Chủ động bảo vệ nguồn nước ngọt
Nhịp sống 08/08/2024 09:13
Nước ngọt ở các sông ngòi, đầm ao hồ chỉ chiếm 40 nghìn tỉ mét khối. Đầu thế kỉ XX cả hành tinh có 1,5 tỉ người. Cuối thế kỉ XX đã lên đến 6 tỉ người, và hiện nay đã là 8 tỉ người. Cho nên ở rất nhiều quốc gia hiện nay đang ở trong tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng.
Có người quan niệm: Mùa mưa tới, sông hồ lại đầy nước. Nhưng đâu phải như vậy. Nước ở sông hồ bốc hơi thành mây mưa, có tới 60% lượng nước mưa lại bốc hơi thành mưa, 25% ngấm xuống đất, 15% trở lại sông suối, ao hồ. Cho nên, nguồn nước ngọt ngày càng khan hiếm, nguồn của nó không phải vô tận. Nhiều triệu héc-ta đất đai, ruộng vườn không có nước lại tiếp tục trở nên hoang hóa, khô cằn. Nhiều thế kỉ trước, ở nhiều vùng đất rộng lớn đã bị xóa sổ vì không có nước, do sự cạn kiệt nguồn nước, trong đó có nước ngầm.
Tất cả các loài vi sinh vật, động thực vật và cả con người sống được đều nhờ vào nước. Không có nước, cuộc sống sẽ tàn lụi. Phân tích sâu hơn một chút thì cơ thể con người chứa tới 70% là nước. Không có nước, máu sẽ khô không thể lưu thông được, không có chất điện giải, trao đổi chất và thải độc được. Hằng ngày mỗi người cần phải nạp vào cơ thể từ 1,5 - 2 lít nước, mới đủ cho sự sống, không sinh bệnh. Như thế để có đủ nguồn nước phục vụ cho ăn uống, sinh hoạt.
Chủ động bảo vệ nguồn nước ngọt |
Chúng ta phụ thuộc vào nguồn nước mặt. Ở miền Bắc, là hệ thống sông Hồng, ở miền Nam là hệ thống sông Đồng Nai và sông Mekong tưới mát, cung cấp nước ăn uống, trồng trọt cho đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long. Ở thượng nguồn sông Hồng, do làm các đập thủy điện, từ Trung Quốc (cả ở Việt Nam) nên lượng nước về xuôi đều giảm. Ở thượng nguồn sông Mekong từ Trung Quốc chảy qua Lào, Campuchia, rồi về đến Việt Nam. Tại đây Trung Quốc và Lào đã xây dựng nhiều đập thủy điện. Do vậy, lượng nước từ dòng Me kong về đến Việt Nam (đổ vào 9 nhánh sông Cửu Long) đã giảm đi rất nhiều, nhất là về mùa khô.
Đã rất nhiều năm, ở nhiều nơi, chúng ta không giữ được rừng phòng hộ, nạn chặt phá rừng ở thượng nguồn đã làm cho tình trạng thiếu nước ngày càng thêm trầm trọng. Gây lũ ống, lũ quét, sạt lở đất rất nghiêm trọng vào mùa mưa, nhưng mùa khô thì lại thiếu nước cho các dòng sông suối không đủ phục vụ cho sản xuất đời sống. Ao, hồ, đầm… là nơi tích trữ nước để tưới tiêu, mà cũng là nơi khai thác nước ngọt để phục vụ ăn uống, phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên nhiều nơi lại đua nhau san lấp, để phân lô, bán nền, chia chác kiếm ăn, hay sử dụng vào mục đích khác. Rút cuộc là mùa khô không có nước tưới, làm cho năng suất cây trồng giảm sản lượng, thậm chí nhiều cánh đồng bị bỏ hoang không thể sản xuất thu hoạch. Bên cạnh đó, việc khai thác nước ngầm cũng vô tội vạ, làm suy giảm nguồn nước ngầm. Nguồn nước thải độc hại, chưa qua xử lí lại đổ ra sông, suối làm ô nhiễm nặng nguồn nước mặt, gây ra tình trạng thiếu nước sạch rất nghiêm trọng…
Để bảo vệ nguồn nước ngọt, mỗi người dân phải chủ động nêu cao ý thức giữ gìn nguồn nước. Không dùng nguồn nước ngầm bừa bãi, lãng phí. Xây những bể có dung tích lớn để chứa nước mưa (nếu có đất rộng, nhất là ở nông thôn), sử dụng nguồn nước này trong ăn uống, sinh hoạt. Không lấp ao hồ để làm nơi trữ nước, vừa thả cá tôm, vừa làm mát cho môi trường, không gian, đây là nguồn tưới tiêu cho việc trồng hoa màu, cây trái. Không phá rừng bừa bãi, bởi rừng có vai trò quan trọng trong việc giữ đất, hạn chế tối đa sạt lở và giữ được nguồn nước qúy.
Đối với Nhà nước, cần có biện pháp bảo vệ rừng phòng hộ một cách hiệu quả. Nghiêm cấm việc chặt phá rừng phòng hộ, rừng nguyên sinh. Không cho ngăn sông đắp đập bừa bãi, để làm thủy điện vừa và nhỏ, vừa mất rừng, vừa mất nước, ảnh hưởng tới sinh hoạt của Nhân dân vùng hạ lưu. Cần tập trung xây dựng các hồ chứa nước để trữ nước, phục vụ cho sản xuất, đời sống. Chú ý đến các vùng thiếu nước ở đồng bằng sông Cửu Long, khi nguy cơ thiếu nước ngọt và bị xâm nhập mặn đã và đang rất nghiêm trọng.
Nước ngọt là nguồn vô cùng qúy giá, do vậy phải tập trung các nguồn lực, tích cực giải quyết, không để tình trạng thiếu nước ngọt xảy ra ở nhiều vùng, và những khu đô thị, hết năm này qua năm khác.