“Kế hoạch nhỏ” do người lớn thực hiện!?
Nhịp sống 23/05/2024 10:27
Chuẩn bị kết thúc năm học lớp 5, cháu lại gọi điện xin tôi 6kg báo cũ để tiếp tục làm kế hoạch nhỏ. Tôi chưa hiểu tại sao lại là 5-6kg thì tình cờ nghe được cô giáo có trường đóng gần cơ quan tôi công tác, thông báo cho các em học sinh Tiểu học trong tuần đem nộp giấy, báo cũ, vỏ chai nước nhựa, vỏ lon bia... cho nhà trường theo phong trào “Kế hoạch nhỏ”, tối thiểu là 3kg, em nào đóng nhiều sẽ được biểu dương khen thưởng. Thì ra là vậy(!).
Tôi về hỏi cháu có được cô giáo khen không? Cháu hồ hởi: “Có chứ ạ, cháu đóng nhiều thứ 2 ở lớp. Nhưng sao ông biết ạ?”. Tôi cười: “Bí mật. Nhưng phải khen ông chứ nhỉ?”. Cháu vội xua tay: “Không được đâu ông ạ bởi vì ông đã cho cháu rồi cơ mà!”.
Ảnh minh hoạ |
Vậy là nhiều trường hiện nay có phong trào “Kế hoạch nhỏ”. Đây là một phong trào rất có ý nghĩa trong việc giáo dục các cháu ý thức tận dụng, thu gom giấy lề, giấy loại hoặc chai lọ nhựa, vỏ lon bia, nước ngọt... đưa về làm nguyên liệu tái chế cho các nhà máy sản xuất giấy, các cơ sở chế biến phế liệu... giúp cho các nhà máy này hạn chế được việc sử dụng nguyên liệu tre, nứa, gỗ hoặc các nguyên liệu chính phẩm. Đồng thời cũng giảm lượng sử dụng điện năng, hóa chất nấu tẩy ảnh hưởng đến môi trường sống của cộng đồng xã hội, từ đó giảm được một phần chi phí sản xuất kinh doanh góp phần hạ giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước với sản phẩm giấy, hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài. Nhưng hình như phong trào mới chỉ có “phát” mà chưa có “động” thường xuyên trong suốt cả năm học nên mới có hiện tượng cứ vào cuối năm, nhà trường mới thông báo các cháu đem sản phẩm đến nộp. Và khi đó mới lo đi tìm sản phẩm bằng cách nhờ bố, mẹ, ông, bà giúp. Không phải chỉ riêng cháu nhà tôi xin báo của ông làm “kế hoạch nhỏ” mà những cháu ở trong khu dân cư nơi tôi sinh sống cũng như vậy.
Thiết nghĩ, đã đề ra mục tiêu phong trào là thu gom giấy loại, phế liệu... làm kế hoạch nhỏ thì nên có giải pháp thực hiện đi kèm, thường xuyên hoặc định kì có kiểm tra sơ kết nhắc nhở để các cháu nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa của phong trào, từ đó có hành động tự giác trực tiếp thu nhặt gom giấy loại, các loại phế liệu phế thải hằng ngày để các cháu thực sự là người thực hiện phong trào chứ không phải là ông bà, bố mẹ các cháu thu gom giúp. Mong các trường cần quan tâm hơn để phong trào thực sự có “phát” và có “động”, nhằm tạo nên phong trào có ý nghĩa thiết thực, từ đó sẽ đạt hiệu quả cao trong việc giáo dục ý thức các cháu học sinh thông qua hoạt động của trường.