Năm Thìn cuối cùng của Bác và những dấu ấn không thể nào quên
Nhịp sống 02/09/2024 08:06
Còn nhớ, vào những ngày giáp Tết Giáp Thìn (1964), Người đã đến với công nhân khu gang thép Thái Nguyên - công trình lớn đầu tiên của ngành công nghiệp gang thép non trẻ nước ta. Người hài lòng khi được chứng kiến không khí vui tươi, phấn khởi đón năm mới và mừng thành tích một năm lao động hết mình của những người lao động trên công trường. Người khẳng định: “Cán bộ và công nhân có thể tự hào rằng sau hơn 3 năm lao động cần cù, tự tay mình đã ngăn sông, xẻ núi, xây dựng một khu gang thép to lớn đầu tiên của nước ta. Mọi người đã góp phần mình vào công nghiệp hóa XHCN...”. Trong không khí nồng ấm, Người ân cần căn dặn: “Để làm ra gang thép tốt thì mỗi người công nhân và cán bộ phải tôi luyện tinh thần cách mạng, lập trường giai cấp và ý thức làm chủ phải cứng rắn như thép, như gang...”. Sâu sắc và chân lí biết nhường nào về những lời dạy của Bác trong những giờ phút thiêng liêng của năm mới đối với công nhân khu gang thép. Ngày 3/2/1964, để “Mừng Đảng ta 34 tuổi”, Bác viết bài đăng trên báo Nhân Dân, mở đầu bằng 2 vần thơ: “Công đức Đảng ta như biển rộng, như trời cao/ Băm tư năm ấy biết bao nhiêu tình”. Không lâu sau, vào tối 30 Tết, Bác đến thăm và chúc Tết cán bộ công nhân tại Khu tập thể Nhà máy Cao su, Nhà máy Xà phòng, Nhà máy Thuốc lá; Khu tập thể cán bộ miền Nam tập kết ở phố Phan Đình Phùng và một số gia đình ở Hà Nội. Đêm Giao thừa Tết Giáp Thìn, Bác có lời thơ chúc mừng năm mới: Bắc Nam như cội với cành/ Anh em ruột thịt, đấu tranh một lòng/ Rồi đây thống nhất thành công/ Bắc Nam ta lại vui chung một nhà/ Mấy lời thân ái nôm na/ Vừa là kêu gọi vừa là mừng Xuân.
Sáng mùng 1 Tết, Bác đến thăm và chúc Tết Huyện uỷ, Uỷ ban Hành chính huyện Đông Anh (Hà Nội); thăm và chúc Tết cán bộ, công nhân trạm biến thế điện và hợp tác xã nông nghiệp Lỗ Khê, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, đơn vị có nhiều thành tích trong phong trào sản xuất và tiết kiệm. Nói chuyện với bà con nông dân hợp tác xã Lỗ Khê, Bác căn dặn phải chú ý phát triển hoa màu, chăn nuôi, trồng nhiều cây và chăm sóc cây tốt, đẩy mạnh vệ sinh phòng bệnh. Bác khen câu khẩu hiện bằng thơ ở trên đình làng: Đón Xuân mở hội làm giàu/ Mừng Xuân cần kiệm lúa màu tốt tươi.
Cũng trong buổi sáng mùng 1 Tết Giáp Thìn, Bác đến thăm chúc Tết Đại đội 130, Trung đoàn Phòng không 260 bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Cán bộ, chiến sĩ đại đội sung sướng đón Bác ngay tại trận địa. Sau khi đi một vòng quanh doanh trại kiểm tra nhà bếp, nhà ăn, Bác thân tình hỏi thăm tình hình sức khỏe và tình hình vui Tết của đơn vị, rồi nói: “Hôm nay, Bác và các đồng chí Trung ương đến thăm các chú. Bác thấy chú nào cũng khỏe mạnh, vui vẻ, Bác mừng. Đơn vị các chú được thưởng cờ, doanh trại ngăn nắp, vệ sinh sạch sẽ, như vậy là rất tốt. Bác chúc các chú năm mới mạnh khỏe, thắng lợi và nhờ các chú chuyển lời chúc Tết của Bác và các đồng chí Trung ương tới gia đình các chú”. Nói xong, Bác âu yếm nhìn cán bộ chiến sĩ và hỏi trong xúc động: “Các chú thấy đồng bào miền Nam chiến đấu có giỏi không, có dũng cảm không?”. Tất cả cùng đồng thanh: “Thưa Bác, có ạ”. Giọng Bác hiền từ: “Vậy ta phải học tập quân và dân miền Nam anh hùng. Đế quốc Mỹ còn nhiều âm mưu thâm độc, các chú phải luôn luôn cảnh giác và lúc nào cũng sẵn sàng chiến đấu. Phải kiên quyết bắn rơi máy bay địch nếu chúng liều lĩnh xâm phạm vùng trời miền Bắc nước ta. Muốn làm được như vậy, năm nay các chú phải ra sức rèn luyện kĩ thuật cho giỏi. Cán bộ, chiến sĩ cần đoàn kết chặt chẽ, thương yêu nhau như anh em một nhà”. Lời căn dặn của Bác như là một mệnh lệnh đầu năm. Tất cả cán bộ, chiến sĩ cùng đồng thanh hô vang: “Quyết tâm làm theo lời Bác dạy!”; “Kính chúc Bác mạnh khỏe, sống lâu”.
