Nét đẹp văn hóa ở đình Long Thạnh
Văn hóa - Thể thao 12/03/2024 10:17
Thời Nguyễn, đình Long Thạnh có tên là Nguyệt Thạnh. Đến thời Pháp, thôn Nguyệt Thạnh sáp nhập và đổi tên thành Long Thạnh nên đình cũng được đổi tên thành đình Long Thạnh cho đến ngày nay. Dấu vết còn lại của sự kiện này là hoành phi “Nguyệt Thạnh đình” ở Tiền điện.
Đình Long Thạnh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 2018. Đây là công trình kiến trúc bằng gỗ, với nội thất độc đáo còn khá nguyên vẹn ở Bến Tre. Giá trị nghệ thuật văn hóa đặc sắc của đình Long Thạnh là các đồ án trang trí trên các công trình điêu khắc gỗ, cộng với các hiện vật còn lưu giữ như: Bao lam, khánh thờ, hoành phi, long trụ, long đình, câu đối... đã nâng cao giá trị nghệ thuật cho ngôi đình. Các đồ án trang trí này thể hiện sự độc đáo, sắc sảo, tài hoa của những người thợ thủ công bậc thầy trước đây qua các đề tài: Dơi, hoa mẫu đơn, cuốn thư, chuột, chim, tứ quý, tứ linh, tùng - lộc, mai - hạc...
Lãnh đạo xã Long Định trao quà mừng thọ cho cụ ông cao tuổi nhất (90 tuổi) và cụ bà cao tuổi nhất (97 tuổi). |
Các liễn áp cột, hoành phi, câu đối, khánh thờ, long trụ, long đình được trang trí công phu, sống động. Các câu chữ ở liễn, hoành phi được thể hiện trên nền là long phụng bay lượn, chim muông hoa lá đều được sơn son thếp vàng. Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật điêu khắc ở một trình độ kĩ thuật cao của nghề chạm khắc gỗ Việt Nam đầu thế kỉ XX.
Cụ Trương Công Thái, 85 tuổi, kế hiền đình Long Thạnh cho biết: “Chúng tôi tự hào về sắc thần của đình, quý ở chỗ không phải vì có sắc, mà quý vì người dân có học. Lúc đó, ông bà đã làm đề nghị gửi về triều đình. Sau đó, triều đình mới xét và cấp sắc thần. Chúng tôi tâm niệm, người dân có học cao là vô cùng quý giá. Đình Long Thạnh có tới 6 sắc trong đó, có 4 sắc chỉ cấp trong một tháng”.
Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, vào đầu thế kỉ XIX nơi đây là vùng đất hoang hóa, rừng rậm với nhiều loài thú dữ. Các bậc tiền nhân từ vùng Ngũ Quảng di dân đến đây cùng nhau khai hoang, lập ấp, phát triển nông nghiệp, đời sống Nhân dân ngày càng khá lên, nên người dân cần có một nơi để thờ cúng thần linh, nhằm tạ ơn thần đã phù hộ cho Nhân dân có cuộc sống ấm no, vạn vật tốt tươi. Ngôi đình Long Thạnh hiện tại được xây dựng từ năm 1830, trên hai lô đất do ông Trần Văn Trung và ông Huỳnh Tấn Cường hiến cho làng.
Đình Long Thạnh ngoài giá trị về vật thể còn có giá trị về phi vật thể. Các lễ hội của đình bảo đảm các yếu tố truyền thống với chủ lễ, lễ sinh, các bài văn tế, tàn, lộng, thỉnh sắc và 3 năm thì mời hát bội 1 lần. Vào các ngày này, Nhân dân trong vùng tề tựu về cùng quây quần bên nhau để thưởng thức các vở hát bội truyền thống, cùng hàn huyên, kể lại thời ông cha đi mở đất.
Hằng năm, đình tổ chức các lễ cúng: Ngày 7 tháng Giêng là lễ Khai sơn; Thượng ngươn (Rằm tháng Giêng âm lịch), Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10/3 âm lịch), Tết Đoan ngọ (mùng 5/5 âm lịch), Trung ngươn (Rằm tháng 7 âm lịch), Hạ ngươn (Rằm tháng 10 âm lịch), ngày 12, 13/4 âm lịch là lễ Hạ điền; ngày 12, 13/12 âm lịch là lễ Thượng điền. Lễ Kì yên được tổ chức 2 lần trong năm trùng với lễ Thượng điền và Hạ điền.
Ngày 16/2/2024 (mùng 7 tháng Giêng năm Giáp Thìn), Hội NCT xã Long Định phối hợp với Ban khánh tiết Đình thần Long Thạnh tổ chức lễ Yến lão cho 100 cụ từ 80 tuổi trở lên tại xã Long Định.
Các lễ cúng tại đình Long Thạnh được gìn giữ qua nhiều năm, lãnh đạo xã rất quan tâm, trân quý và luôn có mặt tham dự các lễ cúng tại đình. Bên cạnh đó, đình còn được tu sửa thường xuyên, với nguồn kinh phí xã hội hóa nhờ ý thức giữ gìn, bảo quản ngôi đình của Ban Khánh tiết và Nhân dân trong vùng ngày càng được nâng cao.