Người cao tuổi bản Thái Khe Rạn làm du lịch…
Nhịp sống văn hóa 09/04/2021 14:17
Cầu treo vào bản Khe Rạn |
Cây cầu treo vào bản như nét chỉ mảnh mai, mềm mại giữa núi rừng hùng vĩ, vắt ngang dòng sông Lam, nối liền thị trấn huyện với xã. Ông Cao Đăng Vĩnh, Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh Nghệ An dừng lại, đưa tay chỉ về phía những mái nhà sàn nâu đỏ thấp thoáng giữa màu xanh ngút ngát của núi rừng. Rồi vừa đi, ông vừa giới thiệu với tôi về mảnh đất, con người quê hương, những nét đẹp văn hóa và phong tục tập quán nơi đây. Đường bê tông sạch đẹp rợp cờ hoa, từng lùm cây cổ thụ xanh mát mắt, những tán cọ xòe tay vẫy vẫy tạo sự thư thái, thanh bình, cảm giác sảng khoái, nhẹ nhàng. Trường học, trạm y tế khang trang, sạch đẹp. Hàng chục trang trại cho thu nhập cao nối tiếp như đang đua nhau cùng phát triển…
Đường vào bản văn hóa Khe Rạn |
Ông Vĩnh cho biết: Bản Khe Rạn có 100 hộ dân toàn là người dân tộc Thái. Trước đây, đời sống người dân khó khăn lắm, chủ yếu sản xuất nông nghiệp, phụ thuộc vào thời tiết nên thu nhập rất bấp bênh, nhiều hộ đói, nghèo, chạy ăn từng bữa. Từ khi có chương trình xây dựng nông thôn mới, rồi phát triển du lịch cộng đồng, được sự quan tâm của các cấp các ngành, bà con dân tộc Thái đã đồng thuận, chung tay, góp công góp của, chung tay xây dựng quê hương từng ngày đổi mới. Các bậc ông bà, cha mẹ, người già, người có uy tín trong thôn bản động viên con cháu chăm chỉ làm ăn, tiếp thu cái mới, đưa khoa học kĩ thuật vào sản xuất, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, thu nhập từng bước ổn định và phát triển. Cùng với xây dựng kinh tế gia đình, đồng bào còn tùy theo điều kiện của mình hiến đất, góp công, góp tiền xây dựng các tuyến đường bê tông, các khu sinh hoạt cộng đồng, sân chơi thể thao… làm cho bộ mặt quê hương ngày thêm khởi sắc.
Dòng sông Lam đoạn qua bản Khe Rạn |
Câu chuyện về người Thái làm du lịch cộng đồng cũng là cả quá trình tuyên truyền, vận động kiên trì. Ông Đàm Công Thắng, Chủ tịch Hội NCT xã Bồng Khê nhớ lại: Thời gian đầu, người dân nghe đến du lịch cộng đồng thì lạ lẫm lắm, không hình dung ra sẽ làm gì và tham gia như thế nào. Song được sự động viên của chính quyền, sự tuyên truyền và hướng dẫn của các cấp, các ngành. Đặc biệt, ngành văn hóa, thể thao và du lịch cũng tổ chức nhiều buổi tập huấn, đi từng nhà khảo sát, hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc”, khích lệ người dân tham gia. Nhờ vậy, nhà nào, người nào cũng hiểu và biết cách làm du lịch cộng đồng.
Biểu diễn cồng chiêng phục vụ du khách đến thăm bản Khe Rạn |
Gia đình có điều kiện thì đầu tư homstay nhiều phòng nghỉ thoáng sạch, tiện nghi, dịch vụ ẩm thực với nhiều món ăn riêng có của người bản địa. Ai không có vốn thì tham gia các công việc dọn dẹp phòng, nhặt rau rửa bát cho gia đình, người thân. Đến nay, bất kể người dân nào trong bản cũng có thể nói vanh vách về ý nghĩa các địa danh lịch sử và danh thắng trên địa bàn, sẵn sàng làm hướng dẫn viên cho du khách. Các cụ ông cụ bà trong những ngôi nhà homstay thân thiện, mến khách, thường xuyên tâm sự, chuyện trò giao lưu tạo những kỉ niệm đẹp cho du khách. Với sự đổi mới ấn tượng, Khe Rạn đã hấp dẫn ngày càng đông lượng khách đến tham quan trải nghiệm. Phong trào làm du lịch cộng đồng đã trở thành nghề cho thu nhập cao của người dân nơi đây.
