Xây dựng TP Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên
Phóng sự 02/05/2024 07:44
Thời khắc lịch sử
Việc chọn Buôn Ma Thuột làm mục tiêu quyết chiến trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng. Buôn Ma Thuột nằm trên trục đường 14 và 21 thuận lợi cho việc phát triển chiến đấu ra các tỉnh Tây Nguyên, xuống duyên hải miền Trung và vào Nam Bộ. Do đó, một trận đánh lớn ở Buôn Ma Thuột sẽ tạo sự rung động mạnh về chiến lược, làm đảo lộn thế phòng thủ của địch ở Tây Nguyên, uy hiếp đồng bằng ven biển miền Trung, mở ra hướng tiến công quan trọng vào Sài Gòn. Chiến thắng Buôn Ma Thuột là chiến công chung của quân và dân trong cả nước mà trực tiếp là lực lượng chủ lực của Mặt trận Tây Nguyên. Bốn chín mùa xuân đã đi qua, những ký ức về Chiến thắng Buôn Ma Thuột, vẫn còn in sâu trong lòng quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk.
Ngã sáu tượng đài chiến thắng Buôn Ma Thuột là điểm đến của khách du lịch. |
Buôn Ma Thuột ngày nay đã trở thành đô thị loại 1. Đặc biệt, thực hiện công cuộc Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa và chuyển đổi số hiện nay, TP Buôn Ma Thuột đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt nhiều thành tựu quan trọng. Từ nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, thành phố đã tập trung xây dựng một nền kinh tế chuyển mạnh sang phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch lên tầm cao mới.
Phát huy nội lực.
Theo UBND TP Buôn Ma Thuột, trong phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo an ninh quốc phòng có nhiều thuận lợi nhưng cũng đầy khó khăn thách thức như: kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển thực tế; tốc độ đô thị hóa nhanh tạo sức ép lớn về nhu cầu xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông ven thị, nhu cầu việc làm, nhà ở, dịch vụ y tế, giáo dục và xử lý ô nhiễm môi trường...
Ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột cho biết: Xác định được khó khăn thách thức, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố quyết tâm cao độ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nắm bắt tốt cơ hội để phát triển. Trong đó, tập trung nguồn lực tài chính đầu tư hạ tầng, phát triển dịch vụ đô thị và an sinh xã hội với các tiêu chí đô thị xanh, sinh thái, bản sắc và đô thị thông minh, gắn kết chặt chẽ giữa đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng chia sẻ chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển |
Đồng thời, thành phố tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cùng những chính sách hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; huy động tốt nguồn lực phát triển, đặc biệt là nguồn lực kinh tế tư nhân, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nhanh, bền vững.
Thành phố luôn có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, nâng cao chuỗi giá trị ngành công nghiệp tiềm năng, trọng điểm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu như: chế biến càphê, tiêu, ca cao, bơ, các ngành công nghệ cao nhằm hạn chế xuất thô nâng giá trị sản phẩm.
Cùng với đó, thành phố chú trọng phát triển trồng trọt, chăn nuôi tập trung theo hình thức liên kết theo chuỗi và ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất; mở rộng trồng trọt, chăn nuôi theo hướng VietGAP; Organic, sản phẩm Ocop ứng dụng khoa học, kỹ thuật cải tạo chất lượng nguồn giống để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng.
Nông dân đang chuyển dịch sang chăm sóc thu hái cà phê hữ cơ, quả chín trên 90%. |
Từ sự quyết tâm đó, năm 2023 thành phố đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ như: Tổng thu ngân sách đạt hơn 1,8 nghìn tỷ đồng; Sản xuất Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp phát triển ổn định, các nhà máy nỗ lực tăng năng suất hoạt động đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 67.978 tỷ đồng; Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển tốt ước đạt 2.882 tỷ đồng; Tổng lượt khách du lịch đến thành phố khoảng 928.000 lượt, trong đó khách quốc tế ước đạt 18,832 lượt khách; khách trong nước ước đạt 909,168 lượt; tổng doanh thu ước tính 740 tỷ đồng. 8/8 xã đạt chuẩn nông thôi mới, nông thông mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Trong quý 1 năm 2024 tổng thu ngân sách Thành phố ước thực hiện 472 tỷ 228 triệu đồng. Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thành phố đã tiếp nhận 7.288 hồ sơ, đã giải quyết 7236 hồ sơ. Trong đó, giải quyết trước hạn và đúng hạn là 7.236 hồ sơ; Không có hồ sơ giải quyết quá hạn.
