Vang tiếng cồng chiêng trên đất võ
Văn hóa - Thể thao 03/10/2019 09:52
Liên hoan có 9 đoàn nghệ nhân, diễn viên đến từ 6 huyện, gồm: Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Hoài Ân, Tây Sơn và Phù Cát, mỗi đoàn có từ 10 phụ nữ trở lên. Các nội dung trình diễn cồng chiêng được xen kẽ với các tiết mục ca nhạc của các nghệ sĩ Bình Định và Hà Nội. Các đội biểu diễn 10 phút, kết hợp với điệu múa Xoang, tạo không khí miền núi của đồng bào dân tộc thiểu số giữa lòng thành phố biển.
Tiết mục múa cồng chiêng |
Sau đêm Liên hoan, UBND tỉnh có cuộc gặp mặt các già làng và nghệ nhân của 6 huyện. Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng thăm hỏi, động viên các nghệ nhân tiếp tục duy trì và phát triển truyền thống âm nhạc cồng chiêng của dân tộc mình.
Ông Trần Quốc Lại, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh Bình Định vừa cơ bản hoàn thành việc cấp 119 bộ nhạc cụ cồng, chiêng cho các làng đồng bào dân tộc thiểu số và đặt mua thêm 40 bộ nhạc cụ cồng, chiêng mới để cấp cho 40 trường Phổ thông dân tộc nội trú, bán trú ở các huyện, thành phố trong tỉnh. Đây là chủ trương tiếp theo của tỉnh nhằm đào tạo thêm môn âm nhạc cồng chiêng cho con em đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong nhiều năm qua, Bình Định triển khai công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn theo định hướng “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Việc làm trên phù hợp với bản sắc văn hóa truyền thống là một chủ trương đúng đắn của tỉnh Bình Định.
Tại huyện miền núi Vĩnh Thạnh, Ban Dân tộc tổ chức nghiệm thu, bàn giao 31 bộ nhạc cụ cồng, chiêng cho các làng, thôn của xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim, Vĩnh Hảo, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hòa, Vĩnh Thuận và Thị trấn Vĩnh Thạnh. Tại huyện Tây Sơn và Phù Cát cấp 9 bộ nhạc cụ cồng, chiêng cho các làng, thôn thuộc các xã Vĩnh An, Bình Tân, Tây Xuân (Tây Sơn) và xã Cát Sơn, Cát Lâm (Phù Cát); huyện miền núi Vân Canh cấp cồng chiêng cho 3 làng thuộc xã Canh Hòa; 5 làng thuộc xã Canh Thuận; 4 làng thuộc xã Canh Hiệp và 4 làng thuộc thị trấn Vân Canh. Huyện trung du Hoài Ân cũng cấp 11 bộ nhạc cụ cồng, chiêng cho 5 thôn của xã Bók Tới; 4 thôn của xã Đắk Mang và 2 thôn thuộc xã Ân Sơn.
Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện An Lão, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức nghiệm thu kĩ thuật và bàn giao 40 bộ cồng, chiêng cho các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc 9 xã, thị trấn. Tổng cộng có 119 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Định đã được cấp bộ cồng, chiêng chế tác theo truyền thống của dân tộc mình. Kinh phí mua sắm 119 bộ cồng, chiêng cấp phát cho các bản làng đều do ngân sách của tỉnh tài trợ…
Tỉnh Bình Định từ nhiều năm nay đã tích cực tổ chức các lễ hội cồng chiêng truyền thống thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách, đặc biệt là đối với những du khách quốc tế. Cồng, chiêng không chỉ là tài sản mà còn là niềm tự hào của từng gia đình, dòng họ, làng bản và từng sắc tộc. Trong đó giá trị cao nhất chính là văn hóa tâm linh, nét đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Lễ hội trình diễn âm nhạc cồng chiêng lần thứ Nhất, năm 2019 góp phần thiết thực “giữ lửa” đam mê trong các cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số Bana, Chăm, Hrê của miền đất võ Bình Định…