Bài múa "Kéo sợi" của người cao tuổi bản Khe Rạn |
Bà Vi Thị Luyện, năm nay đã gần 70 tuổi cũng là hội viên người cao tuổi, chia sẻ: Ngay từ khi được chính quyền vận động, tôi đã nghĩ ngay đây là cơ hội để “đổi đời”. Bao nhiêu thế hệ nay, người Thái ở vùng núi cao xa xôi này vẫn chật vật với cái đói cái nghèo, không thoát ra được. Được tôi động viên, con trai Lô Huỳnh Lan vào cuộc, gia nhập Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng của bản, trở thành người đi tiên phong làm homstay phục vụ du khách ăn nghỉ. Để đảm bảo phục vụ khách du lịch, bà cùng con trai vay vốn ngân hàng, đầu tư làm nhà sàn có những phòng nghỉ riêng có hệ thống vệ sinh khép kín; giường chiếu, chăn màn lúc nào cũng sạch sẽ, thơm tho. Đến nay, ngôi nhà sàn khang trang, rộng rãi của anh Lan đã có thể đón cùng lúc nhiều gia đình khách đến ăn nghỉ. Và bà Luyện mẹ anh, trở thành “thủ lĩnh” đặc biệt, vừa giúp con trai quản lí chung, vừa làm “đầu bếp” trổ tài những món ăn thơm ngon, đẹp mắt phục vụ du khách.
Biểu diễn khắc luống (giã gạo) |
Bà bảo, rất vui khi được đón khách đến thăm bản và lưu lại gia đình. Bởi không chỉ được trò chuyện, giao lưu và phục vụ, bà và gia đình còn có cơ hội giới thiệu phong tục tập quán địa phương, từ các món ăn truyền thống đến chuyện đám cưới, đám tang, dựng nhà, làm nương và kinh nghiệm nuôi dạy con cháu...
Mâm cơm bày trên chiếc mẹt nan phủ lá chuối rừng đẹp mắt và thơm nức, có xôi đỏ nếp nương, cơm lam, thịt gà nướng, thịt lợn nướng, nộm hoa chuối, bánh sừng trâu, canh ột và món mọc độc đáo... Bà Luyện cho biết, món mọc làm cũng cầu kì lắm. Nào là thịt băm, gạo xay nhỏ, sả, chuối rừng, mộc nhĩ, một ít rau rừng, gia vị… Tất cả băm nhỏ, trộn đều, cho vào tấm lá chuối đã hơ qua lửa cho héo, gói lại, cho vào đồ như xôi. Món chấm của người Thái cũng rất cầu kì, để chấm xôi, người Thái dùng cá suối hấp chín, giã nhỏ với muối rang trộn ớt rừng cay; chấm thịt gà, thịt lợn nướng thì phải có cây hẹ giã nhỏ trộn với ớt tiêu rừng và muối trắng.
Cây đa cổ thụ ở bản Khe Rạn |
Đến bản Khe Rạn hôm nay, du khách còn được giao lưu văn hóa văn nghệ với bà con, đốt lửa trại, múa sạp và đắm mình trong âm thanh rộn ràng của tiếng cồng, tiếng chiêng do các thành viên CLB Liên thế hệ tự giúp nhau làm nòng cốt. Đội cồng chiêng có sự tham gia của các nghệ nhân và thường xuyên truyền dạy, phổ biến những điệu dân ca, dân vũ bản sắc dân tộc Thái như các điệu khắp, điệu lăm, dệt thổ cẩm… nhằm bảo tồn phát huy bản sắc dân tộc, lưu truyền cho con cháu.