Hồ Cửa Đạt - điểm đến hàng đầu của hành trình du Xuân xứ Thanh
Văn hóa - Thể thao 22/01/2020 09:14
Hồ Cửa Đạt là quần thể di tích nằm trên một dải đất cao, phía trước là núi Ngạn sông Chu. Hằng năm, vào đầu tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch, hàng vạn người dân và du khách lại hành hương về đền Cửa Đạt để dâng hương cầu lộc, cầu tài.
Du khách ghé thăm các ngôi đền tại hồ Cửa Đạt nhân dịp đầu Xuân |
Đền thờ Cầm Bá Thước và Bà Chúa Thượng Ngàn nằm trong quần thể Khu di tích lịch sử văn hóa Cửa Đạt. Theo sử sách, Danh nhân Cầm Bá Thước, sinh ra ở huyện Thường Xuân, một trong những người lãnh đạo Phong trào Cần Vương, hi sinh khi mới 37 tuổi. Còn theo truyền thuyết, Bà Chúa Thượng Ngàn, sinh vào thời nhà Trần, có công cứu nạn dân chúng nên được phong thánh. Tưởng nhớ công ơn của Danh nhân Cầm Bá Thước và Bà Chúa Thượng Ngàn, Nhân dân đã lập 2 ngôi đền ở đây để thờ phụng.
Ở hồ Cửa Đạt còn có Đền Thượng - nằm trên một quả đồi cao cạnh hồ chứa nước thờ những người thợ hi sinh trong những năm xây dựng công trình kì vĩ này. Không chỉ nổi tiếng với những ngôi đền thiêng, quần thể di tích Cửa Đạt còn có cảnh trí thiên nhiên hùng vĩ, sơn thủy hữu tình. Hồ Thủy điện Cửa Đạt là nơi du khách du thuyền ngắm cảnh, câu cá, thưởng thức những món ăn dân dã, hòa mình vào thiên nhiên kì thú, hùng vĩ và thanh bình.
Dọc lòng hồ là khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, được ví như Amazon của Việt Nam, bởi sự đa dạng và giá trị sinh thái cao, đặc trưng cho hai vùng sinh thái Tây Bắc và Bắc Trung Bộ, nơi có nhiều động, thực vật có tên trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới.
Đến với lễ hội Cửa Đạt, du khách sẽ hiểu thêm về tế lễ trong tín ngưỡng thờ thánh của người Thái huyện Thường Xuân, được cùng tham gia các sinh hoạt văn hóa khác như lễ rước quan Cầm Bá Thước, các trò chơi, trò diễn dân gian như: Múa sạp, tung còn, hát giao duyên, chơi đu, đánh khẳng,…
Khu Di tích lịch sử văn hóa Cửa Đạt vừa chứa đựng những giá trị lịch sử, vừa gắn liền với tín ngưỡng văn hóa dân gian bản địa và văn hóa tâm linh của người Việt. Đến lễ hội, du khách có thể mang về các sản vật của núi rừng, người dân nơi đây gọi đó là “lộc”, đơn sơ, mộc mạc, như: Cành quế, bó chè, nắm rau má, ống cơm lam... Cửa Đạt nổi tiếng thu hút hàng chục vạn lượt du khách tham quan dâng hương hằng năm.
Đến với thắng tích này, du khách được thưởng thức các món ăn dân dã như: Cơm lam, cá nướng, canh uôi, các loại chẻo, đồ chấm... được chế biến công phu từ các nguyên liệu tự nhiên sẵn có. Đặc biệt là các loại đặc sản, như: Cá mướn, cá sứt mũi, cá thiết lình, cá lăng, cá leo, lợn cỏ, gà đồi... Được thưởng thức các món ăn dân dã giàu bản sắc văn hóa của người Thái, người Mường, cũng như tình cảm nồng hậu của người dân nơi đây, khiến đi rồi vẫn mong được nhiều lần trở lại.
Để phát huy lợi thế sẵn có, huyện Thường Xuân đã và đang tích cực quan tâm đầu tư nhằm biến nơi đây trở thành những khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với du lịch tâm linh. Đề án phát triển du lịch huyện Thường Xuân giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025, tập trung xây dựng quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết phát triển du lịch trên địa bàn, xây dựng kế hoạch đầu tư các dự án cho từng thời kì. Huyện cũng xây dựng cơ chế khuyến khích, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch với mục tiêu bền vững. Từ đó khai thác, sử dụng hiệu quả các tiềm năng du lịch hiện có gắn với bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện,