Trí tuệ và tao nhã - Tổ tôm điếm đầu Xuân
Đã mấy năm nay, năm nào tôi cũng được thưởng thức không khí ấm áp, sôi động, đầy cảm xúc, được hòa mình vào tâm trạng tưng bừng, phấn khởi của các bậc cao niên mà thẩm thấu cái tao nhã của bộ môn tổ tôm điếm nơi quê mẹ Bắc Ninh nhân dịp đón chào Xuân mới. Đã hơn ba thập kỉ, bộ môn thể thao trí tuệ, “bác học” này đã và đang dần khôi phục, trở lại với lớp người người cao tuổi (NCT), mà một trong những “người có công” lớn là Hội NCT tỉnh Bắc Ninh. |
Toàn cảnh Hội thi Tổ tôm điếm do Hội NCT tỉnh Bắc Ninh chủ trì tổ chức
Hằng năm, vào dịp lễ hội, Hội thi hát Quan họ truyền thống hằng năm, hay Festival “Về miền Quan họ”, cán bộ, hội viên NCT và những người yêu bộ môn Tổ tôm điếm trên quê hương Kinh Bắc giàu truyền thống văn hóa lại hội tụ trong cuộc chơi đầy kịch tính - Hội thi tổ tôm điếm. Hội thi do Hội NCT tỉnh chủ trì tổ chức, tại lễ khai mạc đều có sự tham gia của lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh cùng hàng trăm hội viên đến từ các CLB Tổ tôm điếm trong tỉnh và các tỉnh bạn. |
Ông Vũ Bá Rồng, Trưởng BĐD Hội NCT tỉnh chia sẻ: Thực hiện nhiệm vụ do UBND tỉnh giao, Hội NCT tỉnh phối hợp với Ban liên lạc các CLB Tổ tôm điếm tỉnh xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện về vật chất, nhân sự… để Hội thi tổ tôm điếm hằng năm diễn ra chu đáo, an toàn. Việc Hội NCT tỉnh chủ trì tổ chức Hội thi không chỉ nhằm khôi phục, phát triển bộ môn tổ tôm điếm, mà còn tôn vinh, khen thưởng các hội viên có nhiều đóng góp, thể hiện tinh thần “Tuổi cao - Gương sáng”, trách nhiệm cao của Hội NCT các cấp trong tỉnh đối với việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc… Theo các cụ cao niên, tổ tôm điếm từ bao đời nay đã trở thành trò chơi dân gian đặc sắc, một thú chơi thanh nhã, loại hình giải trí khoa học mang tính thể thao trí tuệ, văn hóa cao, nhất là đối với NCT. Trong những dịp lễ tết truyền thống, cùng với cờ tướng, chơi đu, đấu vật, hát quan họ, v.v, thì tổ tôm điếm cũng là điểm nhấn quan trọng, tạo nên nét đặc sắc tươi vui cho không gian của lễ hội vùng Kinh Bắc. Tỉnh Bắc Ninh hiện có hàng nghìn hội viên tham gia các CLB Tổ tôm điếm, trong đó hầu hết là NCT và có khoảng vài trăm cụ từ 80 tuổi trở lên. |
Người cầm trịch trong cuộc chơi tổ tôm điếm xướng bài |
Vào dịp lễ hội đầu năm của địa phương, những chòi tổ tôm điếm được dựng lên công phu tại vị trí trang trọng. Người xưa cho rằng, bộ môn tổ tôm điếm tồn tại vì nhiều lí do, trong đó có yếu tố tâm linh. Các hội chơi có ù, đặc biệt ù “chi chi nẩy” thì lộc đến đầy nhà, may mắn cả năm. Do vậy, trong Hội thi, điếm nào có ù “chi chi nẩy” thường được tài trợ, tặng quà nhiều hơn. Thông qua luật chơi chặt chẽ, rõ ràng, thi đấu theo thể lệ, tính cách mỗi con người thể hiện rất rõ trí tuệ, thái độ ứng xử, mối quan hệ giữa những người chơi với nhau. Bộ bài tổ tôm điếm có 120 quân, với 30 chủng loại khác nhau, in trên giấy đẹp, bìa cứng, gỗ hoặc nhựa mika, có kích thước lớn, một mặt in hình và chữ theo bộ tổ tôm, mặt kia in những câu thơ trong “Truyện Kiều”, “Lục Vân Tiên”, thể hiện khát vọng sống của người nông dân như mùa màng bội thu; gia đình thịnh vượng, hạnh phúc; chuyện tình trắc trở do lễ giáo phong kiến; phê phán thói hư tật xấu trong xã hội. Trong cuộc chơi sẽ sử dụng 2 bộ bài luân phiên khác màu. |
