Người vẽ tranh thờ Truyền thống người Dao
Văn hóa - Thể thao 09/02/2024 13:00
Cấp sắc là nghi lễ quan trọng, bắt buộc người đàn ông Dao nào cũng phải thực hiện, để khẳng định việc họ đã trưởng thành. Người Dao quan niệm, nếu trong đời không có lễ cấp sắc thì linh hồn sẽ không khôn lớn và không đoàn tụ được với tổ tiên… Trong Lễ cấp sắc, tranh thờ truyền thống người Dao được treo ở vị trí trang trọng. Tục thờ bằng tranh được người Dao bảo tồn từ đời này qua đời khác, tạo nên nét văn hóa riêng biệt. Thế nhưng, hiện người vẽ tranh thờ của người Dao ở Quảng Ninh còn rất ít, nhiều địa phương có đông người Dao nhưng cũng không có người vẽ tranh thờ.
Tại lễ hội người Dao ở xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh, tôi gặp và được biết ông Hà Văn Tài, 54 tuổi, ở thôn Nà Bấc, xã Đông Hải, huyện Tiên Yên là một trong số người rất ít biết vẽ tranh thờ người Dao. Trong gian hàng ông Tài trưng bày các bức tranh thờ của người Dao, có rất nhiều người đến đặt ông vẽ tranh thờ cho gia đình, hoặc dòng họ nhà mình. Ông Tài nhận lời rồi ghi tên tuổi, số điện thoại của người cần vẽ tranh để liên hệ. Vì theo ông để vẽ một bộ tranh phải mất rất nhiều thời gian nên mọi người phải đặt trước.
Ông Hà Văn Tài là một trong số rất ít người còn giữ nghề vẽ tranh thờ người Dao. |
Dẫu ngày nay, công nghệ in rất hiện đại, nhưng đã thành phong tục, người Dao chỉ thờ tranh vẽ, không thờ tranh in, dù tranh in rẻ hơn nhiều lần so với tranh vẽ. Do vậy, những người làm nghề vẽ tranh thờ như ông Tài vẫn còn giá trị. Ngay cả những năm tháng trước đây cuộc sống của người Dao rất khó khăn, nhưng cả dòng họ góp tiền để đặt ông Tài vẽ tranh. Tuy “độc tôn” nhưng thu nhập của ông Tài cũng không cao từ nghề vẽ tranh. 1 bộ tranh gồm 12 bức giá hơn chục triệu đồng, nhưng ông phải vẽ trong khoảng 2 tháng. Các bức tranh chứa đựng giá trị giáo dục tính nhân văn cho con người, được treo trang trọng ở nơi thờ tổ tiên và cứ thế, thế hệ trước giảng giải cho thế hệ sau.
Ngôi nhà của ông Tài nằm khuất sau những đám ruộng ở thôn Nà Bấc, xã Đông Hải nhưng nhiều người Dao ở nhiều nơi vẫn tìm đến đặt vẽ tranh. Ông Tài kể đây là nghề từ đời ông nội đến ông là 3 đời hành nghề vẽ tranh. Năm 21 tuổi, ông mới tập trung vào vẽ tranh và coi đó là một nghề kiếm sống cho đến ngày nay. Trước đây, ít người biết nên ông phải đi đến nhiều địa phương để “tiếp thị”. Vẽ một bộ tranh khoảng 2 tháng, nên nhiều khi ông phải ăn, ngủ ở nhà gia chủ để vẽ. Thậm chí ở tỉnh Đắk Lắk có người còn “lặn lội” ra Tiên Yên đón ông vào tận nơi để vẽ thờ người Dao.
Tranh thờ người Dao, dòng họ nào cũng phải có, mỗi bộ tranh thờ gồm 12 tranh, nội dung và cách thể hiện khác nhau trong từng tranh. Nhân vật chính trong các tranh đều là 3 vị Thượng Thanh, Ngọc Thanh, Thái Thanh là thần cai quản trời, trần gian và âm phủ. Tranh thờ được vẽ theo kiểu tranh dân gian với nét vẽ tả thực, các vị thần có vẻ mặt khác nhau nhưng đều mang nét oai nghiêm.
Tranh thờ là quan niệm của người Dao về sơ khai vũ trụ, gam màu chủ đạo trong các bức tranh là xanh, đỏ, tím, vàng, trắng được cụ thể hóa trong từng chi tiết. Để có màu vẽ phụ hợp, ông Tài phải cất công sang Trung Quốc mua màu và mua giấy cho phù hợp.
Điều ông Tài vẫn băn khoăn là hiện ông vẫn khó tìm được người nối dõi, nghề vẽ tranh thờ của người Dao có nguy cơ bị mai một. Ông cũng đã truyền nghề cho một người ở TP Hạ Long và cho con trai mình, nhưng vẫn chưa an tâm. Vì theo ông, nghề vẽ tranh thờ ngoài việc có năng khiếu còn phải hiểu phong tục tập quán của người Dao. Người vẽ còn phải biết miệt mài với tình yêu nghề một cách chân thật và cũng không so đo về vật chất thì mới làm được.