Cô nàng i ngắn
Truyện ngắn 05/12/2020 15:00
Thế là tôi lên xe đi luôn.
Cái cảm giác lần đầu tiên đặt chân đến mảnh đất biên giới nơi địa đầu Tổ quốc thực sự khó tả. Chẳng biết do sự chênh lệch áp suất của độ cao mang lại, hay tại những gì cảm nhận được dọc đường, khiến đêm đầu tiên nằm trên cao nguyên đá tôi không sao ngủ được. Những ngày sau, tranh thủ thời gian anh bạn bận làm việc theo lịch trình công tác, tôi cầm máy ảnh, thuê một chiếc xe ôm của người dân địa phương rong chơi cho thỏa trí phiêu lãng.
Lúc xuất phát, người lái xe ôm hỏi tôi:
- Ông muốn đi đến đâu?
- Tôi định lang thang đâu đó, kiếm vài tấm ảnh làm kỉ niệm.
Cảnh vật dọc đường đi khiến tôi phải sững sờ. Những gì cảm nhận được khi ngồi ô tô trên con đường Hạnh Phúc không thể so sánh được với cảnh vật dọc lối mòn hôm nay. Đường lên xuống quanh co, có lúc mây xà xuống ngang lưng đèo, che kín cả lối đi. Rồi cái lạnh, cái cảm giác sờ sợ thấm vào tôi từ lúc nào chẳng hay. Tôi bèn nhắm chặt mắt lại, phó mặc số phận mình cho người lái xe. Vòng vèo một thời gian khá lâu, lúc chiếc xe dừng lại, người tài xế lên tiếng:
- Từ đây trở đi xe máy không thể đi tiếp được nữa. Mà ở vị trí này cũng thoải mái cho ông bấm máy rồi. Lúc nào chán muốn về, ông gọi tôi. Bây giờ tôi phải tranh thủ chợp mắt một tí.
Nói xong, người tài xế xe ôm chui vào một hốc đá nằm ngủ. Còn tôi, cũng ngồi dựa lưng vào một tảng đá nhắm mắt lại định thần, trước khi tìm kiếm cảnh vật theo dự kiến. Định chợp mắt một lúc nhưng tôi lại ngủ khì đi mất.
Minh hoạ: Lão Trần |
Trong giấc mơ chập chờn, tôi thấy một cô gái xa lạ ngồi bên cạnh. Cách ăn mặc của cô gái thật kì lạ, tôi không thể nào đoán ra đấy là trang phục của dân tộc nào. Mà tại sao cô lại che ô cho tôi nhỉ? Bất chợt có đợt gió núi thổi thốc tới, chiếc ô bị cơn lốc giật ngược, rời khỏi tay cô gái. Những giọt nước mưa lạnh buốt bắn thẳng vào mặt, tôi rùng mình choàng tỉnh. Trước mắt tôi là khuôn mặt của một cô gái có đôi nét quen quen. Tôi đã gặp cô gái này ở đâu rồi nhỉ? Thấy tôi nhỏm người, định đuổi theo chiếc ô đang nhấp nhô trong đám mây, trôi lập lờ bên những tảng đá. Cô gái lên tiếng:
- Cái mày không lấy lại được đâu!
Tôi vội vàng:
- Nhưng chiếc ô còn đang bị những tảng đá kia giữ lại.
Cô gái thủng thẳng:
- Cái mày nhìn thấy vậy thôi. Chứ ở đó là vực sâu, chẳng còn có chỗ cho cái mày đặt chân đâu!
- Sao cái tao chẳng nhìn ra nhỉ?
- Tại mây che kín mất lối rồi - Cô gái thủ thỉ nói tiếp - Mà ở đây, cái mày đừng cố lấy những gì ngoài tầm với.
Thấy cô gái chịu bắt chuyện, tôi tưng tửng đưa lời:
- Nhưng mà đấy là chiếc ô của cái mày! Vì tao mà nó bị gió trời giật mất. Mà cái mày không tiếc hay sao? Nếu cái mày bắt đền, ở đây cái tao làm sao mà kiếm nổi một chiếc ô khác để trả đây. Hay là cái mày đi cùng cái tao xuống chợ. Thích chiếc ô nào tao mua cho mày cái đó.
Cô gái khúc khích:
- Đi chơi chợ, cái tao thích nhiều thứ lắm. Cái mày có nhiều tiền để mua không?
Tôi tán vơ vào:
- Sao cái mày giống cái tao thế! Cái tao có đủ tiền mua cho cái mày chiếc ô đẹp nhất chợ!
Cô gái khẳng định:
- Nhưng cái tao không bắt cái mày đền đâu!
- Thế cái mày không thấy tiếc chiếc ô hay sao?
- Chiếc ô của tao nó muốn bay cùng với đám mây trời, thì cứ để mặc cho gió cuốn đi.
Tôi ngần ngừ hỏi:
- Nhưng… mà sao cái mày lại che ô cho tao?
