Vô tâm
Truyện ngắn 02/07/2019 15:29
Anh là sinh viên Trường Đại học Quân y ở Hà Đông. Trong số bạn bè là đồng hương sang kết bạn ở kí túc xá trường tôi thì anh nhỏ con, ít nói hơn cả. Mỗi khi sang, anh đều đi cùng bạn. Trong các cuộc vui, anh thường chỉ ngồi nhìn chúng tôi cười nói vui vẻ, thi thoảng mới xen vào những câu chuyện hóm hỉnh, hài hước.
Thú thật, khi ấy tôi quá vô tư, không nhận ra những ánh nhìn kín đáo anh dành cho mình. Ngay cả khi tần suất anh sang chơi nhiều hơn vào các buổi tối tôi cũng không nhận ra là mình đã vào "tầm ngắm" của anh. Kỉ niệm ngày sinh của anh, mấy đứa con gái khoa Văn thường chơi với anh rủ nhau sang chúc mừng. Tôi cũng trong số đó. Tại phòng anh, chúng tôi quây quần quanh mâm bánh kẹo giữa nhà. Chủ là những chàng sinh viên Quân y đẹp trai, vui tính. Khách là đám con gái khoa Văn hồn nhiên lãng mạn. Những li rượu nồng kéo chúng tôi xích lại gần nhau hơn. Ánh nến lung linh hắt lên những gương mặt hồng hào. Chúng tôi trò chuyện, hát, đọc thơ cho nhau nghe. Những tiếng cười vui nhộn, trong trẻo của nam thanh nữ tú chưa vương chút bụi đời rộn ràng lan vào không gian tinh khiết. Và tôi vẫn vô tư lắm!
Chia tay. Anh tiễn chúng tôi ra tận cổng. Đoạn, anh nắm tay tôi như muốn nói điều gì. Tôi hơi ngỡ ngàng rút tay lại. Anh bối rối, ngập ngừng...
…Ngày 22/12, chúng tôi rủ nhau sang chúc mừng bạn bè đồng hương ở Trường Quân y. Không khí ngày kỉ niệm khiến chúng tôi say sưa vui vẻ mãi đến khuya. Đêm thơ nhạc giao lưu giữa Đoàn Thanh niên hai trường như muốn kéo dài bất tận.
Quá nửa đêm, anh và một số người bạn đưa chúng tôi về. Tôi ngồi sau xe anh. Chúng tôi vừa đi vừa trò chuyện vui vẻ. Đến cổng kí túc xá, tôi xuống xe, toan chào anh để về phòng.
Bỗng anh kéo tôi lại gần, thủ thỉ:
- Em... Anh muốn nói...
Tôi ngước nhìn anh, im lặng. Ánh điện cao áp hắt vào anh. Đôi mắt ấm áp đượm buồn. Trông anh lúc ấy ngộ lắm.
- Anh về đi. Khuya rồi! - Tôi vô tâm trả lời.
Sau buổi đó, anh sang thăm tôi nhiều hơn, cố gắng tiếp cận và nhờ các bạn cùng phòng tác động. Nhưng tôi vẫn vô tình một cách đáng trách.
... Bẵng đi một thời gian, anh không sang. Tôi cũng cứ vô tâm không nghĩ ngợi gì.
* *
*
Năm cuối, chúng tôi học hành tập trung, mải miết hơn. Luận văn tốt nghiệp ngốn rất nhiều thời gian, không còn được thảnh thơi đi chơi thăm thú bạn bè, đồng hương như trước. Chúng tôi phải tỏa đi khắp nơi thực tập, lấy tư liệu. Thư viện kí túc xá, thư viện trường không đủ, chúng tôi xin làm thẻ Thư viện Quốc gia và vùi đầu vào những trang tài liệu, hí hoáy ghi chép, lo tìm chỗ đánh máy, in ấn… Rồi cũng hoàn thiện công trình mấy chục trang sau gần 5 năm đèn sách.
