Lên thôn Giàn Bí xem bãi đá triệu năm
Văn hóa - Thể thao 15/08/2024 10:00
Nổi bật với cảnh quan Vũng Bọt, nơi những tảng đá đa dạng hình dạng và màu sắc nằm giữa làn nước xanh trong và bọt nước trắng xóa, bãi đá triệu năm tựa như một tuyệt tình cốc ngoài đời thực, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, chụp ảnh và chia sẻ trên mạng xã hội. Vẻ đẹp hoang sơ, khoáng đạt cùng những câu chuyện huyền thoại gắn liền với dòng sông Cu Đê tạo nên một điểm nhấn độc đáo cho hành trình khám phá thiên nhiên của khu vực vùng cao Đà Nẵng.
Chúng tôi rất ấn tượng khi du khảo khu vực đầu nguồn sông Cu Đê (Đà Nẵng) vào những ngày giữa mùa Hè. Buổi trưa, nắng lấp lánh trên mặt nước sông, nhìn ven bờ, những thôn xóm của đồng bào Cơ Tu bình yên ẩn hiện trong những rừng keo đang soi bóng xuống dòng nước trong xanh in bóng mây trời.
Cảnh đẹp dưới vịnh Vũng Bọt. |
Qua tìm hiểu, sông Cu Đê có lưu vực lớn nhất TP Đà Nẵng với chiều dài gần 40km, là dòng sông mang nhiều huyền thoại dân gian và chứng tích hào hùng, chảy giữa những cánh rừng đại ngàn hoang dã cánh Nam Hải Vân. Và dòng sông cũng đã đi vào thơ ca đẹp dịu dàng như hình ảnh của cô thôn nữ chèo đò đưa bộ đội qua sông trong những năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm, nhưng dòng nước này cũng đã làm tang thương bao cuộc sống của dân làng trong mùa lũ dữ.
Sông Cu Đê được hợp thành bởi hai dòng sông Bắc và sông Nam đều bắt nguồn từ dãy Trường Sơn. Sông Bắc xuất phát trên dãy Bạch Mã thuộc huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế); sông Nam xuất phát từ vùng núi của huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam). Hai sông Bắc và Nam giao nhau tại thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc ở vị trí cầu Sập (nay là cầu Tà Lang - Giàn Bí). Từ Tà Lang, sông chảy theo hướng Tây-Đông rõ rệt qua các xã Hòa Bắc, Hòa Liên (huyện Hòa Vang), phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) và đổ ra vịnh Đà Nẵng ở cửa biển Cu Đê. Gần 80% chiều dài của sông chảy trên địa phận của huyện Hòa Vang (30km).
Cuối cùng của chuyến du khảo đến khu vực đầu nguồn sông Cu Đê là địa phận của thôn Giàn Bí và Tà Lang. Khu vực này cũng là điểm “giao thủy” của sông Nam, sông Bắc tạo thành sông chính Cu Đê. Ngay tại “ngã ba sông” này, có Vũng Bọt mà phong cảnh rất hoang sơ kì thú bởi nơi đây có nhiều bãi đá, theo các nhà nghiên cứu đã có niên đại “triệu năm” nên cư dân và du khách gọi là “Bãi đá triệu năm”.
Tuy gần đường lớn, nhưng ở nơi đây ít có dấu chân người, môi trường trong sạch. Ở phía tay phải là hợp lưu của hai dòng suối lớn, có đoạn làn nước trong xanh, yên tĩnh; có đoạn nước xô vào đá tạo thành bọt trắng xoá nên còn gọi là “Vũng Bọt”. Điều kì thú là bọt nước màu trắng này trôi bồng bềnh trên mặt nước trong xanh in bóng mây trời của Vịnh Dài càng làm cho cảnh quan nơi đây thêm phần thơ mộng. Đây cũng là điểm tham quan, vãn cảnh nổi tiếng thu hút nhiều tín đồ “sống ảo” về đây check in với cảnh trí thiên nhiên tuyệt đẹp tựa như Tuyệt tình cốc trong phim Thần Điêu Đại Hiệp.
Bà Nguyễn Thị Chọn 68 tuổi, Chi hội trưởng NCT thôn Giàn Bí cho hay, hai bên bờ của Vịnh Dài với những ghềnh đá màu vàng, xanh với những hình thù kì bí, có tảng đá lớn cỡ ngôi nhà mà mặt trên phẳng và rộng, chung quanh nước chảy rì rào, có thể ngồi quanh hàng chục người làm nơi sinh hoạt, vui chơi. Đi ngược dòng khe độ 30m, lội qua con suối lớn và men theo một nhánh khe từ rừng già chảy ra, với những tảng đá lớn, chen chúc nhau trong dòng nước mát lạnh, uốn lượn.
“Ở đây, du khách có thể tắm mát dưới làn nước trong xanh in bóng mây trời hay ngồi trầm mặc trên tảng đá để thư giãn, an dưỡng tinh thần. Đặc biệt, có nhiều thớt đá với màu xám tro, xa trông như một bầy cá heo đang đùa với nước, trong đó có con đang há miệng, nước suối chảy vào miệng cá, có người còn gọi nơi đây là “suối cá heo”. Hằng năm, cứ sau mùa lũ lụt, các “nghệ nhân” yêu đá nghệ thuật đến bãi đá này để tìm đá cảnh với hi vọng tìm được những tác phẩm đặc sắc mà thiên nhiên ban tặng cho loài người…”, bà Chọn cho biết.
Khu vực “Bãi đá triệu năm” được ví như sơn nữ giữa rừng sâu, ít người biết đến. Ai đã một lần lên đây, đều mong có ngày trở lại.