- Cái tao đang đi nương, khi đi ngang qua thấy cái mày nằm ngủ dưới mưa. Cái tao thương chiếc máy ảnh cái mày để trên ngực, sợ nó chết. Nên cái tao che ô cho cho chiếc máy ảnh thôi.
Nhìn cô gái, không thoát nổi sự tò mò tôi lại hỏi:
- Thế cái mày là người dân tộc nào?
Tôi không giấu được vẻ ngạc nhiên khi nghe thấy cô gái trả lời: “Cái tao là người dân tộc Giáy - Rồi cô gái cất tiếng cười khúc khích nói tiếp - Nhưng là Giáy i ngắn”.
Tôi buột miệng cười thành tiếng. Tôi chợt nhớ ra câu chuyện và cô gái của ngày hôm trước.
* * *
Lúc xe dừng giải lao trên cổng trời, cũng giống như những phần đông khách du lịch đang có mặt, mấy anh bạn xuống xe là ra ngay bờ lan can đứng ngắm cảnh. Còn tôi lỉnh tới chỗ tốp đồng bào dân tộc đang ngồi bày bán hàng ở ven đường. Hàng họ của đồng bào toàn là sản vật của địa phương. Ngoài những thứ làm thuốc, họ còn bán đồ ăn được nướng trên những chậu than hoa. Đồ ăn cũng đơn giản, chỉ là vài bắp ngô, dăm củ khoai lang và một ít trứng gia cầm.
Tôi sà xuống, ngồi cạnh một cô gái đang nướng khoai. Không hỏi giá, tôi cầm luôn một củ khoai để nguyên cả vỏ mà cắn. Ăn xong củ khoai, tôi lấy tờ một trăm nghìn đưa cho cô gái:
- Cho tôi trả tiền.
Cô chủ quán ngần ngừ:
- Có mười nghìn thôi! Anh xem tìm đưa cho em tờ tiền khác.
Tôi lục túi, giơ ví thanh minh:
- Tôi không còn đồng nào có mệnh giá nhỏ hơn cả.
- Nhưng em không có đủ tiền trả lại.
- Vậy cô nhặt cho tôi khoai và ngô sao cho đủ tờ tiền này.
Giữa lúc đó có chiếc mô tô đi phượt dừng chân ghé quán. Cô gái ngồi sau vừa tháo mũ bảo hiểm vừa nói với người chủ quán:
- Chị cho em mượn chỗ này để chụp vài tấm ảnh.
Nói xong, cô gái cầm luôn túi quà tôi vừa mua đổ luôn ra cái vỉ nướng. Thấy cái nhìn ngạc nhiên của tôi, cô thanh minh:
- Thì cũng phải có thứ để bày bán chứ.
Cô gái liên tục khoác lên người những trang phục được thuê của người chủ quán. Cô biến đổi thành những thiếu nữ của các dân tộc khác nhau qua những chiếc áo khoác ngoài. Rất nhanh, anh bạn đi cùng giở đồ nghề, nháy máy liên hồi. Dường như họ là khách quen của cô chủ quán và quá hiểu tác phong làm việc của nhau.
Khi đôi thanh niên đã thỏa mãn ý thích, dừng lại. Tôi đề nghị cô gái: “Làm người mẫu cho tôi chụp vài kiểu”.
Cô gái đồng ý. Tôi chọn đưa cho cô một củ khoai nướng và đề nghị cô diễn. Rồi tôi cũng bấm được vài kiểu như ý. Khi tua cho hai bạn trẻ xem lại những tấm hình vừa chụp. Cô gái phì cười lúc nhìn thấy bức hình có củ khoai nằm ngang che kín cả miệng, tấm thì nhìn rõ vệt than đen vương lên đôi môi, quyệt ngược ra cả má như được cố tình vẽ lúc hóa trang. Khi chia tay, cô gái đề nghị tôi gửi cho những tấm ảnh vừa chụp qua mail của mình.
Tôi cũng chẳng đợi người chủ quán đồng ý, bấm máy chụp cảnh cô chụm môi thổi lửa với các góc độ khác nhau. Lúc tiếp tục cuộc hành trình, tôi thì thầm cùng cô chủ quán: “Còn em là người dân tộc nào?”
Cô gái khúc khích nói to: “Em là người Giáy, nhưng i ngắn...”. Thay vì ý định ban đầu, tôi lại chụp ảnh động. Mà người mẫu duy nhất trong những tấm hình của tôi hôm nay là cô i ngắn. Vừa tác nghiệp, tôi vừa nắm bắt được sơ bộ về em khi lời qua tiếng lại. Biết em tốt nghiệp Đại học Sư phạm và đã gửi đơn xin việc, song chưa nhận được hồi âm. Trong thời gian đợi, để giúp đỡ gia đình, em phải làm đủ các việc. Em thành thật bày tỏ hoàn cảnh của bản thân: Rất khó kiếm được cho mình một chỗ đứng trên bục giảng. Cũng đã có bạn bè mở Công ty du lịch, đề nghị em hợp tác. Song em thấy tiếc cho những tháng năm đi học và bản thân còn đang nuôi hi vọng nên chưa dám nhận lời.
