Thăng trầm của siêu cường xã hội chủ nghĩa
Nghiên cứu - Trao đổi 07/11/2022 10:35
Ngày 7/11/1917, Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga thắng lợi. Ngày 10/1/1918, Đại hội Xô viết toàn Nga lần thứ ba đã thông qua “Tuyên ngôn về quyền lợi nhân dân lao động và bị bóc lột”, khẳng định nước Nga là một nước xã hội chủ nghĩa với mục tiêu xóa bỏ chế độ người bóc lột người.
Ngày 30/12/1922, Đại hội thứ nhất các Xô viết hợp nhất các nước Cộng hoà Xô viết thông qua Bản Tuyên ngôn thành lập Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) và bản Hiệp ước Liên bang. Theo đó, Liên Xô là một liên hiệp các quốc gia Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết: Nga, Belarrus, Ukraina và Ngoại Kavkaz (từ 1936 tách thành các nước Gruzia, Azerbaijan, và Armenia).
Trước khi tan rã vào năm 1991, Liên Xô gồm 15 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết. Đó là: Armenia (thủ đô Yerevan), Azerbaijan (thủ đô Baku), Belarus (thủ đô Minsk), Estonia (thủ đô Tallinn), Gruzia (thủ đô Tbilisi), Kazakhstan (thủ đô Alma-Ata), Kyrgyzstan (thủ đô Frunze), Latvia (thủ đô Riga), Litva (thủ đô Vilnius), Moldavia (thủ đô Kishinev), Nga (thủ đô Moscow), Tajikistan (thủ đô Dushanbe), Turkmenia (thủ đô Ashgabat), Ukraina (thủ đô Kiev) và Uzbekistan (Tashkent).
Duyệt binh trên Quảng trường Đỏ dưới thời Tổng thống Nga Vladmir Putin. |
Quốc ca Liên Xô khẳng định: “Liên bang không thể chia cắt của những nước cộng hòa tự do/ Mãi mãi liên kết bởi nước Nga vĩ đại/ Được tạo nên bởi ý nguyện của nhân dân/ Đó chính là Liên bang Xô viết thống nhất và hùng mạnh/ Vinh quang thay tổ quốc tự do của chúng ta/ Thành trì vững chắc của tình đoàn kết các dân tộc/ Đảng của Lênin - sức mạnh của Nhân dân/ Đưa chúng ta tới thành công của chủ nghĩa Cộng sản”.
Năm 1913, tổng sản lượng công nghiệp của Đế quốc Nga đứng hàng thứ năm của thế giới (sau Mỹ, Anh, Pháp, Đức), chiếm tỉ lệ khoảng 4% trên thế giới thì đến năm 1937, sản lượng công nghiệp của Liên Xô đã vượt lên đứng hàng thứ hai trên thế giới (chỉ sau Mỹ). Tỉ trọng công nghiệp của Liên Xô trong sản lượng công nghiệp thế giới đã lên đến 14%. Đây là tốc độ công nghiệp hóa nhanh nhất mà thế giới từng ghi nhận.
Đầu những năm 1970, Liên Xô là nước có nền khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ, có nhiều ngành khoa học đứng hàng đầu thế giới như khoa học vũ trụ. Công nghệ sản xuất ở Liên Xô cũng được chú trọng đổi mới và phát triển. Chính vì thế, Liên Xô phát triển khá ổn định, đổi mới nhanh chóng, thực hiện cơ giới hoá và điện khí hoá; ngành chế tạo máy luôn giữ vai trò chủ đạo và đứng hàng đầu thế giới.
Đến năm 1972, tổng sản lượng công nghiệp Liên Xô đã tăng 321 lần so với năm 1922 (năm Liên Xô thành lập), thu nhập quốc dân cũng tăng 112 lần. Năm 1975, chỉ cần 2 ngày rưỡi, Liên Xô đã sản xuất ra lượng sản phẩm bằng cả năm 1913 (năm cao nhất của Đế quốc Nga cũ).
