Kỉ niệm với nhà văn đồng hương Đỗ Chu
Văn hóa - Thể thao 20/03/2024 09:10
Vợ chồng nhà văn Đỗ Chu. |
Hồi bé, những năm 1947-1948, đầu kháng chiến chống Pháp, theo gia đình đi tản cư bên Quan Đình, Quan Độ, cũng trong một huyện cả, có điều ở lánh xa đường sắt, đường Một. Rồi dần dà cả nhà tôi kéo nhau đi xa hơn, vượt qua sông Cầu lên đất Hiệp Hoà, Bắc Giang. Từ làng tản cư ngó xa thấy núi. Tôi nhớ núi có tên là Mỏ Thổ thì phải, ngày nắng ráo trông rõ mồn một, thấy cả vệt đường ngoằn ngoèo có bóng người di động như đàn kiến bò - nghe bảo đấy là bà con bị bắt đi phu chở vật liệu lên xây đồn bốt cho địch. Được chỉ cho thấy tất cả núi Giạm, núi Voi. Đọc truyện của Đỗ Chu có chỗ nói đến núi Voi, gợi ngay cho tôi nhớ lại về cái thuở thơ ấu ấy của tôi. Và truyện của ông đã để lại cho tôi một ấn tượng khá sâu làm tôi nhớ từ đó. Thậm chí có đoạn văn của ông cứ luẩn quẩn mãi trong đầu tôi: “Ráng chiều tắt hẳn, những đám mây vàng trên đỉnh núi Voi loá rực lên lần chót rồi chìm trong bóng tối. Đêm phủ xuống im lặng, đầu tiên ấm áp rồi sau đó mát mẻ cho tới sớm mai”. Hay: “Gió từ trên đỉnh núi dịu dàng thổi xuống, những cây tre đực trên luỹ cọ vào nhau kêu ken két như có ai cầm mảnh sành ném vào đấy”. Nó gợi cho tôi lại nhớ đến cảnh tản cư khi xưa…
Sau này chuyển công tác về Nhà xuất bản Văn học, nơi ra cuốn sách thứ hai của Đỗ Chu, tập truyện “Phù sa”, vào năm 1967, tôi cũng chưa được gặp tác giả. Chỉ được các anh các chị đi thực tế có dịp đến đơn vị bộ đội ở Hàm Rồng, Thanh Hoá về kể lại để cho tôi tha hồ hình dung ra cho mình cái anh nhà văn trẻ - chàng bộ đội thư sinh Đỗ Chu. Qua nhiều trang viết của anh về quê hương anh, cũng là quê Kinh Bắc của tôi, nhà văn Đỗ Chu trở nên thân quen đối với tôi.
Và rồi đến khi nhà văn Đỗ Chu về học khoá viết văn Nguyễn Du của Hội Nhà văn, sau đó lại về hẳn công tác ở Hội, tôi mới có dịp gần ông. Tuy đồng hương Kinh Bắc, lại về mặt nào đấy cũng là đồng môn cùng trường Hàn Thuyên của Bắc Ninh, dù tôi hơn ông hẳn một lứa đến 6, 7 tuổi và học ở Hàn Thuyên có một năm trước đó, năm học 1949 - 1950, nhưng lúc này ông đã là nhà văn thành danh, đi lại thân tình với các nhà văn đàn anh, trong số đó có cả nhà văn Kim Lân, người cùng làng tôi; vì thế biết nhau, nhưng tôi không gần gụi với Đỗ Chu nhiều. Mãi đến khi cùng nhau có tuổi, người trước người sau về hưu, Đỗ Chu để râu, mái tóc và chòm râu lưa thưa lốm đốm bạc, mắt thường mang cặp kính trắng, tôi mới có dịp nhiều lần cùng ngồi chuyện trò với ông trong đám anh em của Hội.
Và đầu năm Quý Mão vừa qua, lần đầu tiên Đỗ Chu khoác tay tôi, anh em đi bên nhau chuyện trò. Bữa ấy tôi được rủ cùng về thăm Tết quê nhà văn Nguyễn Trí Huân, Tổng Biên tập báo Văn Nghệ. Hẹn tập trung ở trụ sở Báo, 17 Trần Quốc Toản. Lần đầu tiên được tham gia chuyến đi như thế này nên tôi đến sớm hơn giờ hẹn một chút. Một lúc sau Đỗ Chu xuất hiện. Tôi áo mũ cẩn thận, còn Đỗ Chu để đầu trần - vẫn mái đầu với chòm râu lưa thưa đốm bạc với cặp kinh trắng, có điều ông khoác áo bành tô dạ đen ấm áp. Không thấy có mấy ai, Đỗ Chu rủ tôi về bên trụ sở Hội, số 9 Nguyễn Đình Chiểu xem anh em biên tập tạp chí Thơ đã đến chưa, nhân thể ông cần lấy bài nhờ ở đó đánh máy giúp. Thì ra ông nhờ đánh máy mấy bài thơ mới làm.
Đỗ Chu viết văn - văn anh nổi tiếng, ai cũng biết, Đỗ Chu bắt đầu mê thư pháp, cho chữ Nho, nhiều người đã được anh cho chữ. Đỗ Chu vẽ tranh - tranh của ông tôi cũng đã thấy. Lâu nay Đỗ Chu sáng tác cả thơ. Thơ ông bắt đầu xuất hiện trên báo chí. Và bữa nay tranh thủ còn sớm ông rủ tôi đi lấy mấy bài thơ sáng tác nhờ đánh máy hộ. Khoác tay tôi đi bên nhau trên hè phố Bà Triệu, Đỗ Chu cao hứng vừa đi vừa thủ thỉ đọc cho tôi nghe thơ ông.
Ờ mà thơ Đỗ Chu có tứ đấy chứ! Ông tự khen, được đấy chứ! Rồi hồn nhiên đọc cho tôi nghe cả hai bài. Đến ngã năm Bà Triệu - Nguyễn Du, không hiểu sao anh bảo tôi quay lại. Thôi không đi nữa, không khéo ông em đến cả rồi. Mà quả có thế. Quay lại trụ sở Báo, bên phòng thường trực ở tầng một đã đầy xe máy đem theo gửi lại và lố nhố người. Thấy Đỗ Chu, mấy anh em tạp chí Thơ - nhà thơ Ngô Thế Oanh, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu kéo vào ngồi trong cái phòng nhỏ của thường trực… Thấy chồng báo mới để đó, Đỗ Chu phát hiện có báo đăng bài thơ mình, ông lấy một tờ và viết tặng ngay cho đại diện tạp chí Thơ thì phải.
Từ đấy cho đến khi lên xe và hình như suốt chuyến đi, nhà văn “lão thành” Đỗ Chu chỉ bàn đến thơ. Ông đọc lại cho người mới đến nghe thơ mình. Ông xin giấy mượn bút, chép lại hai bài thơ mới, kí tặng. Tôi có cảm giác Đỗ Chu trẻ lại, hồn nhiên như chàng, bô, đội, thư, sinh, nhà, văn, trẻ Đỗ Chu ngày nào với những truyện ngắn đầu tay rất ấn tượng, phần lớn gắn với mảnh đất quê hương Kinh Bắc. Đỗ Chu hiện lại tươi trẻ trong tưởng tượng của tôi ngày nào mặc dù bên cạnh tôi bây giờ trông ông còn đĩnh đạc hơn tôi - chòm râu lơ thơ, mái đầu húi ngắn đốm bạc với cặp kính lão lấp lánh.