Mùa Thu Tháng Tám trở lại chiến tích xưa...
Đời sống 03/09/2024 08:30
Khởi nghĩa Nam Kỳ - cuộc tập dượt chuẩn bị tổng khởi nghĩa Tháng Tám
Mùa Thu Tháng Tám năm nay có dịp tìm lại chiến tích Khởi nghĩa Nam Kỳ, nơi được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đó là bia kỉ niệm Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 của làng Phú Hữu (hiện nay thuộc thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang). Bia kỉ niệm Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 sừng sững, hiên ngang bên vàm sông Mái Dầm thơ mộng. Nơi đây, đã diễn ra cuộc khởi nghĩa gây tiếng vang lớn trong những năm đầu 1940.
Vào lúc 12 giờ trưa 22/11/1940, Xứ ủy Nam Kỳ đến Cần Thơ phát lệnh khởi nghĩa. Đêm 24 rạng sáng 25/11/1940, Chi bộ xã Phú Hữu đã vận động được khoảng 70 quần chúng yêu nước tập hợp tại nhà bà Lụa, ở ấp Ngã Lá, xã Phú Hữu kết hợp lực lượng các xã khác như: Đông Sơn, Đông Phú tiến về quận lị Phụng Hiệp. Đến 4 giờ chiều cùng ngày lực lượng đã tới Ngã Bảy - Phụng Hiệp. Kế hoạch chiếm quận lị Phụng Hiệp đã bị lộ, nên tiến hành phương án 2, đốn cây, kéo cột dây thép làm chướng ngại và đốt cầu Phụng Hiệp. Công việc đang tiến hành thì cấp trên cho rút về đánh đồn Cái Cui ở làng Đông Phú. Bọn lính ở đây nghe cộng sản nổi dậy bỏ trốn, kế hoạch đánh đồn không thực hiện được, quân khởi nghĩa liền kéo về chiếm Nhà Việc làng Phú Hữu. Bọn làng đều trốn, quân khởi nghĩa trương cao băng, cờ, khẩu hiệu kêu gọi Nhân dân đứng lên cướp chính quyền, giành lại ruộng đất. Đả đảo thực dân phong kiến. Sau khi đốt toàn bộ sổ sách, giấy tờ của địch, quân khởi nghĩa đánh trống mõ tập hợp quần chúng.
Bia tưởng niệm Khởi nghĩa Nam Kỳ 1940. |
Quần chúng kéo đến Nhà Việc mỗi lúc một đông, nắm lấy thời cơ này, các lãnh đạo liền tổ chức mít tinh. Bí thư Quận ủy Nguyễn Văn Mai, Bí thư Chi bộ Trần Duy Phước trong Ban lãnh đạo khởi nghĩa lên diễn thuyết vạch rõ bộ mặt xâm lược của thực dân Pháp cướp nước ta và bọn địa chủ phong kiến tay sai bán nước, kêu gọi Nhân dân đứng lên cướp chính quyền giành lại độc lập, tự do, ruộng đất. Quần chúng đã hưởng ứng sôi nổi và cùng với quân khởi nghĩa hô vang khẩu hiệu: “Đả đảo thực dân Pháp”. Sau đó, đoàn người kéo đi biểu tình thị uy gươm, giáo, tầm vông, song hòng cầm tay tiến vào ngọn rạch Mái Dầm và ra chợ (khoảng 200m) đã áp đảo tinh thần bọn tay sai, địa chủ.
Bọn địch ở Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) được tin báo, tên Quận trưởng Chỉ đã đưa quân đến đàn áp cuộc khởi nghĩa. Ra giữa dòng sông tàu tắt máy, Quận trưởng Chi ra lệnh cho thợ máy tên Đầm (đảng viên): “Tao hẹn nửa giờ nữa mày không nổ máy thì rõ ràng mày phá hoại”. Nửa giờ sau máy vẫn không chạy, chúng ùa đến đánh đập thợ máy Đầm rất tàn nhẫn. Quá căm thù, Đầm phẫn uất thét lớn: “Tao là cộng sản đây! Không thể cho chúng bây sát hại đồng chí, đồng bào tao”, rồi dùng búa bổ vào máy. Bọn địch điên cuồng nổ súng, ông Đầm hi sinh anh dũng. Khi địch đến được Phú Hữu thì cuộc mít tinh đã giải tán, Sau đó, địch bắt 37 người, gồm các cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng.
Trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Cần Thơ đã có hàng trăm cán bộ, đảng viên và quần chúng yêu nước bị địch giết, bắt vào lao tù và tra tấn dã man. Trong đó có ông Lê Văn Nhung, Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ năm 1940; ông Ngô Hữu Hạnh, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Cần Thơ năm 1940. Ngày 3/6/1941, trước khi đi xử bắn, địch cho linh mục đến rửa tội. Cả 2 ông dõng dạc nói: “Chúng tôi không có tội gì hết” và ung dung hát bài “Quốc tế ca” trước sự kinh ngạc của quân thù. Nghe tin tử hình 2 ông Lê Văn Nhung và Ngô Hữu Hạnh, từ sớm sáng 4/6/1941, quần chúng tập trung rất đông ở phía sau Khám lớn Cần Thơ nơi xử bắn. Đúng 9 giờ 30 phút, ngày 4/6/1941, địch đưa 2 ông ra pháp trường. Cả 2 ông kiên quyết không cho kẻ thù bịt mắt để nhìn lần cuối đồng bào và quê hương yêu dấu của mình. Ông Ngô Hữu Hạnh bước lại bàn, ghi mấy dòng chữ để lại: “Hãy vững lòng tin vào thắng lợi cách mạng”. Giữa pháp trường vang lên “Đả đảo thực dân Pháp”. Một loạt súng nổ vang, 2 đảng viên cộng sản trở thành người con bất tử quê hương. Hôm nay, tượng 2 ông Lê Văn Nhung và Ngô Hữu Hạnh vẫn đứng sừng sững, hiên ngang nơi Khám lớn Cần Thơ-Di tích Quốc gia, và đã thành tên đường của TP Cần Thơ.
Cuộc Khởi nghĩa ở Cần Thơ đã bị thất bại. Tuy vậy, cuộc khởi nghĩa đã nêu cao khí thế cách mạng của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Gây tiếng vang lớn và tầm ảnh hưởng cách mạng rộng lớn, bài học quý báu về khởi nghĩa vũ trang là cuộc tập dượt chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945.
Vùng lên cướp chính quyền
Mùa Thu Tháng Tám 1945, Cần Thơ đón nhận tin khởi nghĩa thắng lợi ở khắp nơi: Hà Nội (19/8), Huế (23/8), Sài Gòn-Gia Định, Chợ Lớn, Long Xuyên, Châu Đốc, Sóc Trăng, Vĩnh Long (25/8). Chiều 25/8/1945, Tỉnh ủy Cần Thơ họp bất thường bàn kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền và cử ông Trần Ngọc Quế, ông Nguyễn Thượng Tư, ông Huỳnh Cẩm Chương đến gặp Sato chỉ huy Nhật tại Cần Thơ để tranh thủ không can thiệp vào việc giành chính quyền của cách mạng.
Sáng hôm sau, ngày 26/8/1945, trên 20.000 đồng bào trong thị xã, các quận trương cao băng cờ, khẩu hiệu tập trung tại sân vận động Cần Thơ (nay là Thành ủy Cần Thơ), hô vang các khẩu hiệu “Chính quyền về tay Nhân dân”, “Nước Việt Nam độc lập muôn năm”. Ủy ban Giải phóng Dân tộc tỉnh Cần Thơ lên lễ đài ra mắt Nhân dân. Ông Huỳnh Phan Hộ thay mặt Ủy ban Dân tộc Giải phóng tỉnh Cần Thơ đọc lời hiệu triệu. Sau đó, cuộc biểu tình vũ trang tuần hành khắp đường phố trong thị xã và tập trung tại dinh xã Tây, đòi Tỉnh trưởng giao chính quyền cho Ủy ban Dân tộc Giải phóng tỉnh Cần Thơ. Trước khí thế cách mạng của quần chúng, Tỉnh trưởng Lưu Văn Tào lo sợ, chấp nhận yêu cầu của Nhân dân, ra lệnh giải tán chính quyền bù nhìn trong tỉnh và xin chính quyền cách mạng cho làm công dân nước Việt Nam độc lập.
Ngày 26/8/1945, Ủy ban Dân tộc Giải phóng lãnh đạo Nhân dân giành chính quyền trong tỉnh. Ngày 28/8/1945, ông Trần Văn Khéo, Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Cần Thơ năm 1945 (nay ông Trần Văn Khéo được đặt tên con đường đi qua Trung tâm thương mại Cái Khế, TP Cần Thơ, đông đúc xe cộ qua lại) đã thành lập Ủy ban Hành chính tỉnh Cần Thơ.
Cùng với cả nước, Nhân dân tỉnh Cần Thơ đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi rực rỡ, viết nên trang sử vẻ vang, đưa đất nước bước sang trang sử mới.
“… Ôi Tháng Tám! Tháng Tám!
Ôi Tháng Tám
Giữa âm u người hiện lóe hào quang
Ôi oai hùng! Ôi kiêu hãnh! Ôi hiên ngang
Cùng một lúc, hai khoen xiềng Pháp Nhật
Ghép chặt lại tưởng vô cùng vững chắc
Phải tan tành với sức mạnh vô biên”.
(Nhà thơ Rum Báo Việt - Báo Tiếng súng kháng địch miền Tây).