Cách chơi và luật chơi tổ tôm điếm giống chơi tổ tôm bình thường, song tổ tôm điếm khác ở chỗ đánh bài và bốc bài lọc qua trọng tài (người cầm trịch) giao bài và người chia bài, người chơi điều khiển bằng tiếng trống. Thay bằng 5 người chơi ngồi gọn trong chiếu của trò chơi tổ tôm thông thường, tổ tôm điếm cần một khoảng không gian rộng như sân đình hoặc bãi đất rộng khoảng 50m2 trở lên, thường là ở đình làng, nhà văn hóa. Chủ điếm (người chơi chính) và các thành viên chơi tọa lạc độc lập trong 5 ngôi điếm (chòi nhỏ) hoặc 5 chiếc bàn cao có ghế ngồi, trang phục áo the khăn xếp chỉnh tề, có thêm trống con và một số lá cờ khác màu để ra hiệu lệnh khi cần. Ở khu trung tâm kê một bàn dành cho tổ trọng tài có trống cái, bộ bài, sổ sách ghi chép. Người cầm trịch (xướng quân) được trang bị trống cái để điều hành. Là linh hồn của trò chơi, người cầm trịch phải hiểu rất rõ luật, biết nhiều, thuộc nhiều câu ca dao, tục ngữ, giỏi thơ phú, hò vè. Khi một chủ chòi đưa ra con bài cho đối phương, người cầm trịch phải xuất khẩu một câu ca thích hợp với hoàn cảnh lúc đó, làm sao vừa vui vẻ, hài hước lại vừa thông báo cho người xem biết. Khi hỏi bài, người chơi đánh 1 cắc 1 tùng; khi ăn bài đánh 1 tùng; không ăn đánh 1 cắc; khi phổng đánh 2 tùng... Đồng thời với tiếng trống thì người chơi phải cắm cờ hiệu theo màu sắc quy ước để Ban tổ chức và đối thủ nhìn thấy. Tiếng trống của người chơi hay người cầm trịch rất quan trọng, nếu đánh hay gõ trống sai sẽ bị phạt. |
Quang cảnh Hội thi tổ tôm điếm tại tỉnh Thái Bình |
Hội thi tổ tôm điếm thể hiện sự văn minh, tính nghiêm túc trong thưởng phạt. Những hồi trống rộn rã, màu cờ rực rỡ các loại, âm thanh trầm bổng của người ngâm thơ góp phần tạo không khí sôi động, vui tươi, rộn rã cho hội thi. Nghe câu thơ giao bài, người chơi có thể hình dung ngay là cây gì. Tổng thể các quân trong bộ bài là hình ảnh một xã hội thu nhỏ, với tuổi tác, tính cách, số phận khác nhau của các giai tầng xã hội, chân thực và sâu sắc, tạo nên sự độc đáo, hấp dẫn của tổ tôm điếm. Các nước đánh bài thiên biến vạn hóa, không ván nào giống ván nào, nên cứ cuốn hút, làm say lòng người chơi, rồi có mừng vui, lo lắng, tiếc nuối và hi vọng… Ranh giới thắng thua trong cuộc chơi dẫu là rất mong manh, song tạo cho người chơi và những người theo dõi cổ vũ nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Ngoài việc lựa lấy người “hợp cạ” cùng ngồi điếm, người chơi còn phải thính tai nhanh trí phán đoán “đối phương” đang có những quân gì và quân nào chuẩn bị “ra”. Nếu không nhanh, chỉ cần chậm một nước là điếm bên đã nhanh tay “phỗng”, mất “ù”. Sự tài trí hoặc may mắn của người chơi được thể hiện bằng số điểm thưởng hoặc phạt. |
Quang cảnh Hội thi tổ tôm điếm tại tỉnh Ninh Bình năm 2023
