Tư tưởng đoàn kết quân dân - một di sản quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nghiên cứu - Trao đổi 05/11/2024 10:08
Còn nhớ, trước ngày thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, trong một lần trò chuyện với đồng chí Võ Nguyên Giáp, ở Pác Bó, Cao Bằng, Bác phác thảo ra những nét chính về Đội Việt Nam giải phóng quân, từ tổ chức đến phương châm hành động và vấn đề cung cấp lương thực, đạn dược... Khi trò chuyện, Bác nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng: “Phải biết dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không thể nào tiêu diệt được”. Đó chính là nền tảng ban đầu cho vấn đề đoàn kết quân-dân.
Ảnh minh hoạ |
Ngay trong chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Bác cũng nêu rõ: “Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân, cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân”. Những ngày đầu thành lập, những người đứng đầu Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân hỏi Bác: Đội tuyên truyền hoạt động theo kế hoạch của liên tỉnh, khi tới địa phương thì quan hệ thế nào? Bác nói: “Thống nhất chỉ đạo cả chủ lực và địa phương. Ba lực lượng ấy đoàn kết phối hợp chặt chẽ với nhau ...”. Đó cũng chính là phương châm mà chúng ta đã thực hiện trong suốt các cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ của toàn dân và hiệu lực của nó là vô cùng hiệu quả. Trong hồi kí “Một lòng theo Bác”, Thượng tướng Chu Văn Tấn viết: Bác căn dặn rằng: “Cán bộ không được tự kiêu, tự mãn như ông tướng, mà phải khiêm tốn... Phải lấy dân làm gốc như cá dựa vào nước, tùy theo lực của quần chúng mà nâng dần lên; phải gương mẫu, chịu hi sinh gian khổ, đi đầu trong mọi khó khăn...”. Phải lấy dân làm gốc, như cá dựa vào nước... Lời của Bác thật chí tình, chí lí. Những ngày đầu trứng nước, bộ đội về Bắc Sơn, Vũ Nhai đánh giặc, tới Đông-ngàn, thấy quần chúng đông nghịt như hội, người si, người lượn... hỏi ra thì biết, Nhân dân tổ chức si lượn để che mắt địch, đón bộ đội. Bộ đội phấn khởi hòa vào dòng người, tình quân-dân thắm thiết đến nhường nào.
Trong điều kiện hiện nay của đất nước ta, quân đội vẫn luôn là “mục tiêu đánh phá” của mọi thế lực thù địch, trong đó mối quan hệ quân-dân được chúng coi là mục tiêu lợi hại nhất. Chúng luôn tìm cách xuyên tạc, bóp méo sự thật, tìm cách tách quân đội ra khỏi Đảng, đối lập quân đội với Nhân dân. Bởi vậy, việc một lần nữa chúng ta nhắc lại tư tưởng của Bác về vấn đề đoàn kết quân dân cũng là điều vô cùng cần thiết và quan trọng. Để thực hiện tốt tư tưởng trên của Người và không ngừng tăng cường, cũng cố, phát triển mối quan hệ máu thịt này, cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta đang ra sức thi đua và thực hiện tốt những vấn đề lớn theo tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quân dân như: Thường xuyên thấm nhuần quan điểm: “Nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội”. Quan điểm này đã được Người khẳng định: “Quân đội ta là quân đội Nhân dân, do Nhân dân đẻ ra, vì Nhân dân mà chiến đấu” (Hồ Chí Minh toàn tập. T5). Người luôn nhắc nhở, giáo dục cán bộ, chiến sĩ phải hiểu rõ: Nhân dân là nền tảng, là gốc rễ sinh ra quân đội. Muốn quân đội vững mạnh thì phải dựa vào cái gốc, cái nền tảng ấy: Gốc có vững cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân. Người cũng khẳng định: “Dân như nước, quân như cá. Phải làm cho dân hết sức giúp đỡ mình thì mình mới đánh thắng giặc” (Hồ Chí Minh toàn tập. T6). Nhân dịp kỉ niệm Quốc khánh lần thứ 2, Bác đã có thư gửi đồng bào, chiến sĩ và nêu rõ: “... Chúng gây nên chiến tranh,... muốn chia rẽ dân ta... Trước sự xâm lược dã man đó, Chính phủ, quân đội và Nhân dân ta, đã đoàn kết thành một bức tường đồng, kiên quyết giữ gìn Tổ quốc, nhờ tinh thần đoàn kết, chí khí quật cường đó, mà hai năm kháng chiến... lực lượng của địch ngày càng hao mòn, ta thì càng đánh càng hăng, càng mạnh... Hãy tin tưởng vào vận mệnh vẻ vang của Tổ quốc, tin tưởng vào sức đoàn kết, chiến đấu của ta... Tướng sĩ trước mặt trận, đồng bào ở hậu phương, ai nấy đều phải đoàn kết chặt chẽ... thì cuộc trường kì kháng chiến của ta nhất định thành công” Hồ Chí Minh toàn tập, T4).
Bác Hồ cũng đã từng dạy: Bộ đội phải ... “Hiếu với dân”. Tinh thần này Bác luôn nhắc đến trong các cuộc nói chuyện với bộ đội. Bác đã từng trao lá cờ cho cán bộ, chiến sĩ ta lá cờ có dòng chữ vàng: Trung với nước, hiếu với dân. Bác dạy: “Mình đánh giặc là vì dân, nhưng mình không phải là “cứu tinh” của dân mà mình phải có trách nhiệm phụng sự Nhân dân” (Hồ Chí Minh toàn tập- T6). Do đó, dù ở cương vị nào, môi trường nào, mình cũng phải là người đầy tớ của Nhân dân. Chính vì thế, mà cán bộ, chiến sĩ “Phải biết tôn trọng Nhân dân”. Không phải chỉ là chào hỏi lễ phép mà còn không được phung phí nhân lực, vật lực của dân, tránh điều gì có hại cho đời sống của dân. “Phải giúp đỡ Nhân dân bất kì việc to, việc nhỏ”... Đó là điều “Thương dân, trọng dân, tốt với dân”. Có vậy mới gắn bó chặt chẽ được với Nhân dân, mới được dân tin, dân phục, dân yêu. Bác cũng đã từng dạy: “Không được động đến một cái kim, sợi chỉ của dân... phải giữ gìn nhà, vườn của dân sạch sẽ, nói năng lễ phép, kính già yêu trẻ...” (Hồ Chí Minh toàn tập, T5)...
Quán triệt, thấm nhuần và tiếp thu tư tưởng đoàn kết quân dân của Hồ Chủ tịch, hàng chục năm qua, những thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân ta đã kế tiếp chăm lo xây dựng, giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp đoàn kết quân dân. Trong thời chiến cũng như trong thời bình, mối quan hệ quân dân cá nước, đoàn kết gắn bó keo sơn đó đã phát huy được sức mạnh hiệu quả.