Thấy tôi băn khoăn về việc liên lạc gửi ảnh cho mình, cô chủ quán tủm tỉm: “Thì bữa mai là ngày của phiên chợ tình Khau Vai rồi, anh cứ đợi em ở đấy đi”.
Tôi đâu có hiểu gì nhiều về phiên chợ đặc biệt này! Tôi cứ nghĩ mình đi lang thang ở chợ là sẽ tìm gặp được em. Hôm sau, tôi đến địa điểm họp chợ từ sáng sớm, đưa mắt săm soi vào dòng người với trang phục muôn màu để mong tìm thấy em. Nhưng đến khi mặt trời lặn, từng đôi trai gái lẫn dần vào bóng đêm tĩnh lặng, tôi vẫn chẳng thấy em đâu.
Tôi thất vọng, trở lại nhà nghỉ. Lên phòng, tôi mở luôn láp tốp vào hộp thư điện tử định buôn chuyện với lũ bạn cho vơi đi nỗi buồn vu vơ. Khi giao diện trên màn hình xuất hiện, tôi thấy mình có một thư điện tử vừa gửi tới. Lúc đọc, biết em đã nhìn thấy tôi một mình lang thang nơi chợ tình.
Thư em viết: “Đừng ngạc nhiên khi thấy em biết hộp thư điện tử của anh. Hôm ở cổng trời, em đã nhập tâm địa chỉ trên. Em đã có nó vào lúc anh trao đổi thông tin cùng đôi thanh niên đi phượt ấy. Còn lí do em không xuất hiện tại phiên chợ tình ngày hôm nay thật đơn giản. Em không muốn mình gặp mặt rồi lại phải xa nhau. Cho dù em vẫn biết, trong cuộc đời này gặp gỡ rồi chia li là chuyện bình thường. Nhưng với em, một năm mới được gặp lại nhau là quãng thời gian quá dài. Vả lại chúng mình cũng chưa là gì của nhau cả, mà việc gặp gỡ ở phiên chợ này chỉ dành cho những người đã từng yêu nhau. Em nghĩ, kỉ niệm về một mối tình dù có đẹp đến đâu đi chăng nữa, thì đấy cũng chỉ là mùa Xuân của quá khứ. Mà em lại là cô gái của ngày hôm nay! Chính vì lí do đó mà em không muốn gặp anh. Hơn nữa, hai đứa mình đang sống trong thế giới phẳng. Em thấy chúng mình nói chuyện qua hình thức này sẽ thoải mái hơn. Em đang có ý định lập một phiên chợ tình trên mạng, nhưng chưa biết bày tỏ cùng ai. Một phần sợ mọi người cười cho là kẻ ngớ ngẩn, ất ơ. Phần khác lo mình chưa đủ khả năng, nên đang tìm người góp sức đây. Liệu anh có giúp được em lập giao diện của phiên chợ tình này được hay không? Anh xem có tấm hình nào xấu xấu hôm qua chụp được thì gửi cho em.
Em, cô gái "i ngắn”.
Tôi vội trả lời: “Rất vui được hợp tác cùng em!”
Rồi, tôi lại nhận được hồi âm từ cô ấy.
…Tôi tán: “Khoảnh khắc này vẫn còn là thời gian của phiên chợ tình. Chắc em cũng quanh quẩn đâu đây?! Hay mình ra chợ gặp nhau đi”.
Cô ấy đáp lại: “Trời tối đã lâu, chợ tan rồi, làm gì còn ai nữa!”.
Cứ như thế, hai đứa chúng tôi “chát” với nhau quên cả trời đất.
…“Lúc nãy, trên đường về anh còn nghe thấy có rất nhiều tiếng cười khúc khích”.
“Thì đấy là của hồi nãy, khi những người tình gặp nhau, lúc họ đang đi tìm chỗ tâm sự. Bây giờ, ngoài đó chẳng còn ai nữa đâu!.
“Thì khi mình gặp nhau, là chợ lại có người rồi còn gì”.
“Anh định mở phiên chợ hai người hay sao?”
Tôi lại cố gắng nài nỉ: “Anh rất thích những tấm hình chụp được trong ngày hôm qua. Anh đã in ra những bức đẹp nhất! Định lúc gặp sẽ trao cho em. Mình không gặp nhau thì tiếc lắm. Anh thích, vì ở đó em đẹp lắm!”.
“Em biết! Cái đẹp bên ngoài làm anh thích rồi. Nhưng chẳng biết, anh có ưng cái bên trong không?”.
Trời đất ơi! Với cô gái i ngắn này, tôi đã cạn lời.