Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu qua đời, hưởng thọ 106 tuổi
Tin tức 30/09/2021 20:10
Giáo sư-Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Vũ Khiêu. (Ảnh: Internet) |
Theo thông tin từ Hội đồng dòng họ Vũ-Võ Việt Nam, Giáo sư-Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Vũ Khiêu đã qua đời vào lúc 12h37 phút ngày 30/9, tại Bệnh viện Hữu Nghị.
Giáo sư Vũ Khiêu, tên thật là Đặng Vũ Khiêu, sinh ngày 19/9/1916 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Năm 2017, Giáo sư được trao tặng huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.
Thừa hưởng truyền thống hiếu học của gia tộc, ông đã bền bỉ nghiên cứu văn hóa Đông-Tây, từ cổ đại đến hiện đại.
Với vốn kiến thức được tích lũy trong suốt cuộc đời, ông trở thành một nhà nghiên cứu văn hóa lớn. Cuộc đời cách mạng và công tác của Giáo sư Vũ Khiêu phần lớn gắn bó với Hà Nội.
Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm Giáo sư Vũ Khiêu. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN) |
Giáo sư Vũ Khiêu là trí thức tham gia cách mạng từ trước năm 1945 và đã từng hoạt động trên các lĩnh vực: Công tác Đảng, dân vận, chính quyền, quân đội và đối ngoại…
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông được phân công làm công tác tuyên huấn ở Khu 10, rồi Khu Việt Bắc, Tây Bắc, trực tiếp có mặt tại tiền tuyến từ Chiến dịch Biên giới năm 1950, đến Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Trong quá trình hoạt động, ông đã cùng làm việc với các văn sỹ, trí thức nổi tiếng của Việt Minh như: Tô Ngọc Vân, Nguyễn Xuân Khoát, Thế Lữ, Thanh Tịnh, Đoàn Phú Tứ, Bùi Công Kỳ, Vũ Hoàng Địch...
Sau năm 1954, ông chuyển từ công tác tuyên huấn sang làm công tác nghiên cứu. Ông cũng tham gia giảng dạy triết học và lý luận khoa học xã hội cho các trường Đảng và các trường đại học. Năm 1959, ông làm Thư ký khoa học xã hội của Ủy ban Khoa học Việt Nam, sau đó được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Thông tấn xã Việt Nam. Ông là Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học, là người đặt nền móng cho sự phát triển của ngành xã hội học và ngành mỹ học ở Việt Nam.
Về hoạt động đối ngoại, ông có nhiều đóng góp, sáng lập viên tham gia thành lập Hội Xã hội học các nước xã hội chủ nghĩa; giúp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên điều hành nhiều hội thảo quốc tế của UNESCO tại Việt Nam; cùng Giám đốc Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp chủ trì nhiều cuộc hội thảo về Nho giáo tại Việt Nam và Paris; được nguyên Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, Chủ tịch Hội Khổng học thế giới mời làm cố vấn của Hội…
Ông để lại cho đời một kho tàng các tác phẩm, nghiên cứu đồ sộ: “Đẹp” (1963), “Cao Bá Quát” (1970), “Ngô Thì Nhậm” (1976), “Anh hùng và nghệ sỹ” (1972), “Cách mạng và nghệ thuật” (1979), “Nguyễn Trãi” (1980), “Bàn về văn hiến Việt Nam,” tổng tập “Ngàn năm văn hiến Thăng Long” (4 tập, nặng gần 27kg), “Bách khoa thư Hà Nội,” “Lịch sử khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hà Nội.” Ông là Chủ tịch Hội đồng tư vấn khoa học bộ sử “Ngàn năm Thăng Long” gồm hơn 100 cuốn, gần đây nhất là bộ “Văn hiến Thăng Long” gồm 3 tập dày 2.400 trang (2017).
Giáo sư Vũ Khiêu còn nổi tiếng với những bài phú như “Văn tế lương dân chết đói” (1945), “Phù Đổng Thiên Vương phú,” “Văn tế giỗ tổ Hùng Vương,” bài phú kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Ngoài ra, ông còn viết rất nhiều câu đối, văn bia trên nhiều di tích lịch sử cả nước như cố đô Hoa Lư, Văn Miếu Đồng Nai, Ngã ba Đồng Lộc...
Giáo sư được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều giải thưởng và danh hiệu cao quý như: Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Huân chương Độc lập hạng Nhất, công dân ưu tú Thủ đô trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội./.