Đạo thầy trò
Nghiên cứu - Trao đổi 14/11/2024 11:03
Nền giáo dục xưa cũng như ngày nay đều thống nhất một phương châm: Tiên học lễ, hậu học văn, nhà trường luôn gắn với gia đình và xã hội, trong đó vai trò của người thầy hết sức quan trọng. Trong xã hội phong kiến, nghĩa quân - thần (vua - tôi) có khi cũng phải đứng sau nghĩa thầy - trò. Không ít bậc quân vương khi gặp lại thầy dạy học vẫn cung kính xuống ngựa từ xa để chắp tay vái chào.
Nhiều thầy giáo đạo cao đức trọng được các thế hệ môn sinh nể kính hơn cha, có vị trở thành quân sư với những lời chỉ giáo đúng đắn giúp cho các bậc vua chúa trị vì đất nước. Đất nước ta có nhiều người thầy cao quý, được Nhân dân kính trọng như: Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiếp, Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Dương Quảng Hàm, Đặng Thai Mai, Nguyễn Lân, Nguyễn Lương Ngọc, Phạm Huy Thông, Lê Trí Viễn, Nguyễn Cảnh Toàn, Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm… Những bậc thầy đã đào tạo được nhiều thế hệ học trò giỏi và đã làm rạng danh đất nước ta, dân tộc ta trên trường quốc tế.
Ảnh minh họa |
Rất nhiều câu chuyện cảm động về đạo thầy trò đã đi vào lịch sử và mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Chu Văn An (1292-1370) được người đời tôn vinh là “Vạn thế sư biểu” (người thầy của muôn đời). Ông nổi tiếng là một nhà nho mẫu mực với học vấn sâu rộng, đạo đức sáng ngời, thầy giáo tận tụy với nghề. Thầy Chu Văn An có tới 3.000 học trò, trong đó nhiều người đỗ đạt cao, giữ nhiều chức tước trong triều đình như: Phạm Sư Mạnh người Hải Dương, Lê Quát người Thanh Hóa. Hai học trò này của Chu Văn An nổi tiếng đức độ, tài giỏi, mỗi khi về thăm thầy cũ trong dịp lễ Tết vẫn một mực cung kính theo đạo làm trò.
Câu chuyện về vua Lê Hiển Tông (1461 - 1504) về thăm thầy dạy học cũng là một bài học quý về tình nghĩa thầy trò. Một lần, vua Lê Hiển Tông về giỗ bà nội ở An Lão (nay là xã Song An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) và đến thăm thầy giáo cũ của mình là cụ Châu Khê. Khi kiệu rồng đến đầu làng, nhà vua ra lệnh dừng kiệu, chọn một số cận thần cùng viên quan sở tại đi bộ đến nhà thầy. Thầy giáo già cùng gia đình bày hương án nghênh tiếp. Đến nơi, nhà vua bước nhanh tới chỗ cụ Châu Khê. Theo nghĩa vua tôi, cụ sụp lạy, nhà vua hai tay vội đỡ lấy vai thầy giáo già nói: “Xin lão sư bình thân để đệ tử này khỏi thất lễ”. Nhà vua cầm tay cụ, ân cần thăm hỏi rồi cùng bước vào nhà thầy. Vua nói với mọi người đang quỳ rạp bên đường: “Các ngươi hãy đứng lên để cùng ta vào nhà tôn sư. Hôm nay ta đến đây là học sinh về thăm thầy chứ không phải là Thiên tử đi kinh lí, nghi lễ ở chốn triều đình dùng vào lúc khác”.
Ngày nay, chúng ta không thể quên câu chuyện về Tổng Bí thư Trường Chinh về thăm thầy cũ. Sau ngày Thủ đô Hà Nội giải phóng, vào dịp Tết Dương lịch 1/1/1955. Tổng Bí thư Trường Chinh với bộ quần áo ka-ki giản dị đã đến số nhà 44 phố Hàng Bún thăm cô giáo cũ, cụ giáo Mai Phương mà ông từng được học ở bậc thành chung khi còn là học sinh Trường Quốc học Nam Định. Trải qua bao nhiêu năm xa cách và bận việc dân, việc nước, Tổng Bí thư vẫn nhớ cô giáo cũ với lòng kính trọng, ngưỡng mộ và ông đã đến tận nhà thăm. Cô trò chuyện trò thân mật, cởi mở, thân tình. Tổng Bí thư xúc động nói với cụ: “Hôm nay với tư cách cá nhân một học trò cũ, tôi đến thăm và chúc mừng năm mới cô giáo. Nhân dịp này, cô giáo cho phép tôi thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước cảm ơn thầy và gia đình đã hết lòng vì kháng chiến”. Cuộc gặp diễn ra không dài nhưng là cả tình nghĩa thầy trò cao đẹp giữa vị lãnh tụ cao cấp của Đảng và một nhà giáo yêu nước, suốt đời sống thanh bạch, tận tụy vì sự nghiệp giáo dục.
Nhà giáo, đạo làm thầy, được vinh danh là “Kĩ sư tâm hồn”; nghề dạy học được coi là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Rất nhiều Nhà giáo Nhân dân. Nhà giáo Ưu tú và hàng triệu thầy cô giáo từ bậc mẫu giáo đến đại học đang đem hết công sức, trí tuệ, tâm huyết và vượt qua mọi gian khổ khó khăn để làm tốt sự nghiệp “Trồng người” như lời dạy của Bác Hồ kính yêu. Những người thầy ấy luôn được các thế hệ học trò, được toàn xã hội tôn vinh, biết ơn. Vì thế, những ngày lễ Tết, Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) hằng năm là dịp để các bậc phụ huynh cùng học sinh và những ai từng ngồi trên ghế nhà trường, hướng về các thầy cô đã dẫn dắt chúng ta vững vàng bước vào cuộc đời với những tình cảm trân trọng, biết ơn, những bó hoa tươi thắm.