Nhà thơ Nga A.blốc với Cách mạng Tháng Mười
Văn hóa - Thể thao 03/11/2022 10:32
Nhà thơ Blốc (1880-1921), xuất thân trong giới thượng lưu trí thức, ở đất đế đô Xanh Pê-téc-bua. Khi viết về cuộc đời thực tại thì tình cảm tự nhiên của con người trong thơ ông dậy lên dồn dập, khỏe khoắn.
Hình tượng nước Nga - Mẹ hiền in đậm nét trong thơ Blốc. Thơ viết về Tổ quốc của ông là thơ nói về vận mệnh nước Nga, gắn bó với nước Nga: “Tôi hiến dâng cuộc đời một cách có ý thức và dứt khoát cho đề tài nước Nga”.
Trong những ngày Cách mạng Nga lần thứ nhất năm 1905, được sự cổ vũ, Blốc viết được bài thơ xuất sắc: “Ý chí mùa Thu” (tháng 7/1905), thể hiện tâm trạng háo hức; hơi thở dồn dập của cuộc sống khi nói về Tổ quốc: …Cứ nhảy nhót niềm vui ta đó/ Ngân nga, ngân nga trong lùm cây/ Xa xa tay áo màu thu vẫy/ Rực rỡ khoe màu như thêu ren/ Ta lên đường không ai mời gọi/ Mảnh đất này êm dịu nhường bao!...
Ông coi mình là phần nhỏ bé của nước Nga; thở chung nhịp thở với đất nước và Nhân dân, khi Tổ quốc sắp có biến động lớn, làm thay đổi bộ mặt thế giới…
Đến năm 1913, Blốc đã viết những lời tiên đoán quả quyết về nước Nga, Tổ quốc mình: “Có một nước Nga thoát từ một cuộc cách mạng, đang say mê nhìn về cuộc cách mạng khác mạnh mẽ hơn”. Cách mạng Tháng Mười năm 1917 đã thành vầng sáng, thành lực hút mạnh mẽ đối với Nhà thơ yêu nước. Ông tham gia Đại hội lần thứ nhất các Xô - Viết công nông và binh sĩ vào mùa Hè năm 1917; sau đó, tham gia Hội nghị đại biểu giới trí thức văn nghệ họp tại Cung điện Xmôn-nưi.
Cách mạng Tháng Mười đã truyền cho Blốc cảm xúc cao độ, ghi lại bằng thơ, rất đặc trưng cho thực tại nước Nga lúc đó. Ông thấy rõ cách mạng là sức mạnh của chủ nghĩa tập thể: “Cách mạng, đó là tôi, không phải một mình mà là chúng tôi. Bọn phản động, đó là sự lẻ loi, sự bất tài…”. Hứng khởi trào dâng, khiến Blốc viết trong 20 ngày liền, vào tháng 1/1918, hoàn thành kiệt tác chân thực trường ca “Mười hai” về Cách mạng Tháng Mười Nga.
Tác phẩm “Mười hai” là đỉnh cao trong sáng tác của ông về cách mạng vô sản ở nước Nga, về cuộc xung đột giữa thế giới cũ và thế giới mới; sự tất yếu sụp đổ thế giới cũ và sự bắt đầu một kỉ nguyên mới ở nước Nga. Tác phẩm “Mười hai” phản ánh những ngày sôi động ở Pê-trô-grát. Hình tượng cơn bão tuyết tượng trưng cho cách mạng, xuyên suốt bản trường ca, đồng hành với mọi ý nghĩ của tác giả trong những ngày chiến đấu dữ dội. Nước Nga mới đứng lên với trận gió cuốn, xô ngã bọn tư sản, đại diện thế giới cũ thối nát.
Trong đêm trường gió tuyết, rét thấu xương, chỉ còn lại 12 đội viên Cận vệ Đỏ của đội tuần tra cách mạng, vẫn vững bước đi, với gương mặt đanh thép. Trong hình tượng nước Nga đang tiến bước, 12 chiến sĩ hướng về lá cờ đỏ thắm dẫn đầu đoàn quân: “Hãy giữ vững bước đi cách mạng!”.
Điệp khúc này là lời kêu gọi âm vang trong Nhân dân, được tác giả nhắc đi, nhắc lại trong trường ca. Khí thế cách mạng hừng hực; tiếng bước đi rầm rập của đoàn quân dồn dập, hân hoan: “Hãy giữ vững bước đi cách mạng/ Bởi kẻ thù đâu chịu ngủ yên/ Bước chân cách mạng hãy đi cho vững/ Kẻ thù ngoan cố vẫn kề bên!.
Nhà thơ đã đưa vào trường ca gương mặt của những người yêu nước, sẵn sàng tham gia cách mạng. Họ là những người làm nên lịch sử, đại diện xứng đáng cho nước Nga, đứng lên lật đổ chế độ chuyên chế. Coi mình là thành phần nhỏ bé của Tổ quốc, Blốc đã trở thành nhà thơ đích thực của nước Nga. Với 41 tuổi đời, trong đó, hơn 20 năm cống hiến cho thơ, ông đã để lại cho đời số lượng thơ trữ tình lớn, còn mãi với thời gian; trong đó tác phẩm về đề tài Tổ quốc là những vần thơ đằm thắm, sâu sắc, viết nên với tinh thần trách nhiệm cao của một Nhà thơ yêu nước Nga, chung nhịp thở cuộc sống Nhân dân và thời đại.