Nhớ Giáo sư Vũ Khiêu
Văn hóa - Thể thao 28/05/2024 11:10
Giáo sư Vũ Khiêu là nhà văn hóa lớn, hoạt động trên nhiều lĩnh vực: Triết học, mĩ học, sử học, văn học nghệ thuật. Cụ có nhiều đóng góp cho khoa học xã hội và nhân văn nước ta trong 70 năm qua. Tuy đã bước vào tuổi thượng thọ, nhưng giáo sư vẫn tích cực đảm trách Chủ tịch Hội đồng biên soạn bộ tổng tập “Ngàn năm Văn hiến Thăng Long” (gồm 4 tập). Cụ còn tham gia biên soạn bộ “Bách khoa thư Hà Nội”; trực tiếp viết cuốn “Lịch sử khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hà Nội”; làm Chủ tịch Hội đồng tư vấn khoa học bộ sử “Ngàn năm Thăng Long” gồm hơn 100 cuốn; trực tiếp tham luận tại nhiều hội thảo khoa học về Thăng Long Hà Nội.
Mấy chục năm qua, Giáo sư Vũ Khiêu còn trực tiếp viết nhiều văn bia, văn tế, hoành phi, câu đối… tại các đền thờ, nghĩa trang Liệt sĩ ở Hà Nội và trên cả nước, để ca ngợi, tri ân những anh hùng dân tộc, những liệt sĩ đã hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Giáo sư Vũ Khiêu. |
Năm 2000, Ban tổ chức kỉ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội cùng với lãnh đạo và Nhân dân tỉnh Ninh Bình, xây dựng nhà bia nói về sự kiện dời đô của đức vua Lý Thái Tổ từ Hoa Lư về Thăng Long - Hà Nội. Ban tổ chức đã đề nghị giáo sư viết bài văn bia tưởng niệm vua Lý Thái Tổ. Mục đích và yêu cầu của việc viết văn bia này vừa đề cao sự sáng suốt của vua đã chọn Thăng Long - Hà Nội làm Thủ đô, vừa đánh giá đúng công lao vĩ đại của các triều đại Đinh - Lê đối với việc thống nhất Tổ quốc, bảo vệ độc lập dân tộc.
Lời văn ngắn gọn, cô đọng, tác giả đánh giá cao vua Lý Công Uẩn: Đạo trị bình, đủ phép kinh luân/ Tài thao lược, hơn đời trí dũng.
Về ý nghĩa cuộc dời đô, giáo sư Vũ Khiêu đặt vua trong hoàn cảnh lịch sử rất vẻ vang: Nhìn ra phía trước: Tiền đồ vạn thế thênh thang/ Ngoảnh lại đằng sau: Sự nghiệp ba triều lồng lộng.
Kết thúc bài văn bia, tác giả đã dùng những câu hoành tráng, để nói lên khí phách của con cháu hôm nay, trước truyền thống của cha ông: Thắng không kiêu, bại không nản, đường gian truân san phẳng đi lên/Trung với nước, hiếu với dân, lời răn dạy sáng ngời lẽ sống/ Sơn hà Đại Việt, một dải hùng cường/ Văn hiến Thăng Long, ngàn thu truyền tụng.
Thực hiện “Lời răn dạy” của cha ông, Công ty thương binh Hòa Bình đã thực hiện đạo lí “Uống nước nhớ nguồn”, bỏ ra hàng trăm tỉ đồng đỡ đần Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình thuộc đối tượng chính sách. Đặc biệt, đối với hai nghĩa trang liệt sĩ quốc gia là Nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang Đường Chín, đơn vị xây hai tháp chuông và đúc hai quả chuông, mỗi quả nặng một tấn, để tri ân các liệt sĩ đã quy tụ, yên nghỉ tại nơi đây.
Giáo sư Vũ Khiêu đã khắc ghi bài thơ trên đường quả chuông treo ở tháp chuông Nghĩa trang Trường Sơn: Bát ngát Trường Sơn hồn liệt sĩ/ Dạt dào Đông Hải khí anh linh/ Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí/ Muôn dặm non sông nặng nghĩa tình.
Và cụ khắc ghi bài thơ trên quả chuông Nghĩa trang Đường Chín: Hồi chuông vị quốc rung Nam Bắc/ Ngọn lửa anh linh rực đất trời/ Muôn dặm từng vang đường Số Chín/ Ngàn thu còn mãi tuổi hai mươi.
Trong những năm tháng cuối đời, Giáo sư Vũ khiêu xúc động nói: “Với danh hiệu cao quý là “Công dân tiêu biểu của Thủ đô” tôi không thể nghỉ ngơi… Còn sức khỏe, tôi xin đem tâm huyết để tiếp tục phục vụ Tổ quốc và Hà Nội; báo đáp sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với Nhân dân”.
Giáo sư Vũ Khiêu, Nhà văn hóa lớn đã đi xa, những lời nói và những việc làm của cụ sẽ còn mãi với Nhân dân ta, Tổ quốc ta.