Nhà kinh tế học Mỹ Wassily Leontief - người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 1973 từng ca ngợi nền kinh tế kế hoạch của Liên Xô vì đã đạt được bước đại nhảy vọt về công nghiệp trong những năm 1930. Cũng theo ông Wassily Leontief, vì có nền kinh tế kế hoạch mà Liên Xô đã nhanh chóng phục hồi sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945). Nhờ nền kinh tế kế hoạch đã giúp Liên Xô đạt được tốc độ tăng trưởng tương đương với Mỹ, thậm chí còn vượt cả Tây Âu vào thập niên 1970 và đầu thập niên 1980.
Về mặt quốc phòng, đến giữa những năm 1970, Liên Xô đã đạt thế cân bằng về chiến lược trong lĩnh vực vũ khí với phương Tây. Về lực lượng quân sự giữa hai khối Warszawa (Liên Xô đứng đầu) và khối NATO (do Mỹ đứng đầu), vào những năm 1970, xét về tổng thể, khối Warszawa đã vượt lên khối NATO.
Về đối ngoại, Đảng và Nhà nước Xô viết đã thực hiện thực hiện chính sách nhằm mục tiêu chủ yếu và phương hướng cơ bản là: Bảo đảm những điều kiện thuận lợi cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; loại trừ nguy cơ chiến tranh, duy trì hoà bình và an ninh chung; mở rộng việc hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa; phát triển quan hệ hữu nghị, bình đẳng với các nước tư bản chủ nghĩa trên cơ sở chung sống hoà bình; hợp tác thiết thực, cùng có lợi, đoàn kết với các đảng cộng sản và các đảng dân chủ cách mạng, với phong trào công nhân quốc tế và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.
Tuy nhiên, từ 1985-1991, vì nhiều lí do, Liên Xô dần rơi vào khủng hoảng toàn diện. Trước phong trào li khai lan rộng, trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 17/3/1991, 76,4% công dân Liên Xô vẫn bỏ phiếu để mong muốn giữ lại Liên Xô. Thế nhưng ngày 8/12/1991, Tổng thống Nga Boris Yeltsin đã cùng với Tổng thống Ukraina Leonid Kravchuk và Chủ tịch Xô viết Tối cao Belarus Stanislav Shushkevich kí kết Hiệp ước Belovezh, mở đầu cho việc tan rã Liên Xô và thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Từ ngày 10 đến ngày 12/12/1991, Hiệp ước Belovezh lần lượt được chính quyền ba nước Nga - Ukraina và Belarus phê chuẩn, đánh dấu ba nước trở thành đồng minh của nhau khi Liên Xô tan rã.
Ngày 21/12/1991, tại thủ đô Astana của Kazakhstan, 11 nước cộng hoà kí kết hiệp định về giải tán Liên bang Xô viết và chính thức thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Ngoài ba nước Nga - Ukraina và Belarus còn có Azerbaijan, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Mondova, Tajikistan, Turkmenia và Uzbekistan. Gruzia và ba quốc gia vùng Baltic (Estonia, Latvia, Litva) không tham gia kí kết. Tuy nhiên, sau này Gruzia sau này là thành viên của cộng đồng này từ năm 1993 đến 2009.
Ngày 25/12/1991, Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev từ chức. Liên Xô sau đó đã biến mất trên bản đồ chính trị thế giới.
Trong buổi họp báo tại Moscow vào tháng 7/2001, các nhà báo của tờ Đoàn Thanh niên Cộng sản (Komsomol) và báo Chân lí đã đề cập tới vấn đề sự đổ vỡ của Nhà nước Liên Xô và có nhà báo đã hỏi: “Ngài đánh giá thế nào về sự đổ vỡ của Liên Xô?”. Lúc đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định: “Ai không tiếc cho sự đổ vỡ của Liên Xô, người đó không có lương tâm”. Ngày 2/3/2018, hãng thông tấn TASS cho hay, tại Kaliningrad, khi được hỏi nếu có cơ hội, ông muốn thay đổi điều gì trong lịch sử Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin trả lời sẽ tìm cách ngăn Liên Xô tan rã.
Đầu năm 2021, nhân dịp tròn 30 năm ngày tổ chức trưng cầu dân ý về việc duy trì Liên Xô (ngày 17/3/1991), 67% người Nga bày tỏ tiếc nuối về sự sụp đổ của nhà nước Liên Xô. Đây là kết quả thăm dò dư luận do Trung tâm nghiên cứu ý kiến dư luận toàn Nga (VTsIOM)