Cơ hội lớn phát triển xứng tầm
Xác định Buôn Ma Thuột có vị trí đặc biệt quan trọng trung tâm vùng Tây Nguyên về kinh tế - xã hội - an ninh quốc phòng, Trung ương đã có nhiều quyết sách để tập trung đầu tư phát triển. Bộ Chính trị Kết luận 67-KL/TW ngày 16/12/2019 về xây dựng - phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk xứng tầm đô thị trung khu vực Tây Nguyên. Tiếp đó là Nghị quyết số 72 của Quốc hội để phát huy tối đa hiệu quả của chính sách khi Nghị quyết thực hiện thí điểm trong 5 năm. Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 9/7/2020 của Chính phủ: Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Sản xuất công nghiệp chiếm tỷ lệ cao trong nền kinh tế. |
Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng cho biết: Những quyết sách về cơ chế đặc thù dành cho Buôn Ma Thuột đã và đang trở thành hiện thực. Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh rất quan tâm, thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo Thành ủy - HĐND – UBND thành phố bám sát các quy định về cơ chế đặc thù để tập trung nguồn lực cho phát triển. Trong đó, xây dựng cơ chế thu hút nhân tài, phát huy nguồn vốn đầu tư từ Trung ương, vốn ODA để xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, các công trình trọng điểm như: hồ sinh thái Ea Tam, hệ sinh thái và môi trường sông suối Ea Tam, Ea Nao; hệ thống thoát nước đô thị và xử lý môi trường. Nhất là phát huy các cơ chế thu hút đầu tư như: miễn giảm thuế, tiền thuê đất, đào tạo nhân lực nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư tại Buôn Ma Thuột nói riêng tỉnh Đắk Lắk nói chung.
Ông Vũ Văn Hưng cho biết thêm: Từ cơ chế đặc thù, TP Buôn Ma Thuột đã đề xuất với tỉnh Đắk Lắk quy hoạch mở rộng thành phố, đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông kết nối Buôn Ma Thuột với khu vực Nam bộ, Bắc Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung, như: Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đang được triển khai xây dựng, đường sắt Tuy Hòa – Buôn Ma Thuột, cao tốc Phú Yên - Đắk Lắk; cao tốc Buôn Ma Thuột - Pliêku…
Sản xuất Công nghiệp được chú trọng. |
Bên cạnh đó, địa phương tập trung thực hiện Đề án "Phát triển thương hiệu TP Buôn Ma Thuột trở thành "thành phố cà phê của thế giới;" phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác giá trị văn hóa địa phương gắn với các di tích quốc gia.
Ông Nguyễn Tuấn Hà Phó, Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk đánh giá: Các quyết sách của Trung ương và kế hoạch thực hiện của địa phương mở ra cơ hội cho TP Buôn Ma Thuột phát triển nhanh, bền vững. Để thực hiện được mục tiêu đề ra, Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành phối hợp chặt chẽ với chính quyền thành phố xây dựng kế hoạch phát triển sát với thực tiễn đúng quy định của pháp luật và cơ chế đặc thù. Trong số đó, thành phố tập trung nguồn lực đủ mạnh để đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, hạ tầng liên kết vùng; thu hút nhà đầu tư, nhất là dự án trọng điểm trên tất cả lĩnh vực; thu hút nhân tài, nhà khoa học phục vụ phát triển địa phương.
TP Buôn Ma Thuột nhìn từ trên cao mang hình hài đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. |
Bằng sự phá huy nội lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP Buôn Ma Thuột, sự quan tâm đầu tư của tỉnh cùng những quyết sách của Trung ương đã và đang triển khai sẽ là tiền đề quan trọng, "đòn bẩy mạnh mẻ" mở ra cơ hội lớn để thành phố "bứt tốc" phát triển đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trong tương lai gần./.