Chuẩn bị các điều kiện khi Luật đất đai (sửa đổi) năm 2024 có hiệu lực
Đời sống 06/09/2024 14:27
Chuẩn bị ngay các điều kiện bảo đảm
Để Luật Đất đai (sửa đổi) nhanh chóng đi vào thực tiễn đóng góp hiệu quả vào quá trình thực hiện dự án luật, bên cạnh việc tổ chức tiếp thu ý kiến, kiến nghị của các cơ quan quản lí nhà nước và cử tri, tỉnh Nam Định đã chuẩn bị các điều kiện bảo đảm: Ngày 11/4/2024, ban hành Kế hoạch số 62/KH-UBND, chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung nghiên cứu hoàn thiện, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định của Luật; Phối hợp, đóng góp ý kiến cho Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) trong quá trình xây dựng các Văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND tỉnh được giao trong Luật Đất đai 2024 và các Nghị định hướng dẫn thi hành luật (tại Quyết định số 809/QĐ-UBND ngày 22/4/2024 của UBND tỉnh và Nghị quyết số 08/NQ-TTHĐND ngày 02/5/2024 của HĐND tỉnh).
Điều chỉnh quy hoạch mở rộng TP Nam Định |
Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với ngành Tư pháp rà soát, trình UBND tỉnh kế hoạch ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm: Nghị định hướng dẫn các điều, khoản chung và các lĩnh vực chuyên sâu, triển khai áp dụng luật khoa học, chặt chẽ, phân công trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong xây dựng, hoàn thiện và ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm hiệu lực, đồng bộ, thống nhất.
Chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch, lập kế hoạch sử dụng đất của địa phương phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2024; Nghiên cứu áp dụng các hình thức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Đất đai và tình hình thực tế của từng dự án, từng địa phương; bảo đảm nguyên tắc hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư trước khi quyết định thu hồi đất.
Phối hợp với Sở TN&MT, các sở, ngành thực hiện chặt chẽ quy trình giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, nhất là giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, thông qua thỏa thuận về quyền sử dụng đất; Giám sát việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư của tổ chức kinh tế.
Chủ động triển khai tổ chức xác định giá đất theo thẩm quyền đối với các trường hợp được Luật quy định trong việc xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất bảo đảm nguyên tắc bám sát giá thị trường và việc khuyến khích thu hút đầu tư. UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thí điểm thực hiện việc dành 10% tiền cấp quyền sử dụng đất để đầu tư cho công tác quản lí đất đai; ưu tiên cho công tác đo đạc, chỉnh lí bản đồ, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc đo đạc lại bản đồ địa chính đối với các đơn vị hành chính cấp xã theo Kế hoạch số 95/KH-UBND ngày 16/10/2018 của UBND tỉnh; Chỉ đạo phối hợp với Văn phòng Đăng kí đất đai và các Chi nhánh trong việc giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai cho người dân, bảo đảm chính xác, kịp thời.
Đáp ứng hoàn thiện chính sách đồng bộ
Để đáp ứng yêu cầu hoàn thiện chính sách đồng bộ, các phòng, đơn vị chuyên môn thuộc Sở TN&MT tích cực chủ động nghiên cứu tham mưu triển khai thực hiện Luật Đất đai. Trước mắt, tập trung xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết Luật Đất đai để báo cáo UBND tỉnh. Cụ thể, quy định hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận đất ở; Quy định về diện tích tối thiểu và điều kiện tách thửa, hợp thửa đất; Quy định hạn mức giao đất nông nghiệp; hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp; Quy định về các loại giấy tờ khác của người sử dụng đất trước 15/10/1993 áp dụng trên địa bàn tỉnh; Quy định một số điểm cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Quy định hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận đất ở và hạn mức, diện tích đất giao cho tổ chức tôn giáo. Hướng dẫn về trình tự thủ tục, thành phần hồ sơ để tổ chức triển khai thực hiện; Hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của các địa phương trong triển khai thực hiện Luật Đất đai, nhất là việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai. Phối hợp cùng các huyện, thành phố và các cơ quan xây dựng quy chế phối hợp giữa Văn phòng Đăng kí đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng kí đất đai với cơ quan có chức năng quản lí đất đai cấp huyện và tài chính thuế… xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đa mục tiêu và kết nối liên thông. Để khi ban hành các văn bản quy định chi tiết; hướng dẫn việc chuyển tiếp đúng quy định, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Khu công nghiệp Bảo Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định sau khi được mở rộng thêm 50 ha. |
Cùng với đó tỉnh Nam Định từng bước kiện toàn bộ máy quản lí nhà nước về đất đai bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; loại bỏ khâu trung gian, thực hiện phân cấp, phân quyền theo quy định của luật. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra và kiểm soát quyền lực; giải quyết hiệu quả trên thực tế những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lí và sử dụng đất, thị trường quyền sử dụng đất và thị trường bất động sản nói chung. Việc giám sát thực thi luật phải được công khai để các đại biểu HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội, các ban của HĐND, các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan thi hành, áp dụng luật cùng Nhân dân và các tổ chức đoàn thể hữu quan biết. Trong quá trình giám sát, nếu cá nhân, cơ quan, tổ chức nào phát hiện hiện tượng cài cắm lợi ích cục bộ trong các văn bản quy phạm pháp luật để gây khó dễ cho người dân, doanh nghiệp, trục lợi chính sách sẽ bị xử lí và đưa ra khỏi bộ máy.
Khi gặp vướng mắc trong thực thi luật ở từng lĩnh vực, cần tái kiểm tra, giám sát từ khâu xây dựng, ban hành văn bản luật cho đến thực thi luật, chỉ rõ vướng mắc ở khâu nào. Nếu vướng mắc do thể chế, chính sách thì phải làm rõ vướng mắc thuộc lĩnh vực nào; cơ quan chủ trì ban hành đã lấy ý kiến cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực đó chưa; cơ quan chuyên môn có góp ý đủ, đúng, trúng vấn đề không; Cơ quan chủ trì có tiếp thu đầy đủ ý kiến của cơ quan chuyên môn không... Những tập thể, cá nhân liên quan tới các đạo luật có chất lượng thấp, bất cập trong thực thi, vừa ban hành đã phải sửa đổi và bổ sung thì tùy theo tính chất, mức độ để đưa ra hình thức xử lí thích hợp.
Luật Đất đai năm 2024 nhằm giải quyết, tháo gỡ những bất cập, hạn chế đã chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng của các địa phương, doanh nghiệp và người dân. Bảo đảm khơi thông nguồn lực từ đất đai, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất trong giai đoạn mới, hướng tới mục tiêu phát huy cao nhất nguồn lực đất đai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế sâu rộng, từng bước hiện thực công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.