Vinh quang sự nghiệp “Trồng người”
Nghiên cứu - Trao đổi 11/11/2024 09:56
Bác Hồ đánh giá rất cao vai trò của người thầy. Người khẳng định: “Có gì vẻ vang hơn là đào tạo thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”. Cho nên, người thầy phải đáp ứng yêu cầu cao của xã hội về nhân cách; là tấm gương mẫu mực để mọi người, nhất là học trò noi theo; sự gương mẫu của người thầy không chỉ ở trường học mà còn ở trong gia đình và xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm một làng xóa mù chữ. |
Ở Việt Nam có nhiều bậc thầy cao quý như: Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Võ Trường Toản, Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Dương Quảng Hàm, Đặng Thai Mai, Nguyễn Lân, Tạ Quang Bửu,... những bậc thầy này đã làm rạng danh đất nước ta, dân tộc ta.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Nhân dân ta giành thắng lợi chính vì phát huy được truyền thống dân tộc và lời dạy của Bác Hồ. Hệ thống giáo dục Việt Nam đã đóng góp hết sức to lớn vào sự nghiệp giáo dục, trong đó có sự đóng góp đáng kể của nhà trường và các thầy cô giáo. Thầy cô không ngại gian nan, vất vả ngày đêm chuẩn bị bài, đến trường dạy học, phát huy thêm lòng yêu nước của học sinh để lớp lớp thanh niên rời ghế nhà trường lên đường chiến đấu với lòng dũng cảm.
Trong đổi mới đất nước, giáo dục và đào tạo được Ðảng, Nhà nước ta khẳng định là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập; nêu cao khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, khơi dậy cống hiến của tuổi trẻ, học sinh sinh viên đem trí tuệ, tài năng, nhiệt huyết của mình vào sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Với sự nghiệp cao cả ấy, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục có vai trò quyết định đến chất lượng đào tạo; đồng thời nhân cách, phẩm chất đạo đức và lí tưởng của đội ngũ thầy, cô giáo còn có ảnh hưởng to lớn và trực tiếp đến sản phẩm mà họ đào tạo ra, đó chính là những công dân tương lai của đất nước. Từ trách nhiệm cao cả và thật phấn khởi, đến nay nước ta đã có một đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí vững mạnh với hơn triệu triệu người, có phẩm chất đạo đức và ý thức chính trị tốt, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng vào mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
Xã hội ngày càng thấy rõ hơn, sâu sắc hơn những tấm gương thầy, cô giáo tận tụy với nghề, miệt mài sáng tạo để việc dạy và học hiệu quả hơn, để các em học sinh sinh viên trở thành công dân tốt. Đã có hàng chục nghìn nhà giáo tâm huyết, tận tụy với nghề đã phải vượt qua nhiều khó khăn, bám trường, bám lớp, đem cái chữ, ánh sáng cuộc đời cho học sinh sinh viên người dân tộc thiểu số, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều thầy, cô giáo đã dồn hết tâm sức cho việc chăm lo, dạy dỗ và giúp đỡ các thế hệ học sinh sinh viên học tập, nghiên cứu, phấn đấu trong phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”, tạo nên những chuyển biến mới về chất lượng giáo dục đào tạo, từng bước làm thay đổi diện mạo của nền giáo dục nước nhà.
Tuy nhiên, trước những yêu cầu mới của sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đội ngũ nhà giáo vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Đó là, công tác đào tạo giáo viên chưa thật sự gắn kết với nhu cầu sử dụng của từng địa phương, vùng miền. Ðội ngũ nhà giáo vẫn còn thiếu so với quy định, mất cân đối giữa các môn học, bậc học, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ của một số nhà giáo có mặt chưa đáp ứng yêu cầu. Một bộ phận nhà giáo chưa gương mẫu trong đạo đức, lối sống, chưa làm gương tốt cho học sinh sinh viên. Giáo viên nghỉ việc ngày càng lớn, do áp lực từ nghề nghiệp, thu nhập thấp, chế độ, chính sách còn bất cập,… chưa tạo được động lực đủ mạnh để phát huy tiềm năng của đội ngũ giáo viên.
Thời kì hội nhập của đất nước hiện nay ngày càng càng thôi thúc chúng ta phải khẩn trương đẩy mạnh công cuộc cải cách giáo dục theo hướng toàn diện và căn bản. Toàn diện cả về nội dung chương trình, giáo trình và phương pháp truyền đạt kiến thức ở tất cả cấp học, ngành học; về mô hình đào tạo, mô hình quản lí, cách thức tổ chức thực hiện; về chế độ, chính sách đãi ngộ giáo viên...
Mỗi thầy, cô giáo cần không ngừng học tập, nâng cao trình độ, năng lực, giữ gìn phẩm chất đạo đức, uy tín; hãy mang tâm huyết truyền cho nhau ngọn lửa nhiệt tình, tiếp thêm ngọn lửa truyền thống và hoài bão của nhà giáo vào sự nghiệp “trồng người”.
Kỉ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay chính là dịp quan trọng để tình cảm thiêng liêng dành cho người thầy được thể hiện. Các bậc cha mẹ, mỗi học sinh, sinh viên và toàn xã hội luôn trân trọng đội ngũ thầy, cô giáo vì sự nghiệp “trồng người”, đang dành tâm sức, trí tuệ làm giàu trí thức, vun trồng thế hệ tương lai. Với lòng biết ơn sâu sắc, chúc các nhà giáo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cao cả của người thầy, của “nghề cao quý trong những nghề cao quý” mà sinh thời Bác Hồ đã từng căn dặn.