Xuân về vui điếm tổ tôm
Nhịp sống văn hóa 03/02/2020 16:15
Từ Thủ đô, tôi ngược về chốn quê xưa Kinh Bắc để thêm một lần được nghe, được thấy cái cách đón xuân tao nhã mà hết sức trí tuệ của NCT qua môn chơi đặc biệt: Tổ tôm điếm.
Ông Vũ Bá Rồng đánh trống khai mạc Hội thi |
Ngoài trời nhiệt độ xuống rất thấp, mà trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa NCT tỉnh Bắc Ninh đã đông vui tấp nập, ấm nồng tình thân. Đã thành thông lệ, cứ mỗi khi Tết đến Xuân về, gần 200 thành viên đến từ 85 CLB và Ban Liên lạc trong và ngoài tỉnh lại tề tựu, sum họp, để cùng nhau giao lưu, chia sẻ, đua tài.
Một đám chơi |
Ông Vũ Bá Rồng, Trưởng BĐD Hội NCT tỉnh chia sẻ: Vào dịp lễ hội đầu năm như Hội Kinh Dương Vương (tại huyện Thuận Thành), Hội Lim (huyện Tiên Du), Hội Đền Đô (thị xã Từ Sơn), v.v, những chòi tổ tôm được dựng lên công phu ở nơi trang trọng. Âm thanh rộn ràng của tiếng trống, giọng thơ trầm bổng của nữ sĩ giao bài cất lên mời gọi, làm đắm say bao du khách gần xa. Năm nay, các đội chia thành 3 vòng đấu, mỗi trận đấu kéo dài 90 - 120 phút với 13 - 15 ván bài; 32 đội đi tiếp vào vòng trong và 10 đội được chọn vào chung kết. Ban tổ chức trao các giải Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích cho các đội đạt kết quả cao. Cũng nhân dịp này, Hội NCT tỉnh tặng Giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong rèn luyện sức khỏe và hưởng ứng phong trào "Tuổi cao - Gương sáng" năm 2019.
Người giao bài xướng thơ |
Nhận ra phóng viên từng gặp trong các kì cuộc trước, bà Đinh Thị Sáu chạy lại, vồn vã tay bắt mặt mừng. Đã 67 tuổi, là hội viên NCT phường Suối Hoa, TP Bắc Ninh, bà Sáu có hơn chục năm tham gia trò chơi này và trở thành nghệ nhân giao bài nòng cốt trong các cuộc giao lưu, các hội thi do địa phương tổ chức. Bà bảo, người giao bài là linh hồn của cuộc chơi, không chỉ đẹp về hình thức, có giọng thơ hay và truyền cảm, còn phải am tường về luật chơi và những câu thơ, lẩy Kiều nằm lòng ứng với từng quân bài. Nhiều quân bài có đến hai, ba câu thơ khác nhau. Trong những tình huống chờ bài căng thẳng, giọng ngâm thơ làm dịu đi khoảnh khắc đợi chờ. Khi câu thơ xướng lên, người chơi đã có thể hình dung đó là cây gì, có thể ăn được hay không.
Tổ trọng tài làm việc |
Ông Thạch Công Thư, Phó Chủ nhiệm CLB Tổ tôm điếm xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội trao đổi: Luật chơi tổ tôm điếm giống như chơi tổ tôm bình thường nhưng khác ở chỗ tổ tôm điếm đánh bài, bốc bài lọc qua người giao bài và chia bài. Tại mỗi đám chơi, có 4 - 5 đội (điếm) ngồi cách xa nhau và vòng quanh tổ trọng tài. Mỗi đội có 2 - 3 người chơi, trang bị biển hiệu, trống, cờ lệnh. 4 diễn viên giao bài, chia bài. Người chơi ở các điếm điều khiển bằng tiếng trống. Khi điếm có cái đánh cây bài đầu tiên thì người giao bài đọc thơ tương ứng, điếm theo vần cánh ăn thì đánh trống (tùng), không ăn thì gõ vào tang trống (cắc) và xin bốc bài lọc, chuyển cho điếm dưới cánh. Tuần tự như vậy cho đến khi có điếm ù và bài lọc bốc đủ mỗi cửa 3 cây (còn lại 5 cây) mà không ai ù thì ván bài đó hòa, còn điếm bốc cây cuối cùng được cái ở ván sau. Khi cây bài lên mà có người phỗng, thì người phỗng được quyền đánh tiếp.
Khen thưởng các tập thể, cá nhân xuất sắc năm 2019 |
Là trò chơi dân gian mang tính trí tuệ cao, các nước đánh thiên biến vạn hóa, không ván nào giống ván nào nên tổ tôm điếm cuốn hút đến say mê. Đặc biệt, người chơi cho đây là sự may mắn của cả năm khi được lộc "ù đại cước sắc" hoặc "ù chi nảy".
Phong trào chơi tổ tôm điếm đang phát triển mạnh mẽ tại Bắc Ninh và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước; là sân chơi bổ ích, giúp NCT gắn bó thân thiết, xích lại gần nhau hơn; góp phần gìn giữ nét văn hóa dân gian đặc sắc vùng Kinh Bắc.