Giếng làng lưu giữ hồn quê
Nhịp sống văn hóa 01/09/2020 09:01
Với quan niệm, giếng làng không chỉ là nơi cung cấp nguồn nước sạch phục vụ đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư, mà còn là nguồn tụ “thủy-phúc” của cả làng nên khi xây dựng hương ước, làng có quy định: Phải coi trọng và bảo vệ giếng làng. Hầu hết các giếng cổ ngày xưa thường có tên gắn với di tích như giếng Ngọc, giếng Rồng hoặc gắn với tên làng, xóm, giếng Đình, giếng Miếu, giếng Đồng, giếng Cồn. Hiện nay, nhiều làng quê Việt Nam vẫn lưu giữ được những giếng cổ như giếng đất, giếng đá, giếng thùng, giếng tròn, giếng bán nguyệt.
Giếng Đá sau trận mưa, nước dâng lên cao ngập cả bậc lên xuống |
Tỉnh Nam Định hiện nay có khoảng trên 500 giếng làng. Huyện Nam Trực còn lưu giữ được 25 giếng cổ. Giếng Đá làng tôi (thôn Vân Chàng, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực) cũng có tên trong danh sách đó.
Giếng Đá nằm ở giữa làng rất hài hòa trong tổng thể cảnh quan kiến trúc của một làng rèn truyền thống gắn với nghề nông. Theo các cụ cao niên truyền lại, cách đây khoảng 80 năm, ông Hàn Nhai người trưởng thành từ nghề đúc đồng quê tôi lên Hà Nội làm ăn phát đạt về công đức làm giếng. Đầu tiên là giếng đất, sau đó mới làm bằng đá. Giếng hình tròn, đường kính 4,5 mét, sâu 6,3 mét, thành giếng được ghép bằng đá, có 2 lối lên xuống, mỗi lối gồm 5 bậc để người dân ra đây gánh nước cho thuận tiện. Ngày ấy chưa có những cái giếng tư, giếng Đá là nơi duy nhất cung cấp nước sạch cho người làng tôi. Sáng sớm hoặc chiều muộn người dân xếp hàng để gánh nước. Những thôn nữ tóc đuôi sam vừa đi vừa nhún nhảy làm cho hai thùng nước sóng sánh, để lại ấn tượng với nhiều chàng trai trong và ngoài làng.
Giếng Đá còn là nơi sinh hoạt quen thuộc của các bà nội trợ. Nơi ấy là điểm dừng chân, chuyện trò thân ái của những nông dân sau khi uống ngụm nước trong lành múc từ giếng lên. Những nông phu đi cày bừa, cấy hái hay những chàng trai gánh đôi bó lúa vàng trĩu hạt về làng trong mùa gặt gặp nhau nơi giếng Đá nở nụ cười thay cho lời chào hỏi làm bao mệt nhọc tan biến hết. Nên thơ hơn, giếng làng còn là nơi hò hẹn và nảy sinh mối tình quê chân chất của những đôi trai gái làng trên xóm dưới.
Cũng như nhiều giếng làng khác của vùng đồng bằng Bắc Bộ, vào những năm 90 thế kỉ trước, nhà nhà khoan giếng riêng thì hình ảnh người người đứng xếp hàng quanh bờ giếng đợi gánh nước không còn nữa. Hiện nay, nhà nào cũng dùng nước máy, nước sạch, nhưng với tâm niệm, giếng làng là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa của thôn làng nên trong quá trình xây dựng nông thôn mới, giếng làng được người dân địa phương cùng với con em đi xa đóng góp khôi phục, sửa chữa, chỉnh trang đẹp đẽ khiến làng quê vừa tươi mát vừa mộc mạc, cổ kính.