Ra trường, mỗi đứa mỗi nơi. Đứa về quê làm nhà báo, giáo viên, cán bộ công chức, thăng tiến trong sự nghiệp chính trị. Đứa ở lại Hà Nội, bươn chải, chống chọi gian nan, thử thách chốn đô thành. Tôi thuê lại một gian gác xép trong kí túc xá, nén lòng kìm giữ những cảm xúc trong sáng thời sinh viên lao vào đời như bao con nhà nghèo khác. Cuộc sống tựa cơn lốc, xoay xỏa, vần vũ, không một người thân nâng đỡ chở che.
Một ngày, cô bạn khoa Sử gặp tôi, giọng buồn buồn:
- Cậu vào thăm anh ấy đi. Anh mong cậu lắm đấy!
Cô bạn cho biết, anh mắc bệnh hiểm nghèo, phải nằm viện đã khá lâu rồi. Những ngày qua, anh thường nhắc đến tôi. Và trong khi tôi vẫn vô tình thì anh lại lặng lẽ chia sẻ cảm xúc của mình với đồng đội, bạn bè, nhất là những bạn gái một thời ở cùng phòng với tôi dưới mái trường đại học.
Tôi vào thăm anh. Chợt xao lòng trước hình ảnh anh nhỏ bé, làn da sinh viên vốn trắng mịn nay mai mái xanh, gò má xương xương nom khuôn mặt anh hốc hác hơn. Anh cười, nắm chặt tay tôi, ánh mắt thông minh, ấm áp giờ long lanh ngấn lệ:
- Vậy là anh mãn nguyện rồi!
Chúng tôi ai nấy rưng rưng.
* *
*
Nhận được tin, tôi vội thu xếp về quê anh. Mấy cô bạn cùng phòng chơi thân với anh cùng đi. Hành trình dài hơn 60 cây số, cuối chiều, chúng tôi mới tới nơi.
Bầu trời mấy ngày qua vốn đã sụt sùi hôm nay xám xịt hơn. Ngôi nhà đơn sơ, giản dị khiêm tốn ẩn mình dưới lũy tre làng. Những gióng tre cong cong rủ xuống, mưa nhỏ từng giọt lên vai áo chúng tôi ớn lạnh. Đi qua rặng cây râm bụt vào khoảng sân rộng căng tấm bạt to phía trên. Trong nhà, ngoài sân, rất nhiều người ra vào mà vẫn u uất, não nề. Không khí tang tóc bao trùm. Ai nấy mắt đỏ hoe, sưng húp. Hồi kèn tang gióng lên sầu thảm, thống thiết. Chủ khách nắm tay nức nở, nước mắt lăn dài trên má, trên môi. Người phụ nữ tóc đã điểm bạc ngồi trước di ảnh con trai, thi thoảng lại nấc nghẹn, nói không lên lời. Người đàn ông ngồi bên, ôm lấy vai bà, thất thần như ai đó lấy đi mất cảm giác nhanh nhẹn khỏe khoắn thường ngày.
Chúng tôi bước vào, xin phép thắp nén nhang cho anh. Anh vẫn đó, gương mặt thư sinh thanh tú. Vẫn nét cười tươi tắn, ánh mắt ấm áp ngày nào anh nắm tay tôi rất đỗi chân thành. Vậy mà…
Tôi cứ để những dòng lệ lăn dài trên suốt dọc đường tiễn đưa anh, càng xúc động hơn khi mẹ anh chia sẻ: - Trước giờ ra đi nó vẫn nhắc tên con!
* *
*
Từ đó, cứ mỗi dịp kỉ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12, tôi lại không nguôi nhớ về anh. Cảm giác thiếu vắng một chút gì đó trong tôi dường như không thể lấp đầy.
Tôi tự trách mình khi ấy sao quá đỗi vô tâm...