"Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ"
Kinh tế 14/07/2022 17:34
Trong 20 năm qua, cùng với sự phát triển của xã hội, Ngân hàng chính sách xã hội huyện Thanh Chương (CSXH) đã đóng góp không nhỏ giúp các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh, bền vững, đời sống vật chất, tinh thần ngày một nâng lên, góp phần đưa chính trị - kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Thanh Chương ngày càng phát triển.
Tìm hiểu thực tiễn, theo giới thiệu của ông Dương Lê Long, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Thanh Chương, tôi đến gia đình chị Nguyễn Thị Tân, ở xóm 6 xã Thanh Hương. Chị Tân vừa rót nước mời khách vừa kể: Những năm trước đây, mặc dù đất đai rộng nhưng do thiếu vốn làm ăn nên gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã dù không phải là người lười nhác mà do thiếu vốn để đầu tư sản xuất. Vốn vay ngoài thì dễ nhưng tiền lãi cao chị không kham nổi. Sau khi được tiếp cận vay 100 triệu đồng bằng nguồn vốn của Ngân hàng CSXH huyện, gia đình chị đã trồng 15 ha chè công nghiệp, nuôi 15 con trâu bò, 100 con lợn thịt, 10 con lợn nái sinh sản. Phát triển chăn nuôi tổng hợp, mỗi năm trang trại của chị cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng sau khi trừ chi phí, tạo việc làm thường xuyên cho 3 đến 4 lao động với mức thu nhập hơn 4 triệu đồng/người/tháng. Gia đình chị Nguyễn Thị Hoài ở thôn 3 xã Thanh Hà, mấy năm trước đây cũng thuộc diện thiếu ăn, được Ngân hàng CSXH cho vay 100 triệu đồng.
Cam bù Tổng đội, đặc sản nổi tiếng của huyện Thanh Chương. |
Sau khi được Hội Phụ nữ xã tư vấn, chị đã trồng 4 ha chè công nghiệp, 2 ha keo nguyên liệu, 2 ha ngô và sắn để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, 1 ha nuôi trồng thủy sản… Nhờ phát huy thế mạnh vùng đồi kết hợp với chăn nuôi tổng hợp, mỗi năm trang trại của chị sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 500 triệu đồng. Rẽ bên phải đường Hồ Chí Minh ghé thăm trang trại của cụ Sơn Nhung mới thấy được sự làm ăn bứt phá của người cao tuổi nơi đây. Trang trại của cụ như một "đóa hoa khổng lồ đủ màu hương sắc". Màu xanh mơn mởn của những vườn bưởi da trơn, màu vàng óng của cam trĩu quả, màu xanh đậm của những hàng chè được cắt tỉa gọn gàng… Phải chăng đây là những đóng góp vật chất, tinh thần của người cao tuổi với phương châm "sống vui, sống khỏe, sống có ích cho đời" mà ở cụ Sơn Nhung là một minh chứng điển hình.
Trao đổi với bà Trần Thị Mai Hạnh, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Thanh Chương được biết: Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện được thành lập ngày 10/5/2003, hiện nay Phòng có 17 cán bộ chuyên môn nghiệp vụ. Trong 20 năm qua, Ngân hàng CSXH đã xây dựng và hoàn thiện bộ máy điều hành chuyên nghiệp, tinh gọn, hiệu lực, hiệu qủa, phong cách giao tiếp văn minh, lịch sự với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.
Phương thức cho vay chủ yếu tại Ngân hàng CSXH hiện nay là cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội. Tính đến ngày 30/6/2022, tổng dư nợ ủy thác cho vay qua 4 tổ chức chính trị - xã hội của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thanh Chương là 745.126 triệu đồng với 14.590 khách hàng, chiếm tỉ trọng 99,8% trên tổng dư nợ tín dụng. Trong đó: Hội Liên hiệp Phụ nữ quản lí 215.177 triệu đồng với 4.251 khách hàng, chiếm tỉ trọng 28,88% . Hội Nông dân quản lí 202.575 triệu đồng với 3.907 khách hàng, chiếm tỉ trọng 27,19% . Hội Cựu chiến binh huyện quản lí 169.693 triệu đồng với 3.433 khách hàng, chiếm tỉ trọng 22,77% . Huyện Đoàn quản lí 157.682 triệu đồng với 2.999 khách hàng, chiếm tỉ trọng 21,16% . Có thể nói, phương thức cho vay này đã thể hiện tính ưu việt riêng có của Ngân hàng CSXH, qua đó đã huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị các cấp để chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của Chính phủ đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp họ nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội.
Tính đến ngày 30/6/2022, tổng nguồn vốn hoạt động tại Ngân hàng CSXH huyện Thanh Chương đạt 753.742 triệu đồng, tăng 731.650 triệu đồng (gấp 33 lần) so với thời điểm mới đi vào hoạt động. Trong 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ, huyện Thanh Chương cho vay được 94.388 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số đạt 2.573 tỉ đồng. Tổng dư nợ đạt 746,8 tỉ đồng, tăng 724,7 tỉ đồng, gấp 33 lần so với dư nợ khi thành lập, tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm là 21% với 14.621 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn, dư nợ bình quân là 51,08 triệu đồng/khách hàng, tăng 48 triệu đồng/khách hàng. Trong đó, dư nợ bình quân chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là 54,45 triệu đồng/hộ, tăng 51,3 triệu đồng/hộ so với khi thành lập.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời, giúp cho 32.524 lượt hộ nghèo được vay vốn, góp phần giúp cho trên 10.000 hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 12.000 lao động, giúp cho 17.723 gia đình học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính. Hỗ trợ xây mới và cải tạo 26.492 công trình nước sạch ở nông thôn. Xây dựng, sửa chữa 1.404 ngôi nhà cho hộ nghèo... Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo đã từng bước thay đổi nhận thức, sử dụng vốn có hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo.
Ghi nhận những đóng góp trong 20 năm qua của Ngân hàng CSXH huyện Thanh Chương, ông Trình Văn Nhã, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương nói: "Những kết quả đã đạt được trong 20 năm qua đã khẳng định vai trò tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, là công cụ, giải pháp căn cơ lâu dài để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế. Thành tựu đã đạt được của tín dụng Ngân hàng CSXH là "điểm sáng" là những "trụ cột" trong hệ thống chính sách giảm nghèo tại địa phương".