Mang tiếng đàn xóa những xót xa
Nhịp sống 15/08/2024 08:41
Trong tiếng đàn chiều
Chiều cuối tuần, trong sân chơi của khuôn viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) vang lên những tiếng cười vui của những đứa trẻ, cùng với đó là âm thanh bập bùng của những cây giutar thùng, những cây Ukelele chưa là bản nhạc hoàn chỉnh, nhưng vẫn đầy những sống động tươi vui.
Anh Trương Lương Hy, chủ cơ sở dạy đàn Mi-Fa-Do tỉ mẩn cầm tay một cậu bé nhỏ, hướng dẫn bấm từng nốt, gảy từng dây đàn. Những đứa trẻ ở đây đều là những đứa trẻ không may mắn khi bị khuyết tật một phần cơ thể, và phần nhiều là những em khiếm thị. Thi thoảng, người thầy dạy đàn cho những đứa trẻ đặc biệt này lại ôm lấy cây đàn, dạo những khúc intro hay điệp khúc để cho các em nhỏ ngẩn người lắng nghe.
Anh Lương Hy tận tụy với từng đứa trẻ, như muốn thổi vào đó những ước mơ. |
Chàng trai trẻ với mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ đến từng đứa trẻ hướng dẫn cách bấm hợp âm, cách giữ nhịp, cách thể hiện hồn của từng bài hát. Anh miệt mài, nhẫn nại và đầy âu yếm như thế. Niềm đam mê của anh, ước vọng của anh gửi vào từng tiếng đàn cho những đứa trẻ qua những buổi dạy miễn phí như vậy. Những lớp học đàn miễn phí của anh dạy cho nhiều lứa tuổi, có đứa nhỏ 9 tuổi, có em cũng đã 18 tuổi, đều là những đứa trẻ kém may mắn hay bị khiếm thị ở trung tâm. Lương Hy nhớ lại cái ngày anh cùng người đàn ông mù chơi đàn và hát cùng nhau tại một trung tâm massage người mù, để rồi sau đó, nảy nở trong anh việc dạy đàn miễn phí cho những người khiếm thị, đặc biệt là những trẻ em khiếm thị.
Tâm tư ấy của anh, khao khát dành cho người khiếm thị, mà đặc biệt là những trẻ em đã đưa anh đến với Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng. Chuyện về cuộc đời không may mắn của những đứa trẻ, anh không muốn nói nhiều, anh chỉ muốn các em giãi bày qua từng câu hát, từng phím đàn nhẹ nhàng mà da diết, có lúc bâng khuâng và ồn ào mãnh liệt như chính nỗi lòng chất chứa vô vàn tâm sự của thanh âm cần phát ra.
Thanh âm của hi vọng
Việc dạy không chỉ cần chuyên môn mà còn phải có tâm và tình yêu thương. Đó chính là sự đồng cảm đối với mỗi đứa trẻ theo học tại đây. Anh Hy chia sẻ: “Ban đầu, việc dạy đàn guitar cho các em nhỏ bị khiếm khuyết gặp khá nhiều khó khăn. Với người bình thường, học 3 tháng có thể tự đàn, tự hát một số bài cơ bản. Còn với các em nhỏ ở trung tâm, việc thành thục kĩ năng đàn gần như là không dễ”. Mặc dù đầy khó khăn, nhưng Hy vẫn không hề bỏ cuộc, mà ngược lại còn tràn đầy nhiệt huyết chỉ dạy cho các em nơi đây. Anh tâm niệm, việc dạy học đã mang đến niềm vui, tạo một sân chơi cho các em, bên cạnh đó là sự sẻ chia, sự đồng cảm với những mảnh đời không may bị khiếm khuyết. Với những đứa trẻ ấy, những khó khăn khi dạy là điều tất yếu, nhưng anh chỉ cần các em cảm nhận được âm nhạc, hòa mình cùng với âm nhạc trong niềm vui vẻ, sự thoải mái.
Các em nhỏ vừa đàn vừa hát trong khuôn viên trung tâm. |
Để dạy cho các em nhỏ khiếm thị, anh Hy cùng các bạn hỗ trợ khác phải trực tiếp cầm tay, hướng dẫn từng động tác, uốn nắn kĩ để các em hình dung được. Có lúc, chỉ cách bấm nốt, gẩy đàn cơ bản, anh cũng phải dạy đi dạy lại rất nhiều buổi. Mỗi khi một cô bé, cậu bé nào đó hoàn thành một đoạn nhạc, một giai điệu lại khoe với anh cùng tiếng cười, đối với anh, đây chính là niềm hạnh phúc. Nguyễn Tuấn Hậu, 19 tuổi, quê ở xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi nhưng suy giảm thị lực hơn 8% từ khi còn nhỏ, dường như Hậu là “anh cả” của những cô bé, cậu bé ở đây mỗi ngày tập đàn. Hậu biết đến âm nhạc và cũng có học qua một số nhạc cụ, nhưng cũng chỉ là học lỏm bằng cảm âm của riêng mình, thế nên khi anh Lương Hy tổ chức dạy đàn miễn phí, Hậu cũng tham gia học và hướng dẫn thêm cho các em mỗi khi không có người lớn. “Mặc dù rất yêu thích, nhưng mắt kém, không nhìn rõ dây đàn nên rất khó khăn trong việc học. Quãng thời gian ban đầu, thầy Hy đã chỉ dạy, động viên tinh thần để giúp bọn em ngày càng nỗ lực, đam mê cây đàn guitar hơn nữa”.
Các nhà hảo tâm tặng đàn cho các em khiếm thị. |
Được tặng những cây đàn mới từ dự án “Âm nhạc cho trẻ thơ”, do anh Lương Hy cùng sự hỗ trợ của anh Nguyễn Bửu Thăng và các nhà hảo tâm, nhiều em nhỏ mân mê từng đường nét của cây đàn, rồi bất chợt đưa cây đàn lên mũi để hít hà mùi gỗ mới. Nhìn sự nâng niu với từng cây đàn của những em khiếm thị, anh Hy cũng như nhiều người khác đều không khỏi cảm thấy rưng rưng. Với Lương Hy, anh luôn mong cuộc đời này ai cũng xứng đáng được hạnh phúc và bình an, và chính âm nhạc giúp chiếu sáng vào cõi sâu thẳm trong trái tim của các em, giúp mường tượng ra một cuộc sống đầy màu sắc, âm nhạc sẽ đóng góp một phần để các em có được cuộc đời an vui ấy.
Bà Đỗ Thị Đỗ Quyên, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng cho biết, anh Lương Hy dạy các em khuyết tật về âm nhạc tại trung tâm này, những việc làm này xuất phát từ tình thương của người anh đối với các em. Việc làm của anh Hy rất đáng trân trọng.
Với khát khao chữa lành tâm hồn cho các em, anh Hy đang có những ấp ủ, dự định dài hơi cho dự án của mình. Không chỉ dạy đàn cho các em, anh Hy cùng với nhiều bạn bè của mình thường xuyên cùng các hội nhóm tổ chức các hoạt động thiện nguyện hướng về các đối tượng yếu thế như người khuyết tật, các em nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số. Anh Lương Hy cho rằng: “Mình cứ sống tốt, thì cuộc đời sẽ tươi đẹp hơn thôi! Biết đâu sau này, các em có thể sống được với đam mê này thì sao!”.