắt rốn. Với những kiến thức tích lũy được trong quân ngũ, ông đã trực tiếp tư vấn, đóng góp ý kiến cho cán bộ địa phương xây dựng kinh tế nông thôn, và từ ý kiến của ông, nhiều thành quả đạt tốt được xã, huyện ghi nhận. Bà Nguyễn Thị Tờ, vợ ông, cũng đồng tâm, thuận lòng, nhờ vậy chỉ sau vài ba năm khu vườn của gia đình ông được cải tạo thành có hiệu quả kinh tế cao, xếp đầu vườn mẫu của xã. Nhiều cá nhân, tập thể đã đến tham quan, học tập để xây dựng vườn mẫu. Ông còn vận động xây dựng thư viện để trẻ em và người dân trong xã có nơi đọc sách, giao lưu văn hóa.
Khi còn tại ngũ, hơn 10 năm làm Trưởng phòng Tuyên huấn Quân khu I, đóng tại Thái Nguyên, Đại tá Nguyễn Quang Kỷ đã thấm sâu giá trị, sức mạnh của truyền thống, cho nên khi về quê, ông tâm niệm sẽ góp sức khôi phục văn hoá truyền thống, làng xã. Do chiến tranh, quan niệm và thời gian, hầu hết các công trình đền, chùa, lăng tẩm của làng xã đã bị tàn phá, hư hỏng.
Để khôi phục những di tích lịch sử, văn hoá tâm linh làng xã, tái tạo di tích Thành Hoàng làng, vượt qua những bảo thủ trì trệ, cả việc bị chống đối, ông đã thuyết phục thành công, khôi phục và đưa Lăng mộ Thành Hoàng (Quận công Nguyễn Quang Nhã) vào hương khói. Nhiều người trong làng cảm phục việc làm của ông. Khu di tích Lăng mộ Thành Hoàng làng - Quận công, danh nhân Nguyễn Quang Nhã (Triều Lê Trung Hưng) đã được cấp Bằng di tích Lịch sử, Văn hoá cấp tỉnh.
Không dừng ở đó, ông cùng em trai là TS. Nguyễn Quang Cương sưu tầm hiện vật, xây dựng bảo tàng truyền thống quê hương. Bảo tàng mang tên Hoa Cương đang từng bước hoàn thiện, sau khi khánh thành sẽ là bảo tàng tư nhân đầu tiên ở tỉnh Hà Tĩnh.
Cùng với xây dựng, tạo lập những công trình văn hoá ở địa phương, ông cũng là người đi đầu trong việc tôn tạo việc làng, việc họ. Một hệ thống cơ sở tâm linh của gia tộc được ông tổ chức, thiết kế, xây dựng, trang nhã, uy nghiêm.
Chẵn 10 năm nghỉ hưu, ông đã bỏ cả ngàn công, tâm trí để tái sinh hồn quá khứ; lưu giữ, truyền trao, những giá trị của văn hoá làng. Nhiều người cho rằng, cựu chiến binh, Đại tá Nguyễn Quang Kỷ là bậc chính tâm, người phục sinh những giá trị văn hoá làng xã, cần được các cấp, các ngành tôn vinh.