Chợ Đông Ba già thế kỉ
Văn hóa - Thể thao 04/10/2019 10:01
Biểu tượng của Huế
Trước khi có chợ Ðông Ba như ngày nay, bên ngoài cửa Chánh Ðông, Kinh thành Huế dưới thời Gia Long có một chợ lớn mang tên “Quy Giả thị”. Năm 1885, Kinh đô Huế thất thủ, chợ Quy Giả bị thực dân Pháp đốt sạch. Năm 1887, vua Đồng Khánh cho xây dựng lại và đổi tên thành chợ Đông Ba. Ðến năm 1899, trong công cuộc chỉnh trang đô thị theo phong cách phương Tây, vua Thành Thái chuyển chợ Ðông Ba ra địa điểm sát bờ sông Hương. Ông Trần Thanh, Chi hội trưởng Chi hội Khoa học lịch sử TP Huế nhận định: “Do nằm ở địa điểm mới có ưu thế thuận lợi “trên bến dưới thuyền, phố xá đông đúc”, chợ Đông Ba sớm trở thành trung tâm thương mại lớn nhất chốn Kinh thành, ảnh hưởng và tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế thương mại của các huyện, thị của Huế và các tỉnh miền Trung”.
Một góc chợ Đông Ba thập niên 20 thế kỉ trước |
Ngày nay, chợ bắt đầu từ múi cầu Tràng Tiền đến cầu Gia Hội, một mặt là phố chính Trần Hưng Đạo, mặt sau là sông Hương, với diện tích 22.749 m2. Chợ có 60 ngành hàng và hơn 2.700 hộ kinh doanh. Bình quân mỗi ngày có từ 5.000 - 7.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm tại chợ. Vào dịp Tết, lễ có khoảng trên trên một vạn khách đến chợ mỗi ngày.
Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, một khách mua hàng tại chợ Đông Ba, cho hay: “Những đặc sản nổi tiếng xứ Huế đều được bán đầy đủ tại chợ như nón bài thơ, kẹo mè xửng, tôm chua, nem chả, quýt Hương Cần, hạt sen Tịnh Tâm... Ngoài ra, đến chợ khách còn được thưởng thức các món cơm hến cay, bánh bèo nậm lọc, bún bò giò heo, các loại chè Huế...”.
Truyền thống đấu tranh cách mạng
Ngoài vị trí là một trung tâm thương mại lớn của tỉnh Thừa Thiên Huế, chợ Đông Ba còn là nơi có truyền thống đấu tranh cách mạng bất khuất, kiên cường. Ngay từ khi mới thành lập, tầng lớp tiểu thương chợ Đông Ba đã tích cực hưởng ứng các phong trào đấu tranh chống sưu thuế, chống bắt lính, ủng hộ hoạt động của các nhà yêu nước. Năm 1938, Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương của tiểu thương chợ Đông Ba được thành lập, trở thành hạt nhân lãnh đạo phong trào của tiểu thương chợ Đông Ba.
Từ 1954 đến 1975 lực lượng tiểu thương chợ Đông Ba đã tham gia, tổ chức 255 cuộc biểu tình, xuống đường, sát cánh cùng các tầng lớp Nhân dân, trí thức, học sinh, sinh viên đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai... Với bề dày đấu tranh đó, nhiều tiểu thương của chợ Đông Ba đã trở thành những cán bộ kiên cường của cách mạng.
Ghi nhận những thành tích công lao đó, năm 1975, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đã trao tặng tập thể chị em tiểu thương chợ Đông Ba phần thưởng cao quý là Huân chương Giải phóng hạng Nhất. Năm 1999, chợ Đông Ba vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Nhà nước trao tặng. Năm 2013, chợ được Tổ chức Kỉ lục Việt Nam công nhận “Top 5 chợ đặc trưng ba miền được nhiều du khách đến tham quan mua sắm nhất”.
Tiếp nối truyền thống, tiểu thương và Ban Quản lý chợ Đông Ba đang tích cực thực hiện nếp sống văn minh đô thị, chợ văn minh thương mại, quyết tâm xây dựng chợ “An toàn - trật tự - uy tín - thân thiện - sạch đẹp”. Đặc biệt, năm 2019 chợ tổ chức Lễ phát động Ngày Chủ nhật xanh với chủ đề “Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạch - sáng”.