Cụ Nguyễn Văn Chuyền, Trưởng ban liên lạc các CLB Tổ tôm điếm tỉnh Bắc Ninh cho biết: Trước đây do chiến tranh và điều kiện kinh tế, tổ tôm điếm dần mai một. Đến năm 1993, Hội thi tổ tôm điếm của tỉnh mới được tổ chức lại tại đình Đình Cả (huyện Tiên Du). Từ đó phong trào chơi tổ tôm điếm dần được khôi phục và phát triển. Đến nay, Ban liên lạc đã thu hút gần 80 CLB; trong đó tỉnh Bắc Ninh 62 CLB, huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) 7 CLB, huyện Gia Lâm (TP Hà Nội) 6 CLB và 10 Ban liên lạc các CLB Tổ tôm điếm, trong đó Ban liên lạc các CLB tổ tôm điểm tỉnh Bắc Ninh và 9 Ban liên lạc các CLB tổ tôm điếm huyện, thành phố. Mỗi CLB là một đơn vị hoạt động vừa độc lập vừa liên kết chặt chẽ với các CLB khác; kinh phí duy trì hoạt động có thể do hội viên đóng góp và vận động xã hội hóa, khoảng từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng. Ngoài số lượng hội viên CLB phải có cơ sở vật chất bao gồm bộ điếm gồm 5 điếm, 1 trống cái, 5 trống con, 5 bàn đặt bài và nhiều cờ màu các loại theo quy định. Nhận thức được ý nghĩa văn hóa dân gian đặc sắc của bộ môn Tổ tôm điếm, từ năm 2010, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản, chỉ đạo các cấp các ngành phối hợp với Hội NCT địa phương lãnh đạo, định hướng, tạo điều kiện; xây dựng quy chế hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở liên quan đến tổ tôm điếm; thành lập mới nhiều CLB tổ tôm điếm các thôn làng để quy tụ những nghệ nhân giỏi và dạy nghề cho lớp trẻ, tổ chức các giải thi đấu để giao lưu, học hỏi giữa các thế hệ. Nhằm nâng cao chất lượng phong trào và nhân rộng các CLB, Ban liên lạc các CLB tổ tôm điếm tỉnh Bắc Ninh còn quan tâm tổ chức nhiều buổi tập huấn nâng cao chất lượng công tác trọng tài để giữ nghiêm minh, công bằng, tạo sân chơi bình đẳng, lành mạnh. Đồng thời thảo luận, thống nhất chỉnh sửa các câu thơ giao bài phù hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với thế hệ trẻ. |
Tổ tôm điếm ngày nay không chỉ phát triển mạnh ở Bắc Ninh mà đã và đang quay trở lại, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trong như Hà Nội, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh…; tạo ra nét văn hóa mới, đưa con người thân thiện, gần gũi nhau hơn, góp phần mở rộng giao lưu giữa các địa phương, trao đổi nét đẹp thuần phong mĩ tục, đẩy lùi các thói hư tật xấu. Là môn thể thao trí tuệ, bác học, tổ tôm điếm tạo sân chơi bình đẳng, bổ ích, lí thú, giúp NCT rèn luyện tính kiên nhẫn, sức khỏe bền bỉ, dẻo dai; rèn luyện trí thông minh, óc sáng tạo, đức tin. Do vậy, đây là môn chơi thể hiện khí chất, tạo sự đoàn kết gắn bó, nêu cao vai trò “Tuổi cao - Gương sáng” trong gia đình và cộng đồng dân cư; giúp NCT sinh hoạt văn hóa lành mạnh, chống lão hóa, hạn chế tiêu cực ở các lễ hội đầu xuân. |
Việc đầu tư cho trò chơi tổ tôm điếm không tốn kém như một số trò chơi khác. Do vậy, để tổ tôm điếm tồn tại và phát triển, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cần phối hợp với Hội NCT địa phương lãnh đạo định hướng trò chơi trên cơ sở xã hội hóa đóng góp tham gia của người dân, xây dựng quy chế hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở trong đó có việc thành lập CLB tổ tôm, tổ tôm điếm các thôn làng để quy tụ những nghệ nhân giỏi truyền nghề và dạy nghề cho lớp trẻ, tạo sân chơi vào những lúc nông nhàn, tổ chức các giải thi đấu và học hỏi giao lưu để tổ tôm điếm mãi tồn tại cùng với lễ hội truyền thống, góp phần duy trì, phát huy bản sắc dân tộc. |
Bài và ảnh: Thanh Hà Trình bày: Thanh Hà |