Người cao tuổi “giữ lửa” nghề truyền thống
Văn hóa - Thể thao 25/11/2021 17:06
An Giang hiện có 35 làng nghề tiểu thủ công nghiệp ở 49 xã, phường. Trong đó, có 26 làng nghề được chính quyền tỉnh công nhận, giải quyết việc làm hơn 10.900 lao động.
Trong bối cảnh hội nhập, những làng nghề, các cơ sở sản xuất thủ công mĩ nghệ giờ chỉ còn những NCT “giữ lửa” để giữ lại nghề ông bà xưa truyền lại. Tại TP Long Xuyên, có làng nghề se nhang ở phường Bình Đức trên 60 năm, làng nghề làm bánh tráng xã Mỹ Khánh trên 55 năm và làng nghề làm lưỡi câu phường Mỹ Hòa hơn 65 năm. Ở huyện Chợ Mới có các làng nghề chằm nón Hòa Bình, Hội An, đan đát Long Giang, mộc Mỹ Luông. Đặc biệt là làng nghề mộc chợ Thủ có từ giữa thế kỉ XVIII, có sản phẩm đa dạng như tủ, bàn, ghế, khánh thờ... được chạm trổ rất tinh vi.
An Giang còn có trên 10 làng Chăm trải dài từ biên giới Khánh Bình, Khánh An huyện An Phú, thị xã Tân Châu, xuống tận huyện Châu Phú, Châu Thành. Ở vùng Thất Sơn, có làng dệt thổ cẩm Chăm Châu Phong, tơ lụa Tân Châu bên bờ sông Hậu. Phụ nữ Chăm luôn mặc trang phục truyền thống, choàng trên đầu chiếc khăn sặc sỡ nên càng làm tôn thêm nét duyên dáng, huyền bí. Các sản phẩm thổ cẩm truyền thống của đồng bào Chăm là sự kết tinh những giá trị lao động, sáng tạo, những quan niệm thẩm mĩ, tư duy nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa riêng.
Theo bà Fala 60 tuổi ở xã Đa Phước, huyện An Phú, để dệt được những tấm thổ cẩm đẹp phải trải qua các công đoạn thao tác tỉ mỉ, khéo léo và cẩn trọng của người dệt. Đầu tiên là sang sợi từ ống to sang ống nhỏ, tiếp đến bắt sợi vào trục rồi kéo sợi qua các go trên khung dệt, rồi mới bắt đầu dệt từng tấm vải… Việc nhuộm màu sợi, màu vải là một khâu quan trọng và luôn có những bí quyết được lưu truyền nhiều đời trong cộng đồng người Chăm.
Còn bà Salyha 62 tuổi ở xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, một thợ dệt lâu năm chia sẻ, tơ sợi được nhuộm từ lá cây, nhựa cây, vỏ cây… để có những màu sắc cơ bản như xanh, đỏ, vàng, đen… Người thợ nhuộm còn phối hợp tạo nhiều gam màu khác nhau để tạo những hoa văn truyền thống ô vuông, con thoi, cánh quạt, răng cưa, mặt trời, hoa lá…, chuyển tải hình ảnh về thiên nhiên, cuộc sống lao động, phong tục tập quán, văn hóa của dân tộc.
Các sản phẩm thổ cẩm dệt thủ công của đồng bào Chăm rất đa dạng chủng loại, mẫu mã, như vải, nón, áo, khăn choàng, sà rông, túi đeo, khăn đội đầu, túi xách… với kĩ thuật thủ công khéo léo, mang tính thẩm mĩ cao, dễ sử dụng, giá cả phải chăng, phù hợp với thị hiếu nên được các thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.
Tại làng nghề dệt thổ cẩm Khmer xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, nhờ nỗ lực bảo tồn giá trị văn hóa độc đáo của NCT, chính quyền tỉnh có quyết định công nhận làng nghề đối với sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống. Bà Néang Samuôl, 64 tuổi, ấp Srây Skôth, kể: “Nghề dệt này có từ lâu lắm, bà truyền cho mẹ, mẹ truyền cho tôi. Ngày trước, phụ nữ Khmer khắp vùng Bảy Núi phải trồng dâu, nuôi tằm, chắt chiu từng sợi tơ để cho ra sản phẩm phục vụ trong gia đình”.
Tuy nhiên, có giai đoạn, cùng với sự phát triển của xã hội, những khung dệt thổ cẩm cũng dần “im hơi lặng tiếng” bởi nhu cầu của người dân giảm đi rất nhiều. Cả vùng Bảy Núi chỉ còn xã Văn Giáo là giữ được làng nghề.
Được biết, để duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với du lịch văn hóa, được sự đồng thuận cao của các cơ sở, chính quyền các địa phương ở An Giang quy hoạch khu làng nghề tập trung. Các giải pháp duy trì, phát triển làng nghề được chú trọng, nhằm tranh thủ các nguồn vốn từ cấp trên để hỗ trợ, thúc đẩy làng nghề phát triển. Mặt khác, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm làng nghề truyền thống trong khu vực.
Bảo tồn làng nghề truyền thống, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho lao động nông thôn là công việc vô cùng cần thiết, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến mọi người dân. Để kinh tế địa phương nhanh chóng phục hồi sau đại dịch và khi nhiều người dân từ các thành thị ồ ạt trở về quê tránh dịch, các cấp chính quyền cần quan tâm hơn nữa đến phát triển làng nghề truyền thống. Hội NCT các cấp cũng cần chú trọng tham mưu cho chính quyền và tuyên truyền, vận động, các nghệ nhân, NCT phát huy vai trò và tâm huyết với nghề. Mặt khác, cần tạo điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất, mở các lớp dạy nghề để những nghệ nhân, thợ thủ công, NCT truyền dạy cho thế hệ trẻ và cống hiến cho đời những sản phẩm độc đáo, góp phần quảng bá hình ảnh, vùng đất, con người An Giang.
Điều đáng mừng là ở những làng nghề như ấp Srây Skôth, xã Văn Giáo hiện nay vẫn còn những bà lão tuổi ngoài 70 miệt mài gắn bó với khung dệt. Những cái tên Néang Nhây, Néang Om, Néang Khieu, Néang Khon… luôn được trân trọng bởi sự tận tâm của NCT trong việc lưu giữ nghề truyền thống của cha ông