Phạm Lạc Cầm duyên thơ - duyên nhạc
Văn hóa - Thể thao 06/12/2022 10:38
Năm 1960, ông thoát li, làm thợ kĩ thuật của Nhà máy Sứ Hải Dương. Năm 1963, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông tòng quân, trở thành người lính pháo binh mặt đất săn tàu biệt kích xâm nhập bờ biển, được vài năm lại chuyển sang pháo cao xạ tầm thấp tại tuyến lửa miền Trung. Ông cùng đồng đội bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, góp phần làm lên kì tích cho lực lượng pháo binh trong chiến đấu.
Với các thành tích cụ thể đó, năm 1970, ông là số ít cán bộ cấp đại đội được trên cử đi học kĩ thuật xây dựng tại Trường Thiết kế - kiến trúc Hà Tây, được tổ chức riêng một lớp 22A (khóa 22). Tại đây, ông được bầu làm lớp trưởng. Tốt nghiệp năm 1974, ông được phân công về Công ty xây dựng Hải Phòng (Bộ Xây dựng). Năm 1977 - 1984, ông chuyển về Sở Xây dựng tỉnh Hải Hưng. Tại đây, ông đảm nhiệm các chức vụ: Chánh văn phòng Sở; Trưởng phòng Kế hoạch - Kĩ thuật kiêm Thư kí Công đoàn Công ty Xây lắp 4. Năm 1984 - 2002, ông về Viện Cây lương thực - thực phẩm, làm Phó trưởng Ban Quản lí công trình xây dựng, Phó trưởng Phòng Tổ chức hành chính, Bí thư Chi bộ.
Ông Phạm Lạc Cầm. |
Từ năm 2003, nghỉ hưu tại số 76, phố Lương Định Của, phường Hải Tân, TP Hải Dương, ông được bà con khối phố tin yêu, Chi bộ bầu giữ chức Phó Bí thư rồi Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Hội NCT phường, Phó Chủ nhiệm CLB thơ Thành Đông (thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh), Phó Chủ tịch Chi hội Thơ Đường luật tỉnh,…
Hành trình cuộc đời của ông như con dao pha, từ chàng trai giỏi tay cuốc, tay liềm, tay búa tay máy đến chắc tay súng, vững tay bút… Ở lĩnh vực nào ông cũng cần cù, siêng năng như con ong thợ làm mật cho đời. Nay đã bước vào tuổi 80, 54 năm tuổi Đảng, ông đã trải nghiệm trên từng cây số của thời chiến trận và xây dựng Tổ quốc để trở thành người kí sự tận tụy của cuộc đời.
Ông đam mê sáng tác văn học. Thơ ông in chung, in riêng được nhiều nhà xuất bản ấn hành. Tôi may mắn có lần viết lời tựa cho tập thơ ông nên rất hiểu chữ, nghĩa và cái tâm trong thơ ông chân thực, mộc mạc như củ khoai, hạt thóc, chan chứa tình của một cựu chiến binh. Vì thế nhanh bén duyên, lọt vào “mắt xanh” của mấy nhạc sĩ Hải Dương có hạng “com măng”, thơ ông chuyển thành làn điệu chèo, ca khúc mới như các bài “Bác Hồ trong lòng dân”,“Bình thường mới”, “Ngày thơ Việt Nam” (nhạc Trọng Thủy); “Vinh quang Việt Nam” (nhạc Ngọc Cuông)…
Ngồi trò chuyện với tôi, ông cho biết: “Người cao tuổi hầu hết đều mang tinh thần sống vui, sống khỏe”, nên thơ của lớp tuổi này có hồn thơ theo tư tưởng của Bác, “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, đọc lên mà như sờ thấy hồn quê, tình đời, phản ánh trực diện vào mỗi sự kiện vui buồn của quê hương, đất nước, xốc lại tinh thần như đi ra trận ngày nào và chống dịch, thiên tai như vừa qua, biến nguy thành an, tự thân câu chữ đó đã tạc vào làng xóm, phố phường một luồng sinh khí mới.
Nhân bài viết này, xin giới thiệu với bạn đọc ca khúc “Vinh quang Việt Nam”, thơ Phạm Lạc Cầm, nhạc Ngọc Cuông để cùng chia vui, lan tỏa duyên thơ, duyên nhạc cùng ông.