Ba người thầy góp phần hun đúc hoài bão vĩ đại của Bác Hồ
Nghiên cứu - Trao đổi 13/11/2024 08:39
Thầy Nguyễn Sinh Sắc
Nguyễn Sinh Sắc, sinh năm 1862, tại làng Kim Liên, nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm 1883, ông lấy bà Hoàng Thị Loan (1868-1901) và lần lượt hạ sinh 4 người con: Nguyễn Thị Thanh (1884-1954), Nguyễn Sinh Khiêm (1888-1950), Nguyễn Sinh Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh) và Nguyễn Sinh Xin (1900-1901).
Năm 1886, cụ Hoàng Xuân Đường (1835-1893) đã giới thiệu con rể Nguyễn Sinh Sắc tới học với thầy Nguyễn Thức Tự (1841-1923). Thầy Tự không chỉ dạy học trò kiến thức mà còn dạy học trò về lòng yêu nước thương dân. Bên cạnh tham gia nghĩa quân Phan Đình Phùng cho đến ngày nghĩa quân bị thực dân Pháp đàn áp, ông đã theo nghề nhà giáo 39 năm cho đến khi mất. Ông có những tác phẩm như “Đông Khê niêm luật phú”, “Đông Khê thư tập”, “Đông Khê thi tập” để khuyên răn con người sống có hiếu, có tâm, có đức tin, vượt qua cay đắng đói nghèo, xây nên sự nghiệp. Ông cũng đã dạy trên 400 học trò, trong đó nổi lên cả một thế hệ nhân tài của đất nước từ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Nổi bật nhất là Phan Bội Châu (1867-1940), Nguyễn Sinh Sắc, Đặng Thái Thân (1873-1910), Ngô Đức Kế (1878-1929)... Khi ông mất, Phan Bội Châu đã viết bài điếu gửi về kính viếng thầy, có đoạn trích: “Đạo thông thiên địa/ Học bác cổ kim/ Kinh sử dĩ đắc/ Nhân sự nan tầm” (Dịch nghĩa: “Đạo thông trời đất/ Học rộng xưa, nay/ Thầy dạy chữ, dễ gặp/ Thầy dạy làm người, khó tìm”).
Tượng Nguyễn Tất Thành và cụ Nguyễn Sinh Sắc ở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. |
Năm 1894, Nguyễn Sinh Sắc đỗ Cử nhân. Năm 1898, ông về làng Dương Nỗ, TP Huế mở lớp dạy học. Trong lớp học, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được ông dạy cho chữ nghĩa, đạo đức, lối sống. Bởi như trong sách “Ấu học ngũ ngôn thi” đã chỉ ra rằng: “Di từ kim mãn doanh hà như giáo nhất kinh” (Dịch nghĩa: “Để cho con hòm vàng đầy, không bằng dạy con một quyển sách”).
Năm 1901, Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó bảng. Tài nghị luận của ông thể hiện trong văn quyển rất xuất sắc, nhưng ông vẫn có ý phê phán triều đình thiếu chăm lo cho dân nên triều đình chỉ cho ông đậu học vị Phó bảng. Ông nhận ra: “Quan trường thị nô lệ, trung chi nô lệ, hựu nô lệ” (Dịch nghĩa: Quan trường là nô lệ trong đám người nô lệ lại càng nô lệ hơn). Với lí do bị bệnh và để tang vợ, ông từ chối làm quan và ở nhà dạy học để có cơ hội giao lưu với các sĩ phu yêu nước.
Trả lời nhà báo Mỹ Anna Louise Strong (năm 1965), Bác Hồ nhớ lại: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”.
Khi làm tri huyện Bình Khê (Bình Định), Nguyễn Sinh Sắc xử hòa tất cả những vụ kiện nông dân với nhau. Ông nói: “Nước mất không lo, lo giành nhau cái bờ ruộng”. Với các tù chính trị, ông đều cho thả tự do. Khi quan trên thúc thuế còn thiếu, ông trả lời dân quá nghèo không có tiền để nộp. Khi Pháp bắt đi phu, ông trình công văn nói dân đói quá không còn sức mà đi phu. Ông thường bỏ huyện đường đi thăm dân và không xét xử các vụ kiện cáo, tranh chấp của bọn cường hào, ác bá địa phương.
Tháng 5/1909, trong thời gian Nguyễn Sinh Sắc làm quan Tri huyện Bình Khê, Bác đã đến thăm. Khi thấy con trai đến, ông đã khuyên con nên tìm cách cứu nước cứu dân. Nghe lời cha, trong thời gian ở Bình Định, Người đã học thêm tiếng Pháp và văn hóa tại nhà thầy Phạm Ngọc Thọ (1884-1922) để chuẩn bị xuất dương sang Pháp tìm đường cứu nước.
