20 năm giúp người dân vươn lên thoát nghèo
Kinh tế 20/09/2022 09:53
Giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã
Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 được Chính phủ ban hành cùng với sự ra đời của NHCSXH có thể được xem là một bước đột phá quan trọng thể hiện sự quyết tâm của Đảng, Chính phủ trong việc tách tín dụng ưu đãi ra khỏi tín dụng thương mại để triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách.
Kết quả trong 20 năm qua của NHCSXH thành phố Châu Đốc đã tổ chức được 7 điểm giao dịch tại 7 xã, phường. Tại điểm giao dịch đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận tín dụng chính sách thuận lợi, dễ dàng. Bên cạnh đó, NH đã xây dựng được mạng lưới 179 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) với 8.031 tổ viên tại khắp các khóm, ấp, dư nợ bình quân là 1.482 triệu đồng/tổ. Tổ TK&VV là cánh tay nối dài trực tiếp thực hiện họp bình xét vay vốn, giám sát việc sử dụng vốn vay, tuyên truyền ý thức trả nợ của người vay, vận động tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm, thực hiện tốt công tác thu lãi, thu tiết kiệm…
Người dân đến nhận tiền vay vốn hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết 11. |
Đáng chú ý, các nguồn lực tài chính đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến 31/5/2022, NHCSXH thành phố có tổng nguồn vốn 269.027 triệu đồng, tăng 258.257 triệu đồng so với mới thành lập năm 2003. Cơ cấu nguồn vốn gồm, nguồn vốn cân đối từ trung ương là 229.243 triệu đồng, tăng 175.569 triệu đồng so với năm 2003. Vốn huy động được trung ương cấp bù lãi suất là 42.968 triệu đồng. Trong đó, huy động tiền gửi tiết kiệm dân cư 10.391 triệu đồng, huy động tiết kiệm thông qua tổ TK&VV 32.577 triệu đồng, chiếm 76% nguồn vốn huy động.
Sau 20 năm phát triển, NHCSXH thành phố thực hiện cho vay 13 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ đạt 268.252 triệu đồng, tăng 257.269 triệu đồng so với năm 2003. Toàn bộ dư nợ tín dụng trong hạn đã phát huy hiệu quả, tất cả hộ vay vốn có tích lũy tham gia gửi tiết kiệm với số dư tiết kiệm 1.410 triệu đồng. Từ việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, các hộ vay vốn đã từng bước vượt quá khó khăn vươn lên thoát nghèo góp phần phát triển kinh tế địa phương, giảm tỉ lệ hộ nghèo của thành phố giai đoạn 2016-2021 từ 2% xuống còn 0%.
Tiếp tục đẩy mạnh tín dụng chính sách
Qua 20 năm tổ chức triển khai tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, thành phố đã đạt kết quả nổi bật, huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian tới, NHCSXH thành phố Châu Đốc tập trung vào một số công việc chính:
Một là, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, văn bản chỉ đạo số 258-CV/TU của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Kế hoạch số 246/KH-UBND của UBND tỉnh, phát huy vai trò chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp trong tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội.
Hai là, tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để dành nguồn lực cho hoạt động tín dụng chính sách, đưa việc bố trí ngân sách chuyển vốn ủy thác qua NHCSXH hằng năm để bổ sung nguồn vốn cho vay đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn vào chương trình, kế hoạch của thành phố.
Ba là, quan tâm gắn triển khai tín dụng chính sách với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển làng nghề truyền thống, phát triển các sản phẩm, mô hình sản xuất xanh, mô hình sản xuất theo chuỗi cung ứng trên địa bàn.
Bốn là, tiếp tục quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Điểm giao dịch xã, chất lượng hoạt động ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội và đặc biệt là hoạt động của các Tổ TK&VV trên địa bàn, bảo đảm hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.
Năm là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền về chủ trương tín dụng chính sách, xem đây là giải pháp quan trọng góp phần chuyển tải kịp thời tín dụng chính sách đến các đối tượng thụ hưởng cũng như phát huy vai trò giám sát của toàn dân, của các cấp, các ngành đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
Sáu là, quan tâm làm tốt và thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát của các cấp, các ngành, nhất là tại cấp cơ sở, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách, góp phần ngăn ngừa, hạn chế những tiêu cực phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.