Đại đoàn kết - Sức mạnh vĩ đại của dân tộc Việt Nam
Nghiên cứu - Trao đổi 18/11/2024 09:58
Sức mạnh vĩ đại của tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề đoàn kết toàn dân tộc. Đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh là đại đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, giai cấp, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi vùng của đất nước, đoàn kết mọi thành viên trong đại gia đình dân tộc Việt Nam dù sống trong nước hay định cư ở nước ngoài thành một khối vững chắc trên cơ sở thống nhất về mục tiêu chung và những lợi ích căn bản.
Tư tưởng đoàn kết, đại đoàn kết toàn dân tộc giữ vị trí đặc biệt quan trọng, nhất quán và xuyên suốt trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Dù trong thời kì nào, hoàn cảnh nào Đảng ta vẫn luôn xác định, đoàn kết là giá trị cốt lõi, đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam, có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trải qua các thời kì cách mạng, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện, phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc liên khu dân cư các bản thuộc xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. |
Trong những năm gần đây, Đảng và Chính phủ đã không ngừng nỗ lực thúc đẩy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, một trong những cột trụ cơ bản của chính sách quốc gia. Điều này thể hiện qua việc hoàn thành hàng nghìn căn nhà Đại đoàn kết, không chỉ cung cấp nơi ở cho người nghèo mà còn là biểu tượng của sự đoàn kết và tình thương đồng bào. Cùng với đó, những chính sách dân tộc được thực hiện, giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, được khám chữa bệnh và cấp phát thuốc. Tinh thần đại đoàn kết ấy được thể hiện bằng những khoản tiền dù ít dù nhiều ủng hộ tới đồng bào bị thiên tai khắp các miền Nam Bắc, những chuyến xe chở đầy hàng hóa hỗ trợ bà con vùng lũ lụt qua cơn hoạn nạn, hay những chuyến hàng “0 đồng” được đưa lên các vùng cao, biên giới.
Đại đoàn kết dân tộc nâng cao sức mạnh Việt Nam
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) đã đúc kết một trong những bài học lớn của cách mạng Việt Nam là: “Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Đó là truyền thống quý báu và là nguồn sức mạnh to lớn của cách mạng nước ta”.
Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII đã tổng kết, đánh giá khách quan, khoa học về những kết quả, thành tích đạt được cùng những hạn chế, khuyết điểm và bài học kinh nghiệm sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Hội nghị Trung ương 7 khóa IX, “Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Đảng sử dụng cụm từ “Đại đoàn kết toàn dân tộc” thay cho cụm từ “Đại đoàn kết toàn dân”, “Đại đoàn kết toàn dân tộc” với ý nghĩa mở rộng đại đoàn kết... Đây là một bước phát triển mới về tư duy đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng, gắn bó đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và đồng bào ta định cư ở nước ngoài; xóa bỏ mọi mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần giai cấp; tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích của dân tộc. Sự đoàn kết của dân tộc còn được thể hiện qua việc bảo đảm quyền lợi cho mọi tầng lớp xã hội, từ đô thị đến nông thôn, từ các dân tộc thiểu số đến đa số. Đảng, Nhà nước đã và đang nỗ lực không ngừng nhằm xóa bỏ mọi rào cản, tạo điều kiện để mỗi công dân có thể phát huy tối đa tiềm năng của mình, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là ngọn cờ đầu trong việc thực hiện sự đoàn kết, thống nhất trong toàn dân đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức trong hệ thống chính trị tuyên truyền, vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp Nhân dân, tạo sự thống nhất và đồng thuận trong xã hội, triển khai sâu rộng và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân, phát huy tinh thần thi đua sáng tạo và huy động các nguồn lực trong xã hội, tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Từ nhiều năm nay, việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân ở các khu dân cư đã trở thành nét đẹp truyền thống, nhằm xây dựng, củng cố, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Ngày hội cũng là dịp để phát huy tình đoàn kết, nghĩa đồng bào, tinh thần “nhường cơm, sẻ áo”, sẻ chia, giúp đỡ những gia đình hoàn cảnh khó khăn. Với ý nghĩa nhân văn đó, Nhân dân ở cộng đồng dân cư, các tổ chức tôn giáo, đồng bào các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ người nghèo và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội... Những hoạt động này đã trở thành nguồn động lực to lớn, là sức mạnh nội sinh khơi dậy niềm tin của Nhân dân và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết ở mỗi khu dân cư trên cả nước.
Những kết quả đạt được trong việc tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, góp phần nâng tầm uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đời sống Nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đây là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước. Bước vào giai đoạn phát triển mới, với diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và quốc tế, lại càng cho thấy đại đoàn kết toàn dân tộc là yếu tố quan trọng bậc nhất, là cội nguồn sức mạnh để đất nước chúng ta vững bước tiến lên.