“Trao cần câu” cho người nghèo
Đời sống 30/11/2023 10:02
Giúp nông dân phát triển kinh tế
Thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, kiểm tra việc bình xét cho vay bảo đảm công khai, minh bạch; giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng quy định. Tạo điều kiện cho các hộ hội viên được tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế gia đình.
Ông Huỳnh Văn Hiền, ở ấp Long Tân, xã Long Giang, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang cho biết, khi ông có gia đình, lập nghiệp với tài sản chỉ 1ha đất sản xuất lúa. Vợ chồng ông chăm chỉ làm ăn, ngoài thời gian gieo cấy trên đất nhà, ông tranh thủ làm thuê để có thêm thu nhập nuôi 3 đứa con ăn học. Làm ruộng 2 vụ một năm chỉ đủ ăn.
Bàn giao bò giống cho các hộ dân. |
Đến năm 2016, ông được Hội Nông dân xã xét giới thiệu vay vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH được 50 triệu đồng, kì hạn 5 năm. Ông mua 1 con bò về nuôi, số vốn còn lại đầu tư sản xuất lúa. Chủ động được nguồn vốn để mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên các vụ lúa trong năm đều đạt năng suất cao. Vụ nào ông cũng có lãi, cộng với con bò sinh sản mỗi năm 1 con, sau 3 năm ông có đàn bò 6, 7 con. Thời điểm bò bán được giá, lời nhiều ông dành dụm mua thêm đất, cứ thế mỗi năm một ít, đến nay ông có căn nhà tường khang trang với 6ha đất sản xuất nông nghiệp.
Còn ông Đỗ Văn Dì, ở ấp Long Hòa, hiện canh tác 5ha lúa. Ông cũng là hội viên nông dân vươn lên làm giàu nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH. Ban đầu ông có 8 công ruộng, được vay vốn ưu đãi, ông nuôi heo và bò, gây dựng dần, ông mua thêm hơn 4ha đất nông nghiệp, 2 căn nhà mặt tiền. Hiện nay các con đã trưởng thành, có gia đình riêng làm ăn khá giả.
Cũng nhờ vốn vay Ngân hàng CSXH, chị Nguyễn Thị Lệ Thanh, ở xã Long Giang thành lập tổ may gia công, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động, thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng. Công việc rất nhẹ nhàng, nhân công đến nhà chị để may, có người được nhận máy và hàng về nhà may, vừa làm vừa có thể giải quyết việc gia đình, tăng thu nhập.
Đáng chú ý, nguồn vốn CSXH ngoài tính hiệu quả về kinh tế còn mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giải quyết nhiều vấn đề về xã hội, trong đó có việc hạn chế vay vốn lãi suất cao.
Bảo đảm vốn vay cho người nghèo
Thời gian qua, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm từ Ngân hàng CSXH tỉnh đã giúp nhiều hộ dân có thêm điều kiện mở rộng sản xuất, phát triển kinh doanh, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống theo hướng bền vững.
Qua quá trình sử dụng cho thấy, nguồn vốn vay giải quyết việc làm đã tạo “cú hích” quan trọng giúp cải thiện thu nhập, đời sống cho người dân, giảm tỉ lệ thất nghiệp nông thôn và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hỗ trợ người dân vay vốn tín dụng chính sách. |
Nhờ vốn vay từ Ngân hàng CSXH cùng với nguồn vốn của gia đình mà nhiều hộ dân thuộc diện khó khăn trong tỉnh đã vươn lên khá giả, làm giàu chính đáng. Hiệu quả của chương trình này ngoài việc giúp tạo việc làm, cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống, sinh hoạt cho người dân, còn góp phần ngăn chặn đẩy lùi tín dụng đen, thực hiện tốt chương trình mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Đáng chú ý, các khoản cho vay đến hạn thu hồi được khách hàng trả nợ đúng hạn và được Ngân hàng CSXH tái đầu tư cho vay kịp thời. Kết quả đạt được đến 31/10/2023, tổng nguồn vốn đạt 4.534 tỉ đồng, tăng 400 tỉ đồng so với cuối năm 2022, tỉ lệ tăng 9,68%. Trong 10 tháng đầu năm 2023, tổng doanh số cho vay đạt 990,22 tỉ đồng, với 26.346 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn; so với cùng kì năm 2022, tổng doanh số thu nợ đạt 589,56 tỉ đồng. Tổng dư nợ tín dụng đến 31/10/2023 đạt 4.527 tỉ đồng, tăng 396 tỉ đồng, tỉ lệ tăng 9,59% so với cuối năm 2022 với 150.735 hộ còn dư nợ. Cho 6 người hoàn lương vay 360 triệu đồng.
Nguồn vốn cho vay kịp thời phát huy hiệu quả, đáp ứng mục tiêu thiết thực của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Các khoản cho vay đến hạn thu hồi được khách hàng trả nợ đúng hạn. Khoản vốn này được Ngân hàng CSXH tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức Hội đoàn thể tái đầu tư cho vay kịp thời nhằm giúp duy trì ổn định sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm, ổn định thu nhập người dân.
Nhằm thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, Ngân hàng CSXH tỉnh tập trung tổ chức triển khai thực hiện tốt chỉ tiêu kế hoạch dư nợ các chương trình tín dụng chính sách cho vay ưu đãi và hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được giao năm 2023 bảo đảm kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Nâng mức cho vay các chương trình, bảo đảm đầu tư vốn hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; từng bước nâng mức dư nợ bình quân/hộ.
Tiếp tục phối hợp Ban Dân tộc, chính quyền địa phương và các ngành liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.