Đại Lai - Làng giàu bản sắc văn hóa
Văn hóa - Thể thao 15/11/2023 15:05
Tôi đã đi nhiều nơi, nhưng chưa thấy nơi nào có ngôi nghè đẹp như nghè làng Đại Lai. Nghè thờ nhị vị phu nhân của Lữ Gia đức thành hoàng làng, tể tướng ba đời nhà Triệu Việt là Thiệu Hoa công chúa và Ngọc Hoa công chúa từ trước Công nguyên.
Lệ làng mùng 7/1 âm lịch là ngày sinh đức thánh. Ngoài ngày 12/10 là lệ dâng cơm mới thì ngày 7/1 là ngày đại hỉ, cả làng ra đình dâng lễ, tổ chức mời những người độ tuổi được chúc thọ 60, 65, 70, 75,... cho tới thượng cụ từ cao xuống thấp. Tuổi 80 trở lên quần áo mũ đỏ, dưới 80 là khăn đen áo nương đen lần lượt được mời vào làm lễ thánh sau là kết nạp hội viên mới. Tục lệ ngày 7/1, vào tuổi 49, đàn ông trong làng ra đình dâng lễ được kết nạp vào hương lão, đàn bà ra chùa làm lễ quy y. Cụ ông cao tuổi nhất làng gọi là cụ nhất, cao tuổi thứ hai gọi là cụ nhì. Ở đình có chiếu bàn nhất ba cụ, bàn nhì bốn cụ quan viên 5 người một chiếu, thụ lộc cũng vậy. Nay các cụ duy trì bàn nhất, bàn nhì nhưng ngồi chung cả, phần cũng chia đều không phân biệt như trước nữa.
Đền Lệ Chi Viên trong Khu di tích Lệ Chi Viên, xã Đại Lai. |
Việc chúc mừng thọ ngày 7/1, ở đình làng giờ đã sửa đổi, mời cả cụ ông, cụ bà ra đình để làng chúc mừng thọ, khiến cho ngày mùng 7/1 càng sôi động hơn, bởi không chỉ NCT ra đình làm lễ, mà các con cháu đi theo để rước lễ, phụ giúp nên rất đông vui.
Nghi thức chúc thọ đơn giản nhưng tinh thần thì rất thiêng liêng, vì tuổi đồng niên phải đúng và chính xác, họ được cha mẹ nhận nhau từ bé, lớn lên có thể có ai đó xa quê, định cư ở đâu đó nhưng hằng năm họ vẫn liên hệ mật thiết như anh em. Còn tuổi công tác, tuổi theo căn cước công dân có thể thay đổi nhưng về làng tuổi nào vẫn vào tuổi ấy, không khi nào sai lệch. Đã có người mang căn cước công dân ra để so tuổi, song ở quê, sự thật ghi vào tâm khảm không cần giấy tờ. Vì thế, hội hương lão làng Đại Lai, nay thuộc Chi hội NCT thôn quản lí, có số lượng thành viên luôn chiếm khoảng 1/4 dân số, làng có 2.400 nhân khẩu thì có 800 thành viên hương lão.
Làng Đại Lai có nhiều sự lệ trong năm. Mùng 7/1 và 12/10 ở đình; mồng 10/1, ở nghè; 16/8, ở Lệ Chi Viên và 23/11, giỗ sư tổ ở chùa.
Làng nằm ở chân núi Thiên Thai, bên bờ sông Thiên Đức, khoảng trung độ giữa Kinh đô Thăng Long và đền Kiếp Bạc, nên vua Lý Thái Tổ đã chọn làng để đặt Hành Cung, tức trạm nghỉ để mỗi khi triều đình kinh lí vùng Đông Bắc. Hành cung tồn tại từ năm 1010 đến năm 1442, qua 3 triều đại nhà Lý, nhà Trần và nhà Tiền Lê đến khi vua Lê Thái Tông bị chết ở đây, ba họ Nguyễn Trãi bị chết oan.
Nghè làng Đại Lai rất xứng đáng là di tích được xếp hạng. Trong kháng chiến chống Pháp, một số bị thiêu hủy, một số bị thất lạc, nay rất cần được thu thập và sưu tầm. Điều này cần có sự vào cuộc của lãnh đạo thôn và chính quyền xã. Mong các nhà quản lí văn hóa của huyện, tỉnh quan tâm vấn đề này.