Theo phong tục của dân tộc, đi xông đất vào sáng mùng 1 Tết là việc làm thiêng liêng. Bác đã dành thời khắc thiêng liêng này để đến với Bộ đội Phòng không-Không quân, sắp bước vào cuộc chiến đấu mới với không quân Mỹ.
Vâng, có thể nói, đây là những năm tháng Người đau đáu nghĩ về miền Nam thân yêu. Sản xuất cũng vì miền Nam, quyết tâm đánh thắng giặc trên bầu trời miền Bắc cũng vì miền Nam. Trong Hội nghị Chính trị đặc biệt vào cuối tháng 3/1964, Người chỉ thị cho đồng bào, cán bộ miền Bắc “mỗi người chúng ta phải làm việc bằng hai để đền đáp cho đồng bào miền Nam ruột thịt”. Theo Người, làm việc bằng hai không có nghĩa là tăng thời gian lao động mà phải xem “tám giờ làm việc là tám giờ vàng ngọc, không lãng phí, chăm lo cải tiến kĩ thuật, nâng cao năng suất lao động”.
Cuối tháng 9/1964, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Thiếu tướng Lê Trọng Tấn được cử vào chiến trường công tác, Bác mời cơm thân mật và căn dặn: “Đánh Pháp đã khó, đánh Mỹ còn khó hơn. Đảng và Chính phủ giao cho các chú vào trong đó cùng với đồng bào miền Nam đánh Mỹ cho kì được thắng lợi”. Rồi Bác trầm giọng: “Gặp đồng bào thì nói: Bác Hồ luôn luôn nghĩ tới đồng bào miền Nam”. Đánh thắng Mỹ để giải phóng hoàn toàn miền Nam là quyết tâm lớn của Người và Đảng ta. Ngày 9/11/1964, Người tâm sự với Đoàn Không quân Sao Đỏ rằng: “Tổ tiên ta ngày xưa đã có những chiến công oanh liệt trên sông, trên biển như Bạch Đằng, Hàm Tử; trên bộ như Chi Lăng, Vạn Kiếp, Đống Đa. Ngày nay chúng ta phải mở mặt trận trên không thắng lợi (…). Phải phát huy cách đánh truyền thống của ta. Không ngại không quân địch hiện đại. Hãy bắt chước chiến sĩ đồng bào miền Nam, nắm thắt lưng địch mà đánh”. Vào dịp kỉ niệm 20 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, Người lại tiếp tục khẳng định: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. 11 năm sau (mùa Xuân năm 1975), lời của Người đã được toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta thực hiện một cách trọn vẹn.
Cũng vào năm Giáp Thìn 1964, Bác còn để lại cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc khác. Ngày 30/4/1964, nói chuyện với Đại hội Liên hoan Phụ nữ “5 tốt”, Bác khẳng định: “Ngay từ lúc đầu, Đảng và Nhà nước ta đã thi hành chính sách đối với phụ nữ cũng được bình quyền, bình đẳng với đàn ông”. Phân tích những nội dung của “5 tốt”, Bác nhấn mạnh: “Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là con đường đi đến xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, xây dựng hạnh phúc cho Nhân dân. Tăng gia là tay phải của hạnh phúc, tiết kiệm là tay trái của hạnh phúc”. Về nội dung “gia đình”, Bác đưa ra quan niệm: “Gia là nhà, đình là sân. Theo nghĩa cũ thì gia đình chỉ giới hạn hẹp trong cái nhà, cái sân. Nghĩa là chỉ lo cho cha mẹ, vợ con trong nhà mình ấm no, yên ổn, ngoài ra ai nghèo khổ mặc ai. Như thế là ích kỉ, là không tốt. Theo nghĩa mới thì gia đình rộng rãi hơn, tốt đẹp hơn. Ví dụ những người cùng lao động trong một nhà máy, một cơ quan, trong một hợp tác xã... đều phải đoàn kết và thương yêu nhau như là anh em trong một gia đình. Ta có câu hát: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước thì thương nhau cùng”.
Đặc biệt, thời kì này dù Bác bận trăm công ngàn chuyện, nhưng Bác vẫn luôn canh cánh một nỗi niềm về sự xuống cấp của một số cán bộ, đảng viên. Trong một hội nghị Ban Bí thư, Người đã từng lưu ý: “Phải xóa bỏ nạn cường hào mới”; phải tổ chức tốt cuộc vận động “Ba xây, ba chống”. Tại một cuộc họp của Bộ Chính trị, Người nêu câu hỏi: “Tại sao dưới động, trên không động, nhỏ động, lớn không động?”. Bác phê bình những cán bộ làm việc không hết lòng hết sức, không dám phát động phong trào… Một số cán bộ, đảng viên còn thấp kém về tinh thần và đạo đức cách mạng, còn mang nặng chủ nghĩa cá nhân. Coi Đảng như một cái cầu thang để thăng quan phát tài …
Giáp Thìn 1964 đến Giáp Thìn 2024 này, tròn 60 năm, nhưng trong mỗi chúng ta vẫn còn như đọng lại nguyên vẹn những lời dạy của Người. Những lời dạy bảo ấy của Người cho đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự và giá trị thực tiễn sâu sắc. Năm Giáp Thìn (2024) này, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta vẫn tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người mãi mãi là ngọn lửa truyền kì soi đường cho chúng ta vững bước trên con đường hội nhập và phát triển.