Làng Long Loi vào hội cúng bến nước
Văn hóa - Thể thao 29/02/2024 10:10
Trong mùa lễ hội
Người Rơ Ngao là một nhánh của dân tộc Ba Na, sống tập trung tại làng Kon Trang Long Loi (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum). Những bậc cao niên trong làng kể lại, làng Kon Trang Long Loi được người Rơ Ngao tìm đến để sinh tụ trước năm 1920. Khi đó, người Pháp đến hỏi làng này tên gì, các cao niên trong làng chỉ vào giọt nước của làng và gọi tên là Long Loi, nghĩa là tốt hơn, đẹp hơn. Vì tên làng Kon Trang nên nó có tên Kon Trang Long Loi. “Kon Trang” nghĩa là “làng bông lau”; còn “Long Loi” nghĩa là “mới, đẹp”. Từ đó làng mang tên Kon Trang Long Loi.
Ông A Thui làm già làng Kon Trang Long Loi nhiều năm cho biết, cúng bến nước là một ngày hội trọng đại của cộng đồng người Rơ Ngao. Để tổ chức lễ cúng bến nước, già làng sẽ xác định ngày lành làm lễ và những vật phẩm không thể thiếu cho buổi lễ là lợn, gà, gạo nếp và rượu cần.
Khi mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng, già làng mặc trên mình bộ quần áo thổ cẩm, đứng trước giọt nước (bến nước) của làng và bắt đầu những lời khấn vái để mời thần linh về chứng giám, dự lễ cùng dân làng. Kết thúc nghi lễ, già làng dùng gùi để hứng nước. Sau khi chiếc gùi đã đầy nước, người dân sẽ dùng số nước đó châm vào ghè rượu và già làng là người đầu tiên được thưởng thức những giọt nước tinh khiết trong ghè rượu. Tiếp đó, người dân trong làng sẽ cùng nhau hứng nước rồi về nhà sử dụng, chuẩn bị cho ngày hội lớn tại nhà Rông. Trên gương mặt của mọi người hiện rõ sự phấn khởi, vui tươi, vì người dân nơi đây tin rằng Thần nước sẽ mang đến cho dân làng nguồn nước tinh khiết, giúp mọi người khỏe mạnh, mùa màng phát triển.
Sau phần làm lễ tại bến nước là đến phần hội ở nhà Rông của làng. Bài chiêng cúng giọt nước bắt đầu bằng những tiếng trầm hùng, hoang dại. Già làng dõi theo từng bước chân của học trò và nở nụ cười mãn nguyện. Âm thanh rộn rã của tiếng cồng chiêng vang lên khắp cả buôn làng. Già làng cùng đội cồng chiêng, múa xoang đi quanh nhà Rông để cảm ơn thần linh đã phù hộ cho dân làng có được một vụ mùa bội thu. Mọi người cũng cầu mong thần linh phù hộ cho một năm mới mưa thuận gió hòa và dân làng có sức khỏe để chăm sóc vụ mùa ngày một phát triển.
Dân làng tập trung quanh nhà Rông, bày ra đủ các loại món ăn như măng xào, thịt nướng, lá mì xào… và đặc biệt không thể thiếu rượu ghè. Hàng trăm ghè rượu trang trí bắt mắt đã được người dân bày ra trước nhà Rông như để cảm tạ Thần nước đã ban cho buôn làng nguồn nước quý giá. Trong niềm vui hân hoan, mọi người cùng nhau thưởng thức những ghè rượu, ca hát và tâm tình với nhau. Từ người già đến trẻ nhỏ đều hòa mình vào những điệu múa xoang, cùng với nhịp cồng chiêng đang vang lên giữa núi đồi tạo nên bầu không khí lễ hội tưng bừng, mang đậm bản sắc của người Rơ Ngao.
Già làng A Thui chia sẻ, trước đây theo phong tục của người Rơ Ngao là cắt tiết gà (tục hiến sinh) và đem rải quanh chỗ giọt nước. Nhưng việc làm này tạo nên sự mê tín dị đoan không đáng có. Vì vậy, cộng đồng làng đã thống nhất bỏ tục cắt tiết gà. Thay vào đó, người dân chỉ cần dọn dẹp thật sạch sẽ khu vực giọt nước và cúng các nông sản của làng là có một nguồn nước tươi mới, cây cối, mùa màng cũng từ đó phát triển hơn. Bên ché rượu cần, già A Thui tâm sự: “Trước đây, mỗi khi tổ chức Lễ Cúng bến nước, sẽ diễn ra trong 3 ngày. Tuy nhiên, hiện nay thực hiện lối sống mới, người dân vẫn vui trong 3 ngày nhưng mọi người giữ gìn vệ sinh, trật tự và đúng 18 giờ cả làng ra về, đến sớm mai tiếp tục quay trở lại vui hội”.
Đổi thay trong ngôi làng Rơ Ngao
Ngôi làng này trải qua biết bao thăng trầm và biến thiên của lịch sử nhưng còn bảo tồn nhiều giá trị văn hóa truyền thống, và trở thành làng du lịch cộng đồng đầu tiên ở Bắc Tây Nguyên. Đầu năm 2021, làng đã được chính quyền địa phương chọn xây dựng điểm đến du lịch cộng đồng, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Ba Na. Làng du lịch cộng đồng Kon Trang Long Loi nằm giữa những rẫy cà phê bạt ngàn trên cao nguyên, và ngôi làng này đến nay còn bảo tồn nhiều giá trị văn hóa truyền thống như cồng chiêng, múa xoang, các lễ hội truyền thống và một số nghề thủ công như làm rượu cần, dệt thổ cẩm, đan lát. Làng có 2 đội cồng chiêng, 2 đội xoang, 1 CLB dân gian với 51 thành viên.
Những năm trước đây, kinh tế của người dân trong làng chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, nên đời sống còn nhiều khó khăn. Trong thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, cơ sở hạ tầng thiết yếu, đời sống của người dân ở làng Kon Trang Long Loi phát triển hơn trước đây khá nhiều. Nhiều hộ dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế trang trại với hàng chục con trâu, lợn; có nhà gà, vịt đếm không xuể.
Cùng với đó, những lễ hội truyền thống của người Rơ Ngao được phục dựng lại như Lễ cúng giọt nước, Lễ mừng lúa mới, Lễ mừng nhà mới, Lễ thổi tai, Lễ trỉa lúa… đều được chính quyền địa phương và bà con trong làng lưu giữ, tổ chức thường xuyên. Các lễ hội này đều mang tính nguyên vẹn và chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống, thẩm mĩ nghệ thuật, tín ngưỡng, tôn giáo của người dân bản địa.
Ông Trần Anh Dũng, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Đăk Hà cho biết, thời gian tới, UBND huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai xây dựng làng Kon Trang Long Loi bảo đảm các tiêu chí nông thôn mới; phấn đấu đến năm 2025, tạo hình ảnh điểm đến, thương hiệu du lịch đặc trưng riêng; đến năm 2030, đạt điểm du lịch ấn tượng của huyện và là điểm du lịch được quan tâm nhất của tỉnh trong bình chọn của khách du lịch.