Khoảng tháng 8/1910, Bác rời Bình Định vào Bình Thuận. Người cầm thư giới thiệu của cha và được nhận vào dạy tại Trường Dục Thanh. Tại ngôi trường này, Người đã hun đúc tinh thần yêu nước cho các học trò của mình.
Sau cuộc gặp với con không lâu, Nguyễn Sinh Sắc bị giáng 4 cấp và bị chuyển đi xa, vì cụ đã đánh tên Tạ Đức Quang, địa chủ tay sai cho Pháp và 2 tháng sau thì hắn chết. Nhưng ông quyết từ bỏ quan trường và vào Nam sống bằng nghề bốc thuốc, dạy học và gặp gỡ những người yêu nước.
Năm 1926, gặp đồng chí Lê Mạnh Trinh (1896-1983) ở Sài Gòn đang chuẩn bị lên đường sang Quảng Châu (Trung Quốc) tham dự lớp học của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Bác thành lập năm 1925, Nguyễn Sinh Sắc đã nhờ nhắn cho con trai rằng: “Cháu gặp thì nói bác vẫn khỏe, đừng lo, cứ cố gắng làm việc, trung với nước tức là hiếu với bác”.
Thầy Vương Thúc Qúy
Năm 1901, Bác được cha là Nguyễn Sinh Sắc cho theo học với thầy Vương Thúc Quý tại quê nội ở làng Kim Liên. Vương Thúc Quý là con trai của Vương Thúc Mậu (1822-1886), một thủ lĩnh phong trào Cần Vương. Vương Thúc Mậu đã chống Pháp đến hơi thở cuối cùng.
Vương Thúc Quý cũng có quê ở làng Kim Liên, từng tham gia Đội sĩ tử Cần Vương. Ông đã cùng với vài chục người khác được sự chỉ huy của Phan Bội Châu, định làm một cuộc bạo động đánh chiếm thành Nghệ An vào ngày 14/7/1901, tức dịp Quốc khánh nước Pháp. Nhưng do có người mật báo với thực dân Pháp nên kế hoạch bị bại lộ. Đào Tấn (1845-1907), Tổng đốc Nghệ An lúc đó đã che chở cho ông thoát nạn.
Với vai trò người thầy, Vương Thúc Quý đã dạy cho Bác tư tưởng yêu nước, thương dân và chí làm trai phải giúp ích cho đời. Nhà ông cũng là nơi các sĩ phu yêu nước thường lui tới, trong đó có các ông Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân,… Nhờ đó Người được nghe nhiều chuyện qua các buổi luận bàn thời cuộc của các sĩ phu yêu nước.
Thầy Lê Văn Miến
Năm 1906, để cho các con có thể tiếp cận nền tân học để thể thực hiện con đường cứu nước cứu dân sau này, Nguyễn Sinh Sắc chấp nhận nhậm chức Thừa biện Bộ lễ. Theo cha vào Huế, Bác được học ở Trường Pháp - Việt Đông Ba và Trường Quốc học Huế để có thể tìm trong đó những tư tưởng tiến bộ.
Tại Trường Quốc học Huế, Bác học thầy Lê Văn Miến, quê ở làng Ông La, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Khi còn học ở Trường thuộc địa ở Paris (1888-1892), viên Tổng trưởng Bộ Pháp quốc hải ngoại đến thăm trường đã hỏi Lê Văn Miến: “Anh có yêu nước Pháp không?”. Ông đã trả lời: “Với văn hóa Pháp, tôi rất thích, còn việc người Pháp đi xâm lược nước khác, tôi không chịu”. Sau đó, ông tiếp tục học Trường Cao đẳng Mĩ thuật Paris (1892-1895).
Về nước, Lê Văn Miến không chịu làm quan cho Pháp mà đi dạy. Từ năm 1907 đến 1913, ông làm giáo viên dạy Pháp văn và mĩ thuật ở Trường Quốc học Huế.
Trong một dịp Lê Văn Miến vào cung vẽ chân dung cho vị vua yêu nước Thành Thái (1879-1954) và do nhà vua yêu cầu, ông đã vẽ cho vua một bản sơ đồ làm súng trường để phục vụ việc làm vũ khí chống Pháp.
Giáo sư Lê Thước (1891-1975), một học trò của thầy Miến nhớ lại: “Cụ Miến không chỉ dạy chữ, dạy bài học về lòng yêu nước, về nghĩa khí của một kẻ sĩ, mà cụ Miến còn là tấm gương cho bao thế hệ học trò trong việc hình thành nhân cách của họ”.
Ngày Bác Hồ rời Trường Quốc học Huế đi vào Nam tìm đường cứu nước, nhà văn Sơn Tùng (1928-2021) miêu tả trong tác phẩm “Búp sen xanh”, thầy Miến đến chia sẻ tâm sự với người học trò yêu quý: “Con hãy đi theo tiếng gọi của lòng con”.