Có một nhà khoa học rất thơ...
Nhịp sống văn hóa 11/05/2023 16:44
Tôi hẹn gặp GS. Vũ Quang Côn, Chủ tịch Hội Côn trùng học Việt Nam vào một buổi sáng đẹp trời, khi Hà Nội vừa chấm dứt cơn mưa phùn dai dẳng để đón những tia nắng hạ đầu tiên. Trong quán cà phê mang nét hoài cổ, trông ông thật trẻ trung so với tuổi 80. Mới gặp, ông đã hồ hởi khoe: “Tớ mới đạp xe thể dục về, ngày nào cũng vậy, phải chăm chỉ tập luyện để luôn thấy mình vẫn còn nhiều năng lượng”, nói rồi ông cười, giọng cười và ánh mắt hồn nhiên ấy luôn khiến người đối diện cảm mến, dù là lần gặp đầu tiên.
GS. Vũ Quang Côn sinh ra và lớn lên tại một vùng quê thuần nông thuộc huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Từ nhỏ ông đã chăm học và say mê tìm hiểu thiên nhiên, từ cây cỏ mọc trong vườn tới những loài côn trùng hoang dã. Cũng chính trong khung cảnh nguyên sơ ngày ấy, ông đã tập viết những vần thơ đầu tiên về vạn vật xung quanh, về gia đình, về quê hương Thái Bình yêu dấu. Sau này, ông được Nhà nước cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh, bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Sinh học tại Viện động vật học - Viện Hàn lâm khoa học. Ông về nước tiếp tục nghiên cứu rồi trở lại Liên Xô bảo vệ luận án Tiến sĩ Khoa học. Cơ duyên gắn bó với xứ sở Bạch Dương đã khiến ông yêu mến cảnh sắc và con người nơi đây, để rồi từ đó, những trang thơ đầy xúc cảm cứ thế tuôn trào.
“Đất nước Nga
Mặt trời xa tôi mãi nhớ
Nơi có niềm vui và nỗi đau trăn trở
Nơi tình yêu thêm nâng cánh đời tôi
Thầy giáo Nga dẫn tôi vào khoa học
Gợi mở cho tôi lẽ sống một con người”.
(Trích Tập thơ Đêm trắng)
Lặng lẽ và dịu dàng, thơ song hành cùng ông trong mọi khoảnh khắc cuộc sống, bên ông như tri kỷ, chia sẻ mọi vui buồn.
Thi ca là bạn tri kỷ song hành cùng GS.TSKH. Vũ Quang Côn trên hành trình nghiên cứu khoa học. |
Ngồi đối diện tôi, với giọng nói trầm ấm và chậm rãi, GS. Vũ Quang Côn bộc bạch: “Trong suốt cuộc đời làm khoa học, tôi đã có trên 140 công bố trong và ngoài nước cùng gần chục cuốn sách chuyên khảo (chủ trì xây dựng, biên soạn, và cho xuất bản 20 sách động vật chí và thực vật chí Việt Nam thuộc cụm công trình khoa học được giải thưởng Hồ Chí Minh), gia tài thơ tôi có khoảng 500 bài. Thơ mang tính lãng mạn, giúp cho những căng thẳng trong nghiên cứu khoa học được cân bằng mềm mại, và khoa học với những nguyên tắc riêng biệt sẽ giúp ích cho tôi sáng tác thơ không chỉ dạt dào cảm xúc còn có tính quy luật và logic”.
Thật đúng như vậy, điển hình là công trình trên cơ sở luận án tiến sĩ sinh học “Host – Parasite Relationships in Insects” được xuất bản tại Liên Xô và Mỹ; công trình luận án TSKH được xuất bản tại NXB Viện Hàn lâm khoa học Nga trước khi xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Để nghiên cứu thành công hai sách chuyên khảo đặc biệt này, ông đã hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ như một thử thách lớn đầy căng thẳng, những lúc đó ông lại tìm đến thơ, viết ra những xúc cảm từ đáy lòng mình.
“Phòng thí nghiệm lặng im
Trong hơi thở của chiều
Đôi mắt nào sáng lên trước màu vàng lục
Giữa không gian hai cực
Vật chất mới tạo thành
Nghe phản ứng bồi hồi
Trong tim
Trong mạch
Hai ta!”
(Trích tập thơ Nguyên sơ)
Luôn cho rằng mình chỉ là một người yêu thơ và sáng tác theo cảm hứng, nhưng ông được các nhà thơ nhận xét như tác giả viết có nghề, rất hay, rất lạ, với ngôn ngữ ví von độc đáo, những câu chữ tượng hình thú vị, những hình ảnh nhân hoá mới mẻ và luôn đong đầy cảm xúc.
Những tập thơ do GS. Vũ Quang Côn xuất bản. |
Hầu hết những bài thơ của ông đều được ghi chép tại chỗ, sáng tác ngẫu hứng, không chịu bất kỳ một áp lực nào, với cuốn sổ nhỏ và cây bút mang theo, bất chợt gặp một hình ảnh, một cảm xúc, một âm thanh xung quanh có chất thơ là vội ông chép lại, như một cách lưu giữ ý tưởng cho những sáng tác về sau.
GS.TS.NGND Trần Đình Sử sau khi đọc thơ Vũ Quang Côn đã chia sẻ: “Tuy không đi tìm hình thức như một nhà thơ chuyên nghiệp, nhưng thơ của Vũ Quang Côn cũng rất đa dạng: thơ tự do, thơ bảy chữ, năm chữ, bốn chữ, sáu chữ, thơ lục bát, thơ ngắn, thơ dài đều có và đều có nhiều bài thơ chín.”
Còn nhớ giai đoạn giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19, cách ly xã hội trong một thời gian dài, lúc ấy thơ đã trở thành nguồn động lực giúp ông đi qua những ngày gian khó bằng một tinh thần luôn tươi mới, để rồi tập thơ có một cái tên rất lạ - “Ru nhau” ra đời. “Ru nhau” nói đến tinh thần đoàn kết, sẻ chia, động viên giúp đỡ, ca ngợi tình người cao đẹp đã tạo nên nguồn sức mạnh kỳ diệu góp phần chiến thắng đại dịch.
“Ru nhau thêm một vòng tay
Ru nhau bớt vợi những ngày đơn côi
Ru nhau mềm mại những lời
Ru nhau với cả bầu trời của ta”.
(Trích Tập thơ Ru nhau)
Ông chia sẻ: “Ban đầu tôi có ý định đặt tựa đề tập thơ là “Ru em” để nói về tình yêu trong giai đoạn ấy, những tôi thấy đó vẫn chưa khắc hoạ đủ cảm xúc đang hiện hữu ngoài xã hội, cần phải mở rộng hơn các đề tài, và tình yêu cũng được khái quát lớn hơn ở nhiều đối tượng, tôi quyết định đổi tựa đề thành “Ru nhau”.
Thơ Vũ Quang Côn được phổ nhạc. |
Đối với những ai yêu thích thơ Vũ Quang Côn, sẽ nhận ra ngay phong cách thơ có phần khác lạ của ông, những chủ đề quen thuộc nhưng cách nhìn hoàn toàn mới đã làm nên hiệu ứng đặc biệt. Những tập thơ ông đã xuất bản có thể kể đến như: Nguyên sơ, Dáng hình, Cỏ dại, Cạm bẫy, Đêm trắng, Trở về. Đọc và nghiền ngẫm thơ ông, người ta thấy được một trái tim tràn đầy rung cảm, nâng niu xúc cảm, khát cháy yêu thương và đầy lòng trắc ẩn...
“Rơi vào giữa cõi hoang sơ
Miên man rừng núi, âm u suối ngàn
Lá thu xao động trước mành
Kìa bao mầm cỏ buộc mình với duyên”.
(Trích Tập thơ Cạm bẫy)
TSKH Ngữ văn Đoàn Hương đã nhận xét: “Vũ Quang Côn không phải làm thơ để chơi, anh đã có nhiều tập thơ xuất bản. Đọc thơ Vũ Quang Côn, ta thấy anh đã nương tựa vào thơ để sống. Đọc thơ anh, ta mới hay trong con người một nhà khoa học thành đạt vẫn có một trái tim cô đơn và khát khao yêu thương. Và chừng đó đã quá đủ cho lý do tồn tại của thi ca trong trái tim một nhà khoa học”.
Khi được hỏi giữa thơ và khoa học, đâu là thứ quan trọng trong cuộc sống, GS. Vũ Quang Côn suy nghĩ hồi lâu trước khi lựa chọn khoa học. Với ông, khoa học mang đến sự nghiệp vững chắc, một cuộc sống đủ đầy phong phú như vậy thì ông mới có thời gian, có nguồn cảm hứng vô tận để sáng tác thơ. Đó là sự song hành khó tách rời.
Ở tuổi bát tuần, GS. Vũ Quang Côn vẫn cần mẫn sáng tác. |
Có một số nhạc sĩ như: NS. Đoàn Bổng, NS. Lê Xuân Thọ, NS. Bùi Huy Thông... đã phổ nhạc nhiều bài thơ của Vũ Quang Côn. Điển hình như NS. Đoàn Bổng đã dựng tượng đài nhạc sĩ Văn Cao trên chất liệu thơ và nhạc thành tác phẩm thính phòng nổi tiếng có tên “Con phố mang tên ông”. Dẫu vậy, GS. Vũ Quang Côn chỉ xác định âm nhạc là một mối duyên thú vị vì ông tin vào câu nói “Vạn sự tuỳ duyên”.
Khi nhắc về GS. TSKH Vũ Quang Côn, nhiều người bạn thường yêu mến gọi ông là “nhà khoa học làm thơ”. Điều này thật chính xác, bởi lẽ trên hành trình tận tâm nghiên cứu và cống hiến cho nền khoa học nước nhà, ông luôn có thi ca bầu bạn, song hành. Với cuốn sổ nhỏ và cây bút trong tay, mỗi ngày ông đều ghi chép lại những phát hiện mới, những xúc cảm lạ trên quãng đường mình đi qua. Cho đến nay, có đến vài chục cuốn sổ như vậy, và từ đó những vần thơ mới cứ tiếp tục ra đời...