Bác Hồ trên quê hương Lê-nin, tìm đường cứu nước
Nghiên cứu - Trao đổi 05/11/2024 10:26
Đây không phải lần đầu, mà từ 30/6/1923, Người đã có mặt ở nước Nga Xô viết. Bác từng tâm sự với bạn bè quốc tế: “Tôi sang Paris từ trước cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, lúc mà đất nước chúng tôi còn dưới ách thống trị của thực dân Pháp; với ý nghĩ làm sao góp phần vào giải phóng Tổ quốc mình, tự do cho các dân tộc bị áp bức. Hồi đó, tôi vẫn chưa được đọc Lênin, hiểu biết rất ít khi Cách mạng Tháng Mười; những linh cảm được ý nghĩa vĩ đại của các sự kiện xảy ra ở nước Nga.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam vào Lăng viếng lãnh tụ Lênin trong dịp Đoàn sang dự lễ kỉ niệm 40 năm Cách mạng tháng Mười Nga, năm 1957. Ảnh tư liệu |
Vào những năm 1919-1920, trong Đảng xã hội Pháp, người ta tranh luận sôi nổi các vấn đề: Ở lại quốc tế thứ II hay gia nhập quốc tế thứ III? Thậm chí có người còn đề nghị thành lập Quốc tế II rưỡi. Tôi mới vào Đảng Xã hội Pháp, không dễ dàng hiểu được các cuộc tranh cãi. Vả lại, trong các cuộc đó, vấn đề số phận của các dân tộc thuộc địa bị lảng tránh, song đó lại là vấn đề mà tôi quan tâm nhất. Do vậy, tôi chỉ hỏi: “Thế quốc tế nào bảo vệ dân tộc thuộc địa?” - “Quốc tế III”. Các đồng chí trả lời thế và đưa tôi đọc tác phẩm “Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin”, đăng trên báo L’Humanité.
Bản luận cương làm tôi cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng vui sướng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong phòng mà tôi reo to, như đang nói trước quần chúng đồng bào: “Hỡi đồng bào bị đọa đày, đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta! Đây là con đường giải phóng chúng ta. Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin và tán thành quốc tế III!”.
Tự tin yêu Lênin qua “Luận cương các vấn đề dân tộc và thuộc địa”, Bác Hồ càng tin yêu nước Nga, hiểu sâu sắc hơn về Cách mạng Tháng Mười, do Lênin lãnh đạo. Sức hút của quê hương cách mạng ngày càng lớn; đến giữa năm 1923, giữa nghìn trùng xa cách và hiểm nguy, Người quyết định rời Paris sang Mátxcơva.
Thời ấy, đi nửa vòng trái đất không dễ dàng, Bác lại có nhiều kẻ thù dòm ngó, theo dõi. Được sự giúp đỡ của công nhân ngành đường sắt Pháp, người thực hiện kế hoạch bí mật: Sáng vẫn đi làm, sau ăn cơm trưa vào thư viện quốc gia, tối đến thỉnh thoảng đi xem phim. Nếp sống này kéo dài khá lâu; làm cho hai tên mật thám lơ là việc theo dõi. Tới một tối, Bác đi tay không ra khỏi nhà đến rạp chiếu bóng mua vé vào cửa xem phim. Ngay sau đó, Người đi về ga xe lửa. Tại đây, một đồng chí công nhân đưa Bác lên ngồi hạng nhất như khách du lịch giàu có.
Tàu đến Berlin, các đồng chí Đức đón Người lên tàu thủy Xô viết chạy tới thành phố Leningrad. Song ước mơ của Bác mong gặp Lênin không thành, vì lãnh tụ đang ốm nặng, nằm ở Gorki; chỉ sau đó được đến viếng linh cữu Người như đã nói.
Ở Mátxcơva, Bác Hồ đã gặp những người làm nên Cách mạng Tháng Mười; đã kết bạn với nhiều chiến sĩ Cộng sản của các nước thuộc địa, vào học ở Trường Đại học Cộng sản chủ nghĩa phương Đông và Trường Quốc tế Lênin; làm việc với Ban phương Đông thuộc Ban chấp hành quốc tế Cộng sản; để từ đó, Người trở về lãnh đạo đất nước ta đi theo con đường của Lênin, của Cách mạng Tháng